Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2015)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Người luôn lắng nghe
Duy Hữu - 01/07/2015 16:32
 
Nguyên Phó thủ tướng Đoàn Duy Thành đã dành nhiều tình cảm và sự trân trọng khi kể về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, vị Tổng Bí thư đầu tiên của thời ký đổi mới.

“Để nói về cuộc đời và sự nghiệp của anh Nguyễn Văn Linh, có thể tổng kết trong mấy câu: Anh là người Cộng sản kiên cường, bất khuất trước kẻ thù; trung thực với bạn bè, đồng chí; tận tình với sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ; luôn luôn lắng nghe, không bảo thủ, giáo điều”.

Đó là lời ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, khi kể về những kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Mặc dù đã 86 tuổi, một bên tai thính lực chỉ còn 50%, nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện về vị Tổng Bí thư đáng kính, ông Thành kể rất say sưa, qua lời kể của ông, hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hiện lên thật bình dị mà vĩ đại.

Không bao giờ nghĩ đến lợi ích cá nhân

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nước non về một dải. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), ông Nguyễn Văn Linh đã được bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn sau sát quần chúng để lắng nghe và ra các quyết sách đổi mới
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn sâu sát quần chúng để lắng nghe và ra các quyết sách đổi mới. Nguồn ảnh: Internet.

Thường thì khi ai đó đã ở vị trí cao rồi sẽ giữ nguyên vị trí hoặc lên tiếp nữa, nhưng với ông Nguyễn Văn Linh thì khác, đến Đại Hội Đảng lần thứ V (1982), ông xin rút khỏi Bộ Chính trị và trở về làm Bí thư Thành ủy TP.HCM (khi đó Bí thư Thành ủy TP.HCM không phải Ủy viên Bộ Chính trị). Lý do là, khi ấy, ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy, được điều chuyển ra làm việc tại Trung ương, trong đó đang thiếu người có uy tín và kinh nghiệm lãnh đạo.

Chức vụ cũ, nhưng nhiệm vụ thì mới. Đó là xây dựng TP.HCM trở thành Hòn ngọc Viễn Đông của chế độ Xã hội chủ nghĩa. Với người khác, có thể có nhiều trăn trở, suy tư về vị thế chính trị của mình, nhưng với ông Nguyễn Văn Linh, mọi danh vọng, địa vị đều không phải là điều quan trọng, mà quan trọng là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc hết mình.

Có thể nói, Đại hội Đảng lần thứ V và sau Đại hội là thời kỳ các địa phương từng bước phát hiện những sự bất hợp lý của cơ chế cũ, nhất là sau khi có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (tháng 1/1981), về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (thường được gọi là khoán 100). Ông Thành kể: “Trong thời gian này, tôi làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, anh em chúng tôi cùng quê Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên khi đó là một tỉnh), nên chúng tôi thường gặp nhau luôn, để trao đổi kinh nghiệm. Anh Linh mỗi khi ra họp, hoặc làm việc với Trung ương, anh thường xuống Hải Phòng trao đổi kinh nghiệm đổi mới với tôi, hoặc tôi vào TP.HCM làm việc với anh. Đó là một thời kỳ sôi động của hai thành phố, trong việc tìm kiếm giải pháp mới, khắc phục những khó khăn để phát triển, phục vụ nhân dân tốt hơn, nhằm từng bước nâng dần đời sống tinh thần và vật chất cho mọi người”.

Khi đó, TP.HCM cũng như các địa phương khác, đang rất khó khăn, sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân thiếu thốn đủ thứ. Ông Linh đã xuống từng nhà máy, cơ sở sản xuất để lắng nghe tiếng nói của công nhân. Có lần xuống nhà máy nọ, những công nhân ở đây đã nói, trước kia chúng tôi làm thuê thì có lương, nay làm chủ thì không. Ông Linh về suy nghĩ lung lắm, sau đó ông cho phép một số nhà máy, xí nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh. Từ thực tiễn, ông rút ra những bài học rồi trao đổi với lãnh đạo cấp cao xin ra cơ chế.

Tháng 7/1983, khi các vị lãnh đạo cấp cao là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công đang nghỉ ở Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Linh đã cùng một số giám đốc cơ sở làm ăn có lãi, trực tiếp gặp 3 vị lãnh đạo trên để đề đạt nguyện vọng và mời họ ghé qua TP.HCM thăm cơ sở sản xuất. Nhờ đó, đã thuyết phục được các lãnh đạo chủ chốt của Trung ương ủng hộ đổi mới.

Ông Đoàn Duy Thành đã dành những lời trân trọng để đánh giá cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Trong những buổi làm việc với anh Linh, tôi luôn cảm nhận thấy anh là một nhà cách mạng suốt đời vì dân, không bao giờ nghĩ đến lợi ích cá nhân, bất cứ ở cương vị nào, cũng cố gắng hết mình làm cho tốt”.

Đảng giao việc gì cũng làm hết mình

Để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông Nguyễn Văn Linh được điều ra làm Thường trực Ban Bí thư và được cử trở lại tham gia Bộ chính trị. Đến Đại hội VI (1986), ông được bầu làm Tổng Bí thư. Ở cương vị mới, ông tập trung vào thực hiện nghị quyết, với ý thức trách nhiệm cao nhất. Mặc dù tuổi cao (khi làm Tổng Bí thư, ông đã 71 tuổi), lại trải qua nhiều năm tháng hoạt động gian khổ trong lòng địch, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng với bản lĩnh kiên cường, tự tin, ông luôn luôn suy nghĩ tìm tòi, để hoàn thành sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước phát triển.

Ông Linh làm Tổng Bí thư giữa lúc tình hình kinh tế đất nước gặp vô vàn khó khăn, chính trị phức tạp: ở biên giới phía Bắc tuy chiến tranh đã tạm ngừng, nhưng vẫn rất căng thẳng. Chiến tranh biên giới phía Tây Nam cũng còn rất phức tạp.

Năm 1990, Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phe Xã hội chủ nghĩa không còn nữa. Việt Nam đang bị cô lập, phong tỏa, nên việc xử lý thế nào cho “trong ấm ngoài êm” là vấn đề tinh tế và khôn khéo, để chèo lái con thuyền Việt Nam ra khơi, hội nhập cùng thế giới. Nhận định đổi mới là điều tất yếu, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mạnh dạn vận dụng những kinh nghiệm từ địa phương để kiến thiết cho công cuộc đổi mới đất nước. Ông khẳng định: "Không có con đường nào khác là phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế, phát huy vai trò của khoa học kỹ thuật, mở rộng nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại".

Chỉ sau một nhiệm kỳ lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, kinh tế nước ta đã thoát ra khỏi khó khăn, từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Tình trạng lạm phát được kiểm soát, sản xuất nông nghiệp được phục hồi và phát triển, nhân dân không bị thiếu ăn mà còn trở thành nước xuất khẩu lương thực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến Việt Nam để làm ăn.

Tài năng lãnh đạo của Nguyễn Văn Linh khiến nhiều người phải ngạc nhiên, bởi do hoàn cảnh, ông không được học hành nhiều, cũng ít khi được ra nước ngoài để tìm hiểu kinh nghiệm. Để có thể ra được những quyết sách đúng đắn, ông luôn bám sát thực tiễn và luôn lắng nghe. Đặc biệt, ông là người không bao giờ tự ái trước những lời “nghịch nhĩ”. Ông Đoàn Duy Thành rưng rưng nhớ lại: “Đối với tôi, anh Linh là người anh lớn và là bạn vong niên, anh thường dành cho tôi một tình cảm thân thương đặc biệt. Mỗi khi gặp anh, có lúc tôi góp ý rất thẳng thắn, khó nghe, nhưng anh đều tiếp thu và hoan nghênh, vui vẻ. Chưa có lần nào tôi thấy anh có thái độ khó chịu, khi lời góp ý của tôi hơi cứng. Sau ngày anh qua đời, mỗi khi nhớ đến anh, tôi lại cảm thấy một nỗi buồn man mác, nhất là khi có một sự kiện chính trị nào đó xảy ra, muốn trao đổi với anh”.

Năm 1991, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, lúc này ông Nguyễn Văn Linh đã 76 tuổi, Trung ương lo ngại ông không đủ sức khỏe để gánh vác trách nhiệm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa. Mọi người đều bối rối, không biết trình bày việc này với ông thế nào. Nhưng mọi chuyện lại đơn giản hơn mọi người nghĩ rất nhiều. Một đồng chí giữ trọng trách trong Ban Tổ chức Trung ương kể: “Khi gợi ý anh nghỉ chức Tổng Bí thư, là anh vui vẻ đồng ý ngay”.

Đảng giao việc gì cũng làm hết mình, không suy tị chức vị, quyền lợi. Đảng bảo làm là làm, Đảng bảo nghỉ là nghỉ. Đó là nét nổi bật về đạo đức phẩm chất cách mạng của ông.

Tổng Bí thư khơi nguồn FDI
Sau một phần tư thế kỷ, những thông điệp về mục tiêu của công cuộc Đổi mới của Việt Nam, về hội nhập, thu hút đầu tư cũng như trách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư