Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) có Chủ tịch Hội đồng thành viên mới
Anh Minh - 16/09/2024 23:14
 
Ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (GTVT) vừa được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC.
Ông Phạm Hoài Chung.
Ông Phạm Hoài Chung.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC vừa triển khai quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy – SBIC.

Ông Phạm Hoài Chung sinh năm 1976, là Tiến sỹ Quản lý xây dựng giao thông và MBA quản trị kinh doanh.

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC, ông Chung có thời gian dài là Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT.

Ông Chung có trên 15 năm kinh nghiệm tham gia xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển ngành GTVT, quy hoạch cảng biển, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cũng như các Đề án phát triển đội tàu biển, các cơ sở công nghiệp đóng tàu…

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã ký quyết định để ông Nguyễn Xuân Sang, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT thôi phụ trách Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC kể từ ngày 4/9/2024. Ông Nguyễn Xuân Sang từng được giao tạm thời phụ trách Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC trong thời gian Bộ GTVT thực hiện quy trình kiện toàn nhân sự Hội đồng thành viên kể từ ngày 19/1/2024.

Hiện nay Bộ GTVT và Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC đang tổ chức triển khai Nghị quyết số 220/NQ-CP ngày 22/12/2023 của Chính phủ về Kế hoạch tổ chức thực hiện Thông báo số 23-TB/TW ngày 28/12/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý SBIC.

Được biết, tại Nghị quyết số 220, Bộ GTVT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, làm việc với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các tòa án có liên quan để đẩy nhanh tiến độ xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC.

Bộ GTVT có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương phá sản đối với Công ty mẹ - SBIC, 7 công ty con và thu hồi vốn, tài sản, quyền tài sản của Công ty mẹ - SBIC tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, 7 công ty con và tại các doanh nghiệp; chỉ đạo Hội đồng thành viên SBIC xây dựng, đề xuất cơ chế lương, thưởng đối với người quản lý, người lao động của Công ty mẹ SBIC và tại các doanh nghiệp, đơn vị thuộc SBIC và việc khoanh nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và miễn lãi chậm đóng để giải quyết chế độ cho người lao động từ ngày 31/12/2020 trở về trước và các khoản phát sinh từ sau thời điểm 31/12/2020 đến khi Tòa án ban hành quyết định tuyên bố phá sản của Công ty mẹ - SBIC và tại các doanh nghiệp, đơn vị thuộc SBIC.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan, xem xét, đánh giá để đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 220, Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước trong quý I/2025.

Mở thủ tục phá sản Công ty mẹ SBIC và 7 công ty con từ quý I/2024
Đây là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đề ra để tổ chức thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư