Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tín Nghĩa chuẩn bị kỹ, không nói suông khi IPO
Hà Thái - 23/02/2014 13:21
 
Theo chỉ đạo của Chính phủ, một loạt tập đoàn và tổng công ty Nhà nước sẽ phải cổ phần hoá trong năm nay. Tổng công ty Tín Nghĩa, một doanh nghiệp Nhà nước lớn của tỉnh Đồng Nai cho biết, “nhiệm vụ then chốt” trong năm 2014 này là chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Nhưng Tín Nghĩa đã chuẩn bị gì để thực hiện nhiệm vụ này? Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn trao đổi với ông Lê Hữu Tịnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa về vấn đề này. Bộ trưởng Thăng: Kiếm 1,4 tỷ USD xây Sân bay Long Thành >FDI tiếp tục tuôn chảy về Đồng Nai

Ông có thể cho biết quyết tâm cổ phần hoá của Tín Nghĩa nên được hiểu thế nào?

Tín Nghĩa đã xác định “nhiệm vụ then chốt” trong năm nay là tiến hành cổ phần hoá Tổng công ty (TCT - Công ty mẹ). Đây là giải pháp rất quan trọng để Tín Nghĩa tiếp tục thực hiện chiến lược của mình sau năm 2015. Nhiệm vụ then chốt này cũng phù hợp với chủ trương cổ phần hoá các DNNN một cách quyết liệt của Chính phủ. Tín Nghĩa đã có những bước chuẩn bị cụ thể chứ không chỉ nói suông.

  Ông Lê Hữu Tịnh, Phó Tổng giám đốc Tổng cổng ty Tín Nghĩa (Đồng Nai)  
  Ông Lê Hữu Tịnh, Phó Tổng giám đốc Tổng cổng ty Tín Nghĩa (Đồng Nai)  

Những bước chuẩn bị cụ thể đó là gì, thưa ông?

Đó là tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc và các lĩnh vực kinh doanh. Chúng tôi cho rằng, sau một thời gian hoạt động thì doanh nghiệp nào cũng phải làm việc này. Đây là những điều chỉnh cần thiết để phù hợp với môi trường và điều kiện kinh doanh mới.

Từ năm 2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến môi trường kinh doanh thay đổi nhiều, điều kiện thị trường không còn thuận lợi, Tín Nghĩa đã tranh thủ thời gian này để tái cấu trúc công ty, với sự tư vấn của các chuyên gia và tổ chức tư vấn có uy tín.

Tuy nhiên, đối với Tín Nghĩa, tái cấu trúc còn nhằm mục đích chuẩn bị để cổ phần hoá. Do vậy, việc sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc và các lĩnh vực hoạt động trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2012, 2013, là rất kiên quyết và dứt khoát. Dự kiến, Tín Nghĩa sẽ IPO vào quý 3 năm nay.

Tái cấu trúc mạnh mẽ như thế có gây ra những xáo trộn?

Do đã có phương án chuẩn bị và thực hiện một cách chủ động nên việc tái cấu trúc không gây ảnh hưởng, xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn hệ thống. Đối tượng bị ảnh hưởng duy nhất là người lao động. Một bộ phận lao động của TCT được sắp xếp vào các vị trí đúng với chuyên môn mà TCT cần, một số chủ động xin thôi việc và một số khác thống nhất chấm dứt hợp đồng lao động. Chúng tôi đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định đối với người lao động.

Tín Nghĩa đã “cắt bỏ” những bộ phận nào?

Cắt ngay các đơn vị, các lĩnh vực thua lỗ. Cuối năm 2012, chúng tôi đã ngừng sản xuất gạch xây dựng. Năm 2013, chúng tôi thực hiện thoái vốn tại DaiABank, tiến hành sắp xếp các công ty con cùng loại hình TNHH MTV về TCT, ngưng mở rộng hoạt động dịch vụ du lịch, nhà hàng và sẽ chấm dứt. Chúng tôi cắt bớt đi để tập trung nguồn lực chuẩn bị cho phương án cổ phần hoá và kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hoá.

Ông có cho rằng trước đây Tín Nghĩa đã đầu tư quá dàn trải?

Tín Nghĩa là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành. Điều này được xác định ngay từ khi thành lập (tháng 9/1989). Mỗi giai đoạn chọn một ngành phù hợp. Những năm đầu, chúng tôi chọn xuất khẩu hàng mộc, sau đó là phân phối hàng nhập khẩu, rồi đến xuất khẩu nông sản, bán lẻ xăng dầu, đầu tư khu công nghiệp, phát triển các dịch vụ kho ngoại quan và logistics… Chúng tôi đầu tư nhiều nhưng tập trung vào các ngành chính như trên, chứ không dàn trải.

Từ năm 2008 đến nay, đặc biệt là những năm 2011, 2012 và 2013, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những bất ổn của kinh tế trong nước đã đẩy nhiều doanh nghiệp, trong đó có Tín Nghĩa, vào tình thế khó khăn: sức mua giảm, vốn khan hiếm, chi phí vốn vay cao ngất ngưởng... Những khó khăn đó đã khiến tăng trưởng chậm lại. Phải chấp nhận thực tế này để điều chỉnh lại chiến lược phát triển của mình.

Nhưng cần phải nói rằng, đến nay đã gần 25 năm, định hướng phát triển Tín Nghĩa thành một doanh nghiệp đa ngành vẫn giữ nguyên. Vấn đề là chọn ngành nghề nào cho phù hợp và hiệu quả. Đa ngành không có nghĩa là cái gì cũng làm, mà chỉ tập trung vào một số lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế.

Bên cạnh “nhiệm vụ” cổ phần hoá, những công việc quan trọng nào khác Tín Nghĩa sẽ thực hiện trong năm nay?

Tái cấu trúc nguồn vốn, cụ thể là giảm nhanh nợ vay cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Tổng công ty quan tâm. Song song đó, bằng nhiều giải pháp Tín Nghĩa tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp An Phước (Long Thành), Ông Kèo (Nhơn Trạch) và Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu), đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục còn vướng mắc để đầu tư xây dựng Tổng kho xăng dầu Phú Hữu…

Chiến lược kinh doanh của Tín Nghĩa sau cổ phần hoá là gì?

Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả những lĩnh vực kinh doanh chủ yếu sau: đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; đầu tư và kinh doanh bất động sản; cung cấp dịch vụ kho ngoại quan và logistics; kinh doanh xăng dầu và sản phẩm từ xăng dầu; xuất khẩu cà phê và sản phẩm nông nghiệp. Các lĩnh vực khác do năng lực cạnh tranh kém, không có hướng phát triển và không có hiệu quả sẽ từng bước được thu hẹp, thoái vốn.

Ông kỳ vọng gì về sự tham gia của các nhà đầu tư khi Tín Nghĩa tiến hành IPO?

Với năng lực quản trị, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật rất tốt, được kiến tạo qua 25 năm nay, nhiều dự án có lợi thế cao đã và đang triển khai, nhiều khoản đầu tư vào các doanh nghiệp bên ngoài có hiệu quả…, chúng tôi tin rằng Tín Nghĩa sẽ tạo được sự quan tâm của các nhà đầu tư khi IPO.

   
  • Tín Nghĩa là một TCT lớn của tỉnh Đồng Nai với 11 công ty con và 10 công ty liên doanh liên kết, với doanh số hàng năm đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, xếp hạng 73 một trong 200 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Năm 2013, tổng doanh thu đạt hơn 9.800 tỷ đồng, vượt kế hoạch 9%; lợi nhuận sau thuế là 126 tỷ đồng.

  • Trong lĩnh vực xuất khẩu, lượng hàng cà phê nhân xuất khẩu được 83.000 tấn với kim ngạch 125 triệu USD, đứng thứ 3 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam. Nhiều năm liền, Bộ Công thương công nhận Tín Nghĩa là Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín.

 

Thủ tướng: Phải dứt điểm cổ phần hóa 432 DNNN
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014 -2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư