Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tổng cục Thống kê: 42/63 địa phương có tỷ lệ lao động phi chính thức trên 70%
Hàn Tín - 24/12/2022 08:39
 
Điều tra của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ lao động phi chính thức càng cao, thì thu nhập bình quân của người lao động càng thấp và tỷ lệ hộ nghèo, người nghèo càng cao.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Số lao động có việc làm tăng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động của Việt Nam hiện có khoảng 51,6 triệu người. Trong đó, có khoảng 13,5 triệu lao động đã qua đào tạo từ trình độ “sơ cấp” trở lên (chiếm trên 26%).

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ nhờ gói hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế đã hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng cho hàng triệu lao động đang làm việc và quay trở lại thị trường; các doanh nghiệp đều đã cố gắng khắc phục khó khăn để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, thị trường lao động năm 2022 có nhiều diễn biến tích cực.

Trong quý III/2022, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng tới 3,5 triệu người so với quý III/2021.

Trong tổng số 50,8 triệu lao động có việc làm trong quý III/2022, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm 39%; công nghiệp và xây dựng chiếm 33,4%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn chiếm 27,6%. “Đây là sự chuyển dịch tích cực của thị trường lao động”, ông Tiến đánh giá.

Đặc biệt, thị trường lao động không chỉ đang “ấm” dần, mà thu nhập của người làm công, ăn lương cũng tăng qua từng quý thay vì giảm như năm 2020 - 2021 (giai đoạn nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.

So với cùng kỳ năm 2019, trước khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, đời sống của người lao động đã trở lại trạng thái bình thường mới và được đảm bảo hơn, thu nhập bình quân của người lao động đã được cải thiện.

Tỷ lệ lao động phi chính thức còn cao

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2022, thu nhập bình quân của người lao động là 6,7 triệu đồng/tháng, tăng 143.000 đồng/tháng so với quý trước.

“Trong quý II/2022, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý I/2022, trái ngược với xu hướng thường quan sát được trong các năm trước (thu nhập quý II thường giảm so với quý I). Bước sang quý III, thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục có nhiều chuyển biến theo đà tăng trưởng tích cực. Quý IV này, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, phải giãn việc, giảm thời gian làm thêm, thậm chí cho người lao động nghỉ việc, nhưng về tổng thể, thu nhập của người lao động vẫn tăng”, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) thông tin.

Ngoài ra, ông Nam lưu ý, có đến 42/63 địa phương có tỷ lệ lao động phi chính thức trên 70%, thậm chí có tới 26 địa phương có tỷ lệ lao động phi chính thức trên 80%.

Điều tra của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ lao động phi chính thức càng cao, thì thu nhập bình quân của người lao động càng thấp và tỷ lệ hộ nghèo, người nghèo càng cao. “Đặc trưng của lao động phi chính thức là có trình độ chuyên môn thấp, chưa qua đào tạo hoặc chưa từng được đào tạo. Vì vậy, để giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập thấp, lao động bấp bênh trong điều kiện không bảo đảm, cần phải thu hẹp thị trường lao động phi chính thức thông qua tăng cường đào tạo kỹ năng, tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật cho người lao động”, ông Nam nhấn mạnh.

Hà Nội đẩy mạnh gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động
Ngày 11/12, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư