Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tổ hợp Hóa dầu miền Nam chật vật tìm đối tác
Thanh Hương - 14/11/2015 08:43
 
Việc Tập đoàn Dầu khí Qatar (QP) tuyên bố rút khỏi Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, với lý do tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển, đã khiến dự án hoá dầu quy mô hàng tỷ đô này một lần nữa lâm vào bế tắc.

Tháng 2/2012, tại Bangkok (Thái Lan), các đối tác cũ trong Dự án gồm SCG, Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan (TPC), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với QPI Việt Nam (QPIV) trực thuộc Qatar Petrolum International (QPI) trong việc đầu tư Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.

Sau sự kiện này, các đối tác Thái Lan từ chỗ chiếm 71% vốn đã giảm còn 46% (SGC nắm 28%, TPC nắm 18%), QPIV nắm 25%, phần còn lại thuộc về đối tác Việt Nam. Đáng nói là, việc tham gia dự án hoá dầu này của QPIV khi đó là nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào của Dự án như propan, naphtha…, bên cạnh những hỗ trợ khác về tài chính.

Ngoài việc đảm bảo ổn định nguồn cung nguyên liệu đầu vào như propan, naptha… các Dự án lọc hoá dầu tại Việt Nam rất cần sự hỗ trợ lớn về tài chính. Ảnh: Đ.T
Ngoài việc đảm bảo ổn định nguồn cung nguyên liệu đầu vào như propan, naptha… các dự án lọc hoá dầu tại Việt Nam rất cần sự hỗ trợ lớn về tài chính. Ảnh: Đ.T

Những tưởng Dự án đã được lật sang trang mới khi 3 đối tác chính là QPIV, PVN và SCG đều rất quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, nhưng với việc giá dầu giảm mạnh trong 2 năm gần đây, mọi chuyện đã trở nên không suôn sẻ.

Vào tháng 5/2015, việc sáp nhập QPI vào QP đã được thông báo tới các cơ quan hữu trách của Việt Nam với nhận định, việc sáp nhập này có thể kéo dài thời gian thực hiện Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, do rất nhiều quyết định của HĐTV đang chờ phê duyệt của Ban lãnh đạo QP.

Nhưng tới tháng 9/2015, Tổng giám đốc QP đã chính thức tuyên bố với PVN và SCG trong cuộc họp cấp cao ba bên về việc rút lui của QPIV tại Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.

Sau tuyên bố này, các bên đã làm việc cụ thể về việc chuyển nhượng phần góp vốn của QPIV trong Dự án và làm việc với Công ty Kinh doanh dầu mỏ quốc tế Qatar (Tasweeq) để yêu cầu tiếp tục duy trì hiệu lực của thỏa thuận cung cấp nguyên liệu propan và naphtha dài hạn cho Dự án đã được các bên ký kết.

Trước đó, vào năm 2012, Vinachem đã tuyên bố rút lui khỏi dự án này. Sau đó, PVN đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận việc mua lại 11% cổ phần của Vinachem để nâng phần góp vốn của PVN lên 29% hồi tháng 1/2014. Cuối năm 2014, Vinachem cũng đã nhận được 30% số tiền mà PVN phải trả. Số tiền còn lại ở thời điểm này dù các hồ sơ, thủ tục đã xong, nhưng chưa thể nhận bởi lại vướng sự kiện rút lui của đối tác Qatar.

Tới nay, các bên đã góp vốn được 4 đợt, với tổng số tiền là 144,2 triệu USD.

Ngày 12/11, nguồn tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cho hay, việc giải phóng mặt bằng của Dự án đã hoàn tất hơn 99%. Trước đó, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Long Sơn (LSP) đã tạm ứng 906 tỷ đồng cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thực hiện chi trả, đền bù, chuẩn bị hạ tầng với mục tiêu hoàn thành trong tháng 10/2015.

Cũng thời điểm này, LSP đã hoàn thành việc đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu và đang tiếp tục đàm phán để có giá tốt hơn, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, tất cả công việc liên quan tới Dự án chưa biết sẽ thực hiện tiếp ra sao.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư mới của Dự án cũng chưa được chốt lại chính thức dù các con số được nhắc tới trong thời gian qua là khoảng 4,5 tỷ USD.

“Việc thay đổi chính thức tổng mức đầu tư, nâng tỷ lệ góp vốn của PVN cùng hàng loạt vấn đề khác được dự tính sẽ làm luôn một lần. Tuy nhiên, do QP tái cơ cấu và nay là chính thức rút lui, nên nhiều văn kiện liên quan chưa được phê duyệt để có thể chính thức trình lên các cơ quan chức năng xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay.

Hiện chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về đối tác sẽ mua lại phần góp vốn của QPIV. Được biết, Bộ Công thương cũng đã làm việc với SCG và PVN liên quan đến đàm phán chuyển nhượng phần vốn góp này cũng như việc duy trì hợp đồng nguyên liệu cho Dự án.

Một cuộc họp cấp cao giữa Bộ Công thương Việt Nam, PVN với Bộ Năng lượng và Công nghiệp Qatar cũng vừa được tổ chức tại Doha, nhưng chưa có thông tin nào được loan báo.

Về khả năng PVN mua lại một phần góp vốn của QPI, một số chuyên gia cho rằng, điều đó không dễ dàng với tiềm lực hiện nay của PVN. Bởi vậy, SCG lại được nhắc tới, bởi đây là nhà đầu tư đã bán phần vốn góp của mình cho QPIV hồi năm 2012. Dẫu vậy, phương án dự phòng về tìm đối tác mới, lẫn hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho Dự án mà trước đây được đảm trách với phía Qatar cũng đã được tính tới.

Cơ chế ưu đãi cho công nghiệp lọc hóa dầu: Dung Quất “tị” với Nghi Sơn
Các ưu đãi dành cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được cho là không bằng những ưu đãi mà Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được hưởng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư