Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 lớn nhất trong lịch sử
D.Ngân - 15/06/2021 21:16
 
Thời gian tới, khi vắc-xin nhập khẩu về với số lượng lớn Việt Nam sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất trong lịch sử.

Chiều 15/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc. Theo ông, đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta.

 Bộ trưởng Y tế yêu cầu các điểm tiêm phải được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online. 

Để chuẩn bị tiêm chủng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nước ta sẽ thiết lập 8 kho bảo quản. Trong đó, một kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và các kho còn lại tại 7 quân khu trong toàn quốc. 

Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP). Từ đó, các xe lạnh vận chuyển vắc-xin vận chuyển tới các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Người đứng đầu ngành Y tế lưu ý ngay từ bây giờ, các cơ quan liên quancần thiết lập rất nhanh các kho này, rà soát, kiểm tra lại các yếu tố liên quan đến hậu cần, vật chất, hệ thống dây chuyền lạnh, máy phát điện để bổ sung, khắc phục ngay những yếu tố chưa đủ điều kiện nhằm đảm bảo các tiêu chí về bảo quản vắc-xin an toàn, tránh các tình huống không mong muốn xảy ra.

Bộ trưởng Y tế yêu cầu để bảo đảm an toàn,tất cả điểm tiêm chủng hình thành mạng lưới trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vắc-xin được sử dụng. Tất cả đều được kiểm soát toàn bộ.

Để làm điều này, ông Long cho rằng ngành Y tế phải đẩy nhanh áp dụng sổ sức khỏe điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và qua tin nhắn. 

Mỗi người dân khi nhận được nhắn tin mời đăng ký tiêm có tin nhắn phản hồi. Điều đó đảm bảo việc khi vắc-xin về sẽ có tin nhắn mời người dân đi tiêm. Đồng thời, tất cả thông tin về tiêm chủng phải thể hiện trên hệ thống điều hành tiêm chủng online.

Người dân sẽ biết mình đến điểm tiêm chủng nào tiêm. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông báo cho người đăng ký thời gian tiêm và điểm tiêm. 

Khi đến tiêm, sẽ kiểm tra mã QR code và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn. Khi đạt yêu cầu về sức khoẻ thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. Như vậy, nước ta sẽ tiến đến quản lý hồ sơ "hộ chiếu vắc-xin" dễ dàng.

Sau tiêm, hệ thống sẽ nhắc 2 tiếng/lần theo dõi phản ứng sau tiêm chặt chẽ để người tiêm biết. Đối với những người không dùng điện thoại smartphone, cơ quan chức năng sẽ thiết kế đầu số tổng đài nhắn những thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng.

Do hệ thống y tế cơ sở còn yếu về công nghệ thông tin, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin thiết lập nên hệ thống điều hành tiêm chủng online.

Một điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các điểm tiêm phải được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online. 

Về quy trình tiêm chuẩn, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, quan điểm của Bộ Y tế là tiêm đến đâu an toàn đến đó. Theo đó, Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng Quốc gia phải làm việc trực tuyến 24/7 để chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn. 

Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường tập huấn nhiều lần cho toàn tuyến hệ thống y tế, kể cả công lập và tư nhân, đặc biệt là y tế cơ sở.

Người đứng đầu ngành Y tế cũng sẽ là Trưởng ban chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn quốc.

Đối với hệ thống y tế quốc phòng và công an, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu tiếp tục tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng an toàn. Riêng lực lượng quân đội cần tập huấn thêm về quy trình vận chuyển, bảo quản vắc-xin.

398 bệnh nhân mắc Covid-19 trong ngày

Theo bản tin 18h ngày 15/6, Bộ Y tế công bố các bệnh nhân mắc Covid-19 trong nước. Trong 210 ca ghi nhận trong nước bao gồm: Bắc Giang (138), TP.HCM (38), Bắc Ninh (21), Bình Dương (12), Lạng Sơn (1). Trong đó, 204 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc địa điểm phong tỏa.

TP.HCM: 31 ca là F1, 2 trường hợp liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, 5 người đang điều tra dịch tễ.

 Bắc Giang: Các bệnh nhân trong khu cách ly và vùng phong tỏa, liên quan công nhân làm tại khu công nghiệp.

Bắc Ninh: 12 ca liên quan ổ dịch khu công nghiệp Quế Võ, 4 trường hợp liên quan khu công nghiệp Khắc Niệm, 2 người liên quan ổ dịch Thuận Thành. 2 ca là F1, một trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Lạng Sơn: Ghi nhận một bệnh nhân là nữ, 26 tuổi, địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, liên quan khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), đã được cách ly. Người này có kết quả xét nghiệm ngày 15/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Bình Dương: Các bệnh nhân đều là F1, đã được cách ly. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14/6.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 9.566 ca ghi nhận trong nước và 1.646 bệnh nhân nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 7.996 ca.

Như vậy, trong ngày 15/6, Việt Nam có thêm 398 bệnh nhân mắc Covid-19 trong nước tại Bắc Giang (235), TP.HCM (90), Bắc Ninh (55), Bình Dương (12), Hà Tĩnh (3), Lạng Sơn (2), Hà Nội (1).
Hiện các ổ dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội cơ bản được kiểm soát. Các ca mắc mới chủ yếu trong khu cách ly và địa điểm phong tỏa.

Tuy nhiên, tại TP.HCM, tình hình vẫn rất phức tạp do xuất hiện nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19
Ngày 14/6, Bộ Y tế có công văn hoả tốc gửi 4 Viện dịch tễ đầu ngành yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư