Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Lo mất nguồn thu lớn
Bảo Như - 17/01/2021 11:38
 
Việc đẩy sớm tiến độ xây dựng cầu Nguyễn Trãi sẽ tác động trực tiếp đến lưu thông hàng hóa qua cảng Hoàng Diệu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Việc UBND TP. Hải Phòng đẩy sớm tiến độ triển khai cầu Nguyễn Trãi trong bối cảnh Đề án Di dời cảng Hoàng Diệu vẫn bị “mắc cạn” sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng - đơn vị mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) nắm hơn 92% vốn điều lệ.

Cảng Hoàng Diệu có khả năng khai thác tàu 50.000 DWT 	ảnh: a.m
Cảng Hoàng Diệu có khả năng khai thác tàu 50.000 DWT.  Ảnh: A.M

Mất nguồn thu lớn

Lãnh đạo VIMC đã không giấu được sự sốt ruột trong Văn bản số 55/HHVN-ĐT được gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào đầu tuần này.

Trong văn bản này, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết là vừa nhận được báo cáo của người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng về Dự án Xây dựng cầu Nguyễn Trãi của UBND TP. Hải Phòng sẽ làm tê liệt cảng Hoàng Diệu - một trong hai “con gà đẻ trứng vàng” của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng.

Cụ thể, UBND TP. Hải Phòng sẽ triển khai sớm hơn kế hoạch Dự án Xây dựng cầu Nguyễn Trãi nối từ trục đường Nguyễn Trãi (quận Ngô Quyền) bắc qua sông Cấm sang huyện Thủy Nguyên để có thể cơ bản hoàn thành vào quý III/2023.

Do phần cầu chính và đường dẫn cầu dẫn của công trình này được xây dựng trên phạm vi cầu tàu và bãi sau cầu bến số 1 ,2, 3 thuộc cảng Hoàng Diệu, nên trước khi Dự án được thực hiện (khoảng tháng 10/2021 bắt đầu thi công), Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng sẽ phải bàn giao toàn bộ phạm vi đất từ cầu bến số 1 đến cầu bến số 3 cho địa phương.

“Điều đáng nói là, toàn bộ phần còn lại của cảng Hoàng Diệu (từ cầu 4 đến cầu 9) cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn do hạn chế tĩnh không khá thấp của cầu Nguyễn Trãi”, lãnh đạo VIMC thông tin.

VIMC lo ngại khi cầu Nguyễn Trãi được xây dựng, với tĩnh không thông thuyền 25 m, các cảng phía thượng lưu cầu chỉ có thể khai thác được các tàu cỡ nhỏ (dưới 4.000 DWT).

“Như vậy, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Nguyễn Trãi sớm hơn dự kiến sẽ tác động trực tiếp đến lưu thông hàng hóa qua cảng Hoàng Diệu và hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị”, ông Tĩnh lo ngại.

Thế kẹt

Theo Quy hoạch chung xây dựng TP. Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009, Hải Phòng sẽ từng bước di dời các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng để dành đất xây dựng dịch vụ công cộng và bổ sung cây xanh. Đất phần cảng ven sông Cấm sau khi di dời dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại. Về quy hoạch giao thông đường bộ, TP. Hải Phòng xây dựng cầu Nguyễn Trãi, cầu Hoàng Văn Thụ qua sông Cấm.

Trên cơ sở quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP. Hải Phòng từng lên kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm tại vị trí cầu cảng số 1, 2, 3 bến cảng Hoàng Diệu, với tĩnh không 25 m, dự kiến được khởi công xây dựng quý I/2018, hoàn thành quý IV/2021. Trước đó, khi cầu Hoàng Văn Thụ đã được khởi công vào tháng 1/2017, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã buộc phải tạm ngừng khai thác các cầu cảng số 9, 10, 11 để phục vụ thi công xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ (bao gồm cả các tuyến đường sắt chuyên dùng trong cảng).

Như vậy, thế kẹt của VIMC và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng - đơn vị VIMC đang nắm giữ 92,56% vốn điều lệ - chủ yếu xuất phát từ Đề án Di dời bến cảng Hoàng Diệu thuộc cảng biển Hải Phòng vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dù đã VIMC đã trình từ tháng 6/2018, chứ không phải kế hoạch xây cầu Nguyễn Trãi được đẩy sớm.

Trước đó, tại Đề án Di dời cảng Hoàng Diệu, VIMC đề xuất bắt đầu di dời 3 cầu cảng đầu tiên (số 1, số 2, số 3) vào quý I/2020; các cảng còn lại từ quý III/2020 theo hướng dịch chuyển hàng hóa tiếp nhận sang cảng Chùa Vẽ và các cảng hiện hữu trên sông Cấm.

Để hỗ trợ đơn vị đang vận hành bến cảng Hoàng Diệu, VIMC kiến nghị Chính phủ ưu tiên cho Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đầu tư một số bến cảng mới tại Lạch Huyện, đảm nhận lượng hàng theo quy hoạch, bù đắp năng lực thông qua và đảm bảo nguồn thu khi bến cảng Chùa Vẽ chuyển đổi công năng. Tuy nhiên, đến nay, Đề án Di dời bến cảng Hoàng Diệu vẫn đang bị treo.

Được biết, trong Văn bản số 55/HHVN-ĐT, VIMC đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Di dời cảng Hoàng Diệu làm cơ sở để các chủ thể có liên quan có thể thực hiện di dời cơ sở vật chất, sớm ổn định hoạt động.

Bên cạnh đó, để đồng bộ với tiến độ đầu tư xây dựng bến 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng do Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đầu tư dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2023, VIMC đề nghị Bộ GTVT xem xét, hỗ trợ, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận, ưu tiên bố trí nguồn vốn và sớm thực hiện Dự án Đầu tư tuyến đường sau bến 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

“Nếu không sớm triển khai những giải pháp này, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng sẽ không thể bù đắp được một nguồn thu quan trọng vốn sẽ bị tê liệt trong thời gian ngắn sắp tới”, lãnh đạo VIMC thông tin.

Cảng Hoàng Diệu hiện gồm 9 cầu tàu có khả năng khai thác tàu 50.000 DWT. Cảng này chủ yếu khai thác các mặt hàng ngoài container thông qua khu vực Hải Phòng và chiếm tỷ trọng tới khoảng 70% sản lượng hàng rời tại khu vực Hải Phòng.

Năm 2019, cảng Hoàng Diệu đạt doanh thu 391 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 43 tỷ đồng, đứng thứ 2 về hiệu quả sản xuất - kinh doanh trong số 11 công ty con, công ty liên kết của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam áp dụng bộ nhận diện mới cùng tên giao dịch VIMC
Ngày 18/8/2020, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần và áp dụng bộ nhận diện thương hiệu cùng tên giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư