Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Người dân cần chú ý điều gì sau tiêm vắc-xin Covid-19?
D.Ngân - 13/06/2021 09:53
 
Với lo ngại của nhiều người về việc cơ thể mệt mỏi sau tiêm vắc-xin, chuyên gia khuyến cáo cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Ths. Bs.Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho hay, khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi người, đau sưng tại chỗ tiêm,…các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn trong 1-2 ngày. 

Với lo ngại của nhiều người về việc cơ thể mệt mỏi sau tiêm vắc-xin, chuyên gia khuyến cáo cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Để giảm bớt tình trạng này thì ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, mỗi người cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh. 

Theo đó, người sau tiêm vắc-xin cần bổ sung đủ nước cho cơ thể. Theo cân nặng, tuổi với trẻ vị thành niên (10-18) tuổi nhu cầu nước là 40 ml/kg; từ 19 đến 30 tuổi hoạt động thể lực nặng nhu cầu nước là 40 ml/ kg; từ 19 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35 ml/kg, người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30 ml/kg.

Bên cạnh đó, cần uống nước đúng cách, uống từ từ, không nên uống nhiều một lúc, các loại nước uống như: nước hoa quả, nước rau, nước OSEROL, nước có pha thêm chút muối.

Không nên uống quá nhiều nước một lúc không tốt cho sức khỏe. Sở dĩ như vậy là do uống nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải. Khi uống nước càng chậm càng tốt, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống, nó sẽ giảm cơn khát tốt hơn. 

Sau khi tiêm vắc-xin, thường có các dấu hiệu đau sốt, vì thế việc bổ sung nước cho cơ thể là rất cần thiết, nhất là vào những ngày nắng nóng. Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép để cung cấp lượng vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.

Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng tốt cung cấp đủ cho nhu cầu cơ thể các chất dinh dưỡng và cân đối về tỷ lệ các chất dinh dưỡng. Đồng thời để tăng sức đề kháng cho cơ thể, chế độ ăn cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng từ nguồn động vật và thực vật. 

Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ). 

Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Theo khuyến nghị về rau xanh và hoa quả chín, thì lượng rau xanh từ 200-300g/người/ngày, quả chín từ 100-200g/người/ngày.

Rau quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng giúp tăng sức đề kháng và miễn dịch cơ thể, nếu thiếu làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Các vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch gồm: vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E và chất khoáng như sắt, kẽm, selen.

Khi chế biến thực phẩm phải lựa chọn thực phẩm tươi sống, không ăn những thực phẩm gia cầm và gia súc bị chết do nhiễm bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn khi thực phẩm chưa chín như ăn tái, ăn giỏi, tiết canh, trứng ốp la, trứng sống.

Khi chế biến thực phẩm, cần vệ sinh giao thớt và rửa tay bằng xà phòng trước, trong, sau khi chế biến thực phẩm. Các thức ăn cần nấu chín kỹ, chế biến dạng lỏng, hay mềm, dễ tiêu hóa và tùy theo sở thích của từng người.

Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, người thường mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau vì vậy cần chế biến thức ăn ở dạng mềm, dễ tiêu như cháo đậu xanh nấu thịt, cháo hành nấu thịt, súp gà, súp cua, đồng thời chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nếu trường hợp sốt cao, đau nhiều có thể uống thuốc hạ sốt giảm đau.

Phản ứng thường gặp nhất sau khi tiêm là sốt, vết tiêm nổi mẩn, mưng mủ. Tùy theo cơ địa từng người, từng loại vắc-xin sẽ có phản ứng khác nhau, vì vậy sau khi tiêm cần được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp ít nhất là 30 phút mới ra về và tiếp tục theo dõi tại nhà, nếu có biểu hiện bất thường cần thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế.

Về cách xử trí một số phản ứng thông thường, theo bác sĩ Tiến, sốt là phản ứng phổ biến nhất sau khi tiêm vắc-xin covid-19. Đây là cách cơ thể phản ứng với thuốc và thường tự khỏi sau 1-2 ngày sau khi tiêm. 

Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp có thể sốt đau, có thể sử dụng thuốc hạ sốt chống viêm, nếu sốt không giảm (trên 39 độ C), liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

Trường hợp vết tiêm bị sưng đỏ, đau, người dân không nên lo lắng. Vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại. Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để giảm đau.

“Sau khi tiêm, người có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân… Thông thường, các biểu hiện dị ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu trong người khó chịu thì phải dùng thuốc chống dị ứng với sự tư vấn của cán bộ y tế”, đại diện Viện Dinh dưỡng cho hay.

Sáng 13/6, 22 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân mắc Covid-19.
Những người này là nhân viên phòng Tổ chức Hành chính (15) và Công nghệ thông tin (7).

Cơ sở y tế này đang tạm phong tỏa để điều tra dịch tễ. Đánh giá ban đầu cho thấy nguồn lây là từ bên ngoài bệnh viện. Lúc này nhiều câu hỏi được đặt ra về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin khi hầu như các nhân viên y tế này đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin AstraZeneca. 

Trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, vắc-xin Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. 14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ của mũi này rất thấp.

 Sau tiêm mũi thứ 2, vắc-xin Covid-19 đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Ngoài ra, hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại.

 

Vị chuyên gia này cũng khẳng định, vắc-xin Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh.

“Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vắc-xin, chúng ta có thể không mắc Covid-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác”, TS.Thái cho hay.

Cuộc đua của các doanh nghiệp Việt nhằm đưa ra thị trường vắc-xin Covid-19
Theo Cục Khoa học đào tạo và Công nghệ, Bộ Y tế, các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực hết sức để đưa vắc-xin trong nước ra thị trường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư