Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Tổng giám đốc Bita’s: Doanh nghiệp trên 100 nhân viên cần gói hỗ trợ đúng nghĩa
Hồng Phúc - 18/02/2020 16:52
 
Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) kỳ vọng, các bộ, ngành nhanh chóng có chính sách hỗ trợ nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng với doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang mắc kẹt trong điều tiết sản xuất, do nguồn nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc đứt đoạn do dịch Covid-2019.

Rõ ràng đến giờ phút này, chưa có thống kê đầy đủ để biết có bao nhiêu doanh nghiệp trong cả nước đang phải chống chọi với khó khăn này.

Có một câu chuyện tôi muốn kể ra đây để mọi người tham khảo. 

Những thập niên 1990-2000, khi mà doanh nghiệp của chúng tôi (Bita's - PV) đã đầu tư các thiết bị sản xuất giày dép từ Italy, thì có một sự thật là buộc phải sử dụng nguyên liệu sản xuất cũng của Italy. 

Khi thiết bị cần bảo trì hay hư hỏng đều phải gọi và chờ chuyên gia từ Italy sang, mất rất nhiều thời gian và phải ngưng sản xuất, đình trệ nhiều khâu, xin lỗi khách hàng, mất cơ hội nhận thêm đơn hàng... 

Và phải trả giá cho các phụ tùng thay thế cực kỳ đắt, không dây dưa giảm giá nếu hết giai đoạn bảo hành.

Nhưng khốn khổ nhất là nguyên liệu, vừa đắt vừa lệ thuộc, không có thay đổi được bằng nguyên liệu Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan. 

Cho đến 10 năm sau, mọi thứ mới được cải thiện khi chính hàng loạt những công ty từ Trung Quốc đã vừa sản xuất các thiết bị cũng như nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn châu Âu, với giá thành rẻ hơn, và thực tế khi đi trực tiếp các nhà máy sản xuất thiết bị, nguyên vật liệu tại Trung Quốc. 

Chúng tôi biết rằng, tất cả đều là của châu Âu đặt cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.

Đặc biệt nhiều công năng để nhà sản xuất có thể thay đổi phương thức ứng dụng nguyên vật liệu khác nhau, không bó chặt, dễ vận hành, dễ thao tác hơn. 

Và hầu hết trên 80% các doanh nghiệp sản xuất giày dép ở châu Á đều hướng tới sử dụng các thiết bị của Trung Quốc, hay nói cho đúng là các thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc của các doanh nghiệp FDI đặt nhà máy tại đó. 

.
Các doanh nghiệp sản xuất không chỉ tại Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức thiếu nguyên liệu sản xuất (Ảnh minh hoạ: Cửa hàng Bita's).

Một thực tế sống còn của doanh nghiệp sản xuất là gì? Đó là sản phẩm, là giá thành, là chất lượng, là thị trường, là quản trị, là tính minh bạch, là trung thực trong làm ăn... Tất cả đều cần và phải có. 

Thế thì khi triển khai cả chuỗi kế hoạch sản xuất, thông thường phải tính toán từ việc đặt nguyên vật liệu, mẫu mã theo mùa, giá đầu vào, mức độ tăng giá, hụt nguyên liệu do chiến tranh, thiên tai, dịch họa, bao nhiêu nhà cung ứng, nước ngoài, trong nước, kho bãi, phụ kiện, vốn lưu động, chi phí thường xuyên, làm các nghĩa vụ thuế, bảo hiểm từ nhà xưởng, kho bãi, hệ thống bán hàng cho đến người công nhân,.. 

Hàng loạt việc để ra một sản phẩm vừa túi tiền cho người tiêu dùng, đó là "Đạo" sản xuất của những người yêu nghề và mong muốn sống được bằng nghề.Khi dịch Covid-19 xuất hiện, đúng là dịch họa, dịch ngay tại "vùng rốn" sản xuất nguyên vật liệu cho cả thế giới chứ không chỉ cho riêng Việt Nam. 

Thế là “bóng ma” khó khăn xuất hiện, mà khó khăn lại đập ngay vào những doanh nghiệp có chiến lược "không để hàng tồn kho nhiều kể cả nguyên vật liệu”. Thậm chí có thời gian được các hội thảo khen nức nở, thế thì giờ là thảm họa.

Dù thực tế ngay cả chúng tôi cũng không phải tất cả 100% nguyên liệu đều từ Trung Quốc, nhưng khổ nỗi các nhà cung ứng khác ở Đài Loan, Hàn Quốc, các nhà máy lớn của Việt Nam đều sử dụng phụ liệu sản xuất từ Trung Quốc, họ cũng “tắt đèn” y vậy. 

Làm sao thoát, bài toán chưa có đáp số tròn trịa, chỉ phải tìm cách đi ngang, đi dọc, đi lùi vài chục bước để mò từng đơn vị, từng doanh nghiệp còn giữ "Đạo" chân thành để liên kết sản xuất thử nghiệm các nguyên liệu tại chỗ bằng các nguồn trong cả nước.

Tất nhiên đều phải có thời gian, đều phải hạ mình nén bớt lợi nhuận để cùng thoát khỏi khó khăn, vì đến giờ phút này và 5-10 năm nữa, chưa có chứng minh được nguyên liệu sản xuất trong nước rẻ hơn Trung Quốc. 

Kỳ vọng các bộ, ngành nhanh chóng có những hành động tích cực hỗ trợ rõ ràng hơn như ban hành chính sách giảm thuế, giảm lãi suất mạnh mẽ hơn, hoãn hoặc kéo dài các khoản vay tín dụng, hay ít nhất đối với các doanh nghiệp đang quản lý 100 nhân viên trở lên, họ được quan tâm đúng mức về một gói hỗ trợ đúng nghĩa.

Vốn FDI kỳ vọng sẽ chảy mạnh vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19
Trong nguy có cơ, dịch Covid-19 cũng được cho là cơ hội để Việt Nam đón nhận nhanh hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư