Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tổng công ty Thăng Long: CTCP Đầu tư và Xây dựng TNG nâng sở hữu lên 50,16% vốn điều lệ
Duy Bắc - 18/07/2022 07:19
 
Tasco (mã HUT) thoái ra và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG trở thành cổ đông lớn nhất tại Tổng công ty Thăng Long - CTCP (mã TTL – sàn HNX).

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG trở thành cổ đông lớn nhất của Tổng công ty Thăng Long

Theo đó, Công ty cổ phần Tasco (mã HUT – sàn HNX) vừa bán ra toàn bộ 14.838.949 cổ phiếu TTL để giảm sở hữu từ 35,45% về 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 5/7/2022. Như vậy, sau giao dịch, Tasco không còn là cổ đông lớn tại Tổng công ty Thăng Long.

Ngược lại, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG vừa mua thêm 14.838.949 cổ phiếu TTL để nâng sở hữu từ 14,71% lên 50,16% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 5/7.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG được thành lập năm 2012, hoạt động chính là xây dựng công trình cấp, thoát nước. Trong đó, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hồng Giang.

Ở một diễn biến khác, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo đăng ký bán toàn bộ 10,5 triệu cổ phiếu TTL để giảm sở hữu từ 25,09% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/7 đến 16/8.

Trước đó, SCIC dự kiến bán cả lô 10,5 triệu cổ phiếu TTL với giá khởi điểm 195 tỷ đồng, tương ứng giá chào bán tối thiểu khoảng 18.530 đồng/cổ phiếu, phiên đấu giá dự kiến diễn ra ngày 21/6 trên sàn HNX. Tuy nhiên, kết thúc thời gian đăng ký, không có nhà đầu tư đăng ký tham dự phiên đấu giá nên phiên đấu giá bị hủy.

Mặc dù vậy, SCIC tiếp tục thông qua kế hoạch đấu giá 10,5 triệu cổ phiếu TTL trên sàn HNX với giá khởi điểm cả lô là 195 tỷ đồng, phiên đấu giá dự kiến diễn ra ngày 10/8.

Tổng công ty Thăng Long tham gia xây dựng nhiều công trình lớn trọng điểm trong cả nước

Theo tìm hiểu, Tổng công ty Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được thành lập vào tháng 7/1973, với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985) - cây cầu lớn nhất thời bấy giờ. Năm 2018, cổ phiếu Công ty được giao dịch trên HNX. Tổng công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp; cung cấp dịch vụ cho thuê nhà kho, văn phòng, nhà xưởng; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng.

Hiện tại, Tổng công ty Thăng Long đang tham gia xây dựng các công trình giao thông trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung ở TP.HCM, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Đồng Nai, Phan Thiết…

Tổng công ty Thăng Long đã trúng các gói thầu và tham gia xây dựng các công trình lớn trọng điểm như: Cầu Thăng Long, cầu Hoàng Long và cầu Hàm Rồng gói thầu số 4, gói thầu 1 đoạn Hà Nội - Vinh, Dự án đường ô tô cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Dự án xây dựng đường vành đai 3 - giai đoạn 2 - gói thầu 3...

Tính tới cuối năm 2021, cơ cấu cổ đông của Tổng công ty Thăng Long gồm 1 cổ đông lớn là nhà nước sở hữu 25,1% vốn điều lệ và còn lại 74,9% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Xét về hoạt động kinh doanh, năm 2021, Tổng công ty ghi nhận doanh thu 1.129,92 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8,47 tỷ đồng, lần lượt tăng 75,45% và giảm 29,5%. Công ty cho biết doanh thu năm tăng đột biến do việc triển khai 2 dự án cao tốc Bắc - Nam nên doanh thu tăng mạnh.

Công ty hiện có 3 công ty con và 3 công ty liên kết. Trong đó, năm 2021, 1/3 công ty con lỗ là Công ty TNHH BOT Cầu Yên Lệnh lỗ 1,9 tỷ đồng và 2/3 công ty con có lãi là Công ty cổ phần Cầu 1 Thăng Long và Công ty cổ phần Cầu 35 Thăng Long, lần lượt lãi 0,21 tỷ đồng và 0,51 tỷ đồng.

Đối với công ty liên kết, trong năm 2021, có 1/3 công ty lỗ là Công ty tNHH Bê tông Mekong Thăng Long với giá trị lỗ 0,26 tỷ đồng và còn lại 2 công ty liên kết đều lãi là Công ty TNHH Kết cấu thép Mitsui Thăng Long lãi 9,4 tỷ đồng và Công ty TNHH BOT đường 188 lãi 17,1 tỷ đồng.

Trong năm 2021, công ty đang triển khai 9 dự án với giá trị hợp đồng 2.201,4 tỷ đồng. Trong đó, dự án lớn nhất là gói 1 cao tốc - đoạn Phan Thiết Vĩnh Hảo - Ban 7 với giá trị 657,9 tỷ đồng; gói 4 cao tốc - đoạn Dầu Giây - Phan Thiết - Ban Thăng Long với giá trị 664,5 tỷ đồng; gói thầu số 1 nâng cấp Quốc lộ 5 và xây dựng mới đường tránh Pursat đoạn Thleo Ma’am -Pursat với giá trị 563,8 tỷ đồng…

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Tổng công ty Thăng Long tăng 1,5% so với đầu năm lên 2.231,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.131,6 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 419,2 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 391,99 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng tài sản và các tài sản khác.

Cơ cấu các khoản phải thu ngắn hạn của TTL tới 31/3/2022 (Nguồn: BCTC).
Cơ cấu các khoản phải thu ngắn hạn của TTL tới 31/3/2022 (Nguồn: BCTC).

Tổng công ty có thuyết minh cơ cấu các phải thu ngắn hạn chủ yếu trả trước cho người bán ngắn hạn lĩnh vực xây dựng 703,1 tỷ đồng; phải thu của khách hàng ngắn hạn lĩnh vực xây dựng 339,5 tỷ đồng …

Thêm nữa, tính tới cuối quý I/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 73,7 tỷ đồng, tương ứng tăng 15,2% so với đầu năm lên 558,8 tỷ đồng và chiếm 25% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/7, cổ phiếu TTL giảm 200 đồng về 15.000 đồng/cổ phiếu.

Soi sức khỏe Tổng công ty Thăng Long khi SCIC muốn bán 10,5 triệu cổ phiếu TTL
Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán đấu giá 10,5 triệu cổ phiếu, chiếm 25,06% vốn tại Tổng công ty Thăng Long – CTCP (mã TTL -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư