Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Tổng giám đốc Doãn Tới đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu Nam Việt
Duy Bắc - 20/11/2022 11:53
 
Trong bối cảnh cổ phiếu CTCP Nam Việt (ANV - sàn HoSE) liên tục bị giảm, Tổng giám đốc đã đăng ký mua vào.

Cụ thể, ông Doãn Tới, Tổng giám đốc đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu ANV để nâng sở hữu từ 56,3% lên 57,86% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 21/11 đến 20/12.

Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Nam Việt.
Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Nam Việt.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 18/11 là 18.050 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Tới sẽ phải bỏ ra số tiền khoảng 36,1 tỷ đồng.

Được biết, cổ phiếu ANV vừa trải qua nhịp giảm. Cụ thể, từ ngày 17/6 đến 18/11, cổ phiếu ANV giảm 70,7% từ 61.560 đồng về 18.050 đồng/cổ phiếu.

Ở một diễn biến khác, Nam Việt vừa thông qua kế hoạch phát hành 6 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động, tương ứng tỷ lệ phát hành 4,71% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Toàn bộ số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ thời điểm phát hành và dự kiến sẽ thực hiện không quá 45 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo.

9 tháng đầu năm lợi nhuận tăng 662,7% lên 567,22 tỷ đồng

Theo tìm hiểu, CTCP Nam Việt tiền thân là Công ty TNHH Nam Việt được thành lập vào năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 27 tỷ đồng và chức năng kinh doanh chính là xây dựng dân dụng và công nghiệp. Năm 2000, Công ty quyết định đầu tư mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực chế biến thủy sản, khởi đầu là việc xây dựng Xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Mỹ Quý với tổng vốn đầu tư là 30,8 tỷ đồng, chuyên chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa đông lạnh. Hiện tại, doanh số của công ty chủ yếu từ xuất khẩu cá tra.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 1.238,68 tỷ đồng, tăng 88,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 119,9 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận lỗ 13,17 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng kỷ lục từ 10,5% lên 23,2%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 3.752,4 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 567,22 tỷ đồng, tăng 662,7% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, Nam Việt đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 56,7% kế hoạch năm.

Xuất khẩu cá tra tháng 10/2022 xuống mức thấp nhất năm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết dù vẫn tăng 31% so với cùng kỳ, nhưng kết quả 179 triệu USD kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 10 là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 tới nay. Mức tăng trưởng xuất khẩu so cùng kỳ năm trước cũng thấp nhất trong các tháng. Luỹ kế tới hết tháng 10, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với mức đỉnh 310 triệu USD đạt được hồi tháng 4, thì doanh số trong tháng 10 giảm gần một nửa. Những tín hiệu thị trường không còn được tích cực như giai đoạn nửa đầu năm. Lạm phát khiến nhu cầu giảm dần qua từng tháng, nhất là tại các thị trường Mỹ, EU, Anh, thậm chí ở cả các thị trường vốn có lợi thế về thuế quan CPTPP hoặc lợi thế về địa lý.

Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 10 đã giảm gần 25% xuống còn 32 triệu USD. Bắt đầu từ tháng 7, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chỉ dao động 32-33 triệu USD mỗi tháng, mức sụt giảm “hụt hẫng” so với mức đỉnh 81 triệu USD hồi tháng 4.

Xuất khẩu cá tra sang các thị trường chính trong khối EU có các xu hướng khác nhau trong tháng 10/2022. Trong khi xuất khẩu sang Bỉ giảm 25%, xuất khẩu sang Đức lại tăng đột biến 384%, sang Hà Lan vẫn giữ tăng trưởng nhẹ 10%, sang Tây Ban Nha tăng 142%.

Trong tháng 10, xuất khẩu sang những thị trường nhỏ vốn được coi là tiềm năng trong những năm gần đây như Mexico, Malaysia, Colombia…đều bị giảm từ 13-53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bức tranh xuất khẩu cá tra có xu hướng trầm xuống ở các thị trường trong tháng 10, vẫn còn niềm hy vọng với thị trường trụ cột Trung Quốc và Honkong. Trong tháng này, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn tăng 23% và sang Hongkong tăng 123%.

Tính tới hết tháng 10, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu đạt 594 triệu USD, chiếm 28% và tăng 106% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả Hongkong thì khối thị trường này chiếm 30% với 632 triệu USD doanh số xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Rủi ro với Nam Việt khi giá cá tra hạ nhiệt
Giai đoạn đầu năm 2022, khi kinh doanh thuận lợi, hàng loạt công ty xuất khẩu cá tra, trong đó có CTCP Nam Việt (mã ANV) đều nâng kế hoạch kinh doanh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư