Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin vui cho OPEC, Nga sau khi Shell nhận phán quyết tòa án
Lê Quân - 02/06/2021 12:34
 
Chiến thắng của các nhà vận động ứng phó biến đổi khí hậu trước các doanh nghiệp dầu mỏ phương Tây đã mang tin vui cho các tập đoàn dầu mỏ quốc doanh ở Saudi Arabia, Abu Dhabi và Nga.
Nhà máy lọc dầu Abqaiq của Tập đoàn Saudi Aramco. Ảnh: AFP
Nhà máy lọc dầu Abqaiq của Tập đoàn Saudi Aramco. Ảnh: AFP

Thêm việc cho các tập đoàn dầu mỏ quốc doanh

Thất bại tại tòa và phòng họp đồng nghĩa với việc Tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell (gọi tắt là Shell) của Anh và Hà Lan, cùng hai "ông lớn" dầu khí ExxonMobil và Chevron của Mỹ đều chịu sức ép phải cắt giảm phát thải carbon nhanh hơn, theo hãng tin Reuters. Nhưng đây lại là tin vui cho những tập đoàn dầu khí quốc doanh như Saudi Aramco của Saudi Arabia, Công ty dầu mỏ quốc gia Abu Dhabi, và hai tập đoàn Gazprom và Rosneft của Nga. Nghĩa là, những tập đoàn dầu mỏ và khí đốt quốc gia và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn dắt sẽ có thêm việc để làm.

Bà Amrita Sen, chuyên gia phân tích từ Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects nhận định: "Nhu cầu dầu khí còn lâu mới đạt đỉnh và (thị trường) sẽ cần nguồn cung, nhưng các công ty dầu mỏ quốc tế sẽ không được phép đầu tư vào sân chơi này, đồng nghĩa với việc các công ty dầu khí quốc gia phải vào cuộc".

Tuần trước, các nhà vận động ứng phó biến đổi khí hậu đã giành chiến thắng lớn khi tòa án Hà Lan ra phán quyết yêu cầu Shell cắt giảm lượng lớn phát thải, đồng nghĩa với việc cắt giảm sản lượng dầu và khí đốt. Theo Reuters, phía Shell sẽ kháng cáo.

Cùng lúc, hai tập đoàn dầu mỏ hàng đầu Mỹ Exxon Mobil và Chevron cũng thua trận trước những cáo buộc của cổ đông rằng hai doanh nghiệp này đã kéo chân họ vào vấn đề biến đổi khí hậu.

"Có vẻ phương Tây sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ cái mà họ gọi là 'các thế lực thù địch'", một giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn Gazprom hài hước nói khi đề cập đến các công ty năng lượng thuộc sở hữu hoàn toàn hoặc hầu hết bởi nhà nước.

Saudi Aramco, Adnoc, và Gazprom đều từ chối bình luận xung quanh vụ việc. Tập đoàn dầu mỏ Rosneft mà nhà nước Nga nắm cổ phần lớn nhất, cũng từ chối bình luận.

Một nhân viên cấp cao của Saudi Aramco cho biết phán quyết của tòa án Hà Lan đối với Shell sẽ giúp OPEC mở rộng khai thác dầu mỏ dễ dàng hơn. "Thật tuyệt vời cho Aramco", vị này nói.

Các "ông lớn" dầu mỏ phương Tây như Shell đã mở rộng khai thác đáng kể trong 50 năm qua, khi phương Tây nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng đầy biến động từ Trung Đông và từ Nga.

Các công ty năng lượng lớn của phương Tây, trong đó có BP và Total, đã đặt ra kế hoạch cắt giảm mạnh lượng khí thải vào năm 2050. Nhưng họ đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư trong việc đạt được các mục tiêu do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất.

Saudi Aramco được niêm yết trên thị trường chứng khoán Saudi Arabia nhưng nhà nước chiếm đa số cổ phần. Doanh nghiệp này không chịu áp lực cắt giảm lượng khí thải carbon như các công ty năng lượng phương Tây, dù những nhà lãnh đạo Saudi Arabia đặt mục tiêu đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong nước.

Còn Gazprom của Nga dự báo nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ tăng trong những thập kỷ tới và tập đoàn này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong đảm bảo nguồn cung năng lượng (hóa thạch) so với các nguồn năng lượng tái tạo và hydro.

Các công ty khai thác dầu mỏ lớn của phương Tây nắm khoảng 15% sản lượng toàn cầu, trong khi OPEC và Nga chiếm thị phần tới 40%. Tỷ lệ này tương đối ổn định trong những thập kỷ qua bởi nhu cầu dầu mỏ tăng lên được khỏa lấp bởi các nhà sản xuất dầu mỏ mới, nhất là các công ty khai thác đá phiến tư nhân của Mỹ. Tuy nhiên, những công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ cũng đang đối mặt với áp lực tương tự liên quan đến biến đổi khí hậu.

Hệ lụy tăng giá và áp lực trả cổ tức

Kể từ năm 1990, mức tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu đã tăng lên 100 triệu thùng/ngày, từ 65 triệu thùng/ngày trước đó, trong đó châu Á chiếm tỷ trọng lớn trong mức tăng trưởng này.

Các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ không cam kết cắt giảm tiêu thụ dầu mỏ, nhưng tiêu thụ dầu mỏ tính theo đầu người ở những quốc gia này vẫn chỉ bằng một phần nhỏ so với phương Tây. Trung Quốc được dự báo sẽ phụ thuộc nhiều vào khí đốt trong nỗ lực cắt giảm lượng tiêu thụ than khổng lồ của mình.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - đơn vị theo sát các chính sách năng lượng của phương Tây - mới đây đưa ra lời kêu gọi rằng thế giới về cơ bản cần loại bỏ tất cả các động thái mới trong phát triển dầu khí. Nhưng cơ quan này không chỉ ra biện pháp rõ ràng để cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu khí.

Ngoài sức ép từ các nhà vận động ứng phó biến đổi khí hậu, nhà đầu tư, và ngân hàng trong việc cắt giảm khí thải, các "ông lớn" dầu mỏ phương Tây cũng đang đối mặt với nhiệm vụ duy trì trả cổ tức cao trong bối cảnh nợ nần chồng chất.

"Điều quan trọng là ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu phải điều chỉnh sản lượng theo các mục tiêu Paris (mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu)", ông Nick Stansbury, chuyên gia từ Công ty quản lý tài sản và dịch vụ tài chính đa quốc gia Legal & General nhận định. Legal & General là một trong những đơn vị quản lý quỹ lớn nhất thế giới với danh mục quản lý tài sản chủ yếu ở ngành dầu khí. Legal & General hiện quản lý danh mục tài sản trị giá 1.300 tỷ bảng Anh (tương đương 1.800 tỷ USD).

Ông Nick Stansbury cho rằng: "Việc buộc một công ty làm như vậy tại tòa án (nếu có hiệu quả) có thể chỉ dẫn đến giá cả và lợi nhuận dự tính tăng cao hơn".

Trong khi đó, Công ty phân tích rủi ro Verisk Maplecroft cho rằng các vụ kiện liên quan đến khí hậu đã được trình lên 52 quốc gia trong 2 thập kỷ qua, trong đó 90% xảy ra tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Giám đốc điều hành Tập đoàn Aramco cho biết: "Ở phương Tây, các khoản đầu tư vào năng lượng sẽ đạt đỉnh điểm sau những lo ngại về quy định và phán quyết của tòa án. Sau đó, chúng ta sẽ chứng kiến cổ tức đạt mức cao nhất". Aramco trả cổ tức hàng năm cao nhất lên tới 75 tỷ USD.

Trong 5 năm qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo tình trạng thiếu hụt lượng lớn dầu mỏ và giá dầu tăng đột biến do thiếu các khoản đầu tư sau khi giá dầu lao dốc trong giai đoạn 2014 - 2017.

Giá dầu tăng lên gần đây cùng với sức mạnh của các "ông lớn" khai thác dầu mỏ phương Tây bị suy giảm, sẽ đồng nghĩa với việc một lượng lớn tài sản được dịch chuyển từ phương Tây sang các cường quốc xuất khẩu dầu mỏ như Nga và Saudi Arabia, cho đến khi nhu cầu dầu mỏ bắt đầu sụt giảm cả ở phương Tây và châu Á.

Tuy nhiên, "dầu mỏ và khí đốt sẽ vẫn được sản xuất, nhưng ở tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) thấp hơn", Giám đốc điều hành của một công ty sản xuất dầu mỏ Trung Đông lo ngại.

Dầu mỏ, chứng khoán châu Á cùng tăng giá đầu tuần
Các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á - Thái Bình Dương mở cửa tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần 10/5, dù báo cáo thị trường việc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư