Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tổng giám đốc May 10: Chưa nên giảm giờ làm việc trong tuần xuống 44 tiếng.
Thế Hải - 18/09/2019 09:44
 
Lãnh đạo May 10 nêu quan điểm, tổng giờ làm việc trong tuần vẫn nên giữ nguyên ở mức không quá 48 giờ và đợi khi nào kinh tế đất nước tốt hơn thì mới tính đến việc giảm giờ làm việc trong tuần xuống 44 tiếng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho rằng, Chưa nên giảm giờ làm việc trong tuần xuống 44 tiếng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho rằng, chưa nên giảm giờ làm việc trong tuần xuống 44 tiếng.

Đề nghị giữ nguyên tiền lương làm thêm giờ như hiện nay là quan điểm của lãnh đạo May 10  trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, nếu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình về thời gian. Đồng thời quy định cụ thể theo từng nhóm, trong đó có nhóm nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu chung 5 tuổi, bởi công nhân may thường bị suy giảm khả năng lao động do tính chất công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại.

Nghỉ hưu sớm 5 năm nhưng người lao động vẫn phải được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, những lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao thì cần được kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Đặc thù ngành may làm việc theo mùa vụ, mỗi năm chỉ có 6-8 tháng nhiều việc, còn lại là các tháng ít việc, nên muốn làm nhiều cũng không có việc.

"Vì thế, nếu người lao động đồng ý thì cần bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 12 giờ/ngày. Tổng giờ làm việc trong tuần vẫn giữ nguyên ở mức không quá 48 giờ và đợi khi nào kinh tế đất nước tốt hơn thì mới tính đến việc giảm giờ làm việc trong tuần xuống 44 tiếng", ông Việt nói.

Về thời giờ làm thêm, May 10 kiến nghị tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong năm từ 300giờ/năm thêm 100 giờ lên 400 giờ/năm; tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng hoặc bỏ quy định về trần số giờ làm thêm trong tháng và quy định cụ thể các trường hợp được thỏa thuận làm thêm giờ đến 400 giờ/năm.

Liên quan về tiền lương làm thêm giờ, Tổng công ty May 10 kiến nghị giữ nguyên quy định như hiện nay về tiền lương làm thêm giờ. Làm thêm ngày thường thì hưởng 150% lương, làm thêm ngày thứ bảy, chủ nhật hưởng 200% lương và làm thêm ngày lễ, tết được hưởng 300% lương, ngày nghỉ có hưởng lương.

 “Mức quy định như hiện tại được coi là hài hòa cho cả doanh nghiệp và người lao động. Quy định cao hơn nữa sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh về chi phí lao động của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và gây bất lợi cho doanh nghiệp nội”, ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Đại diện cho công nhân lao động, bà Trần Quý Dân, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty May 10 mong muốn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sâu, lắng nghe ý kiến của lao động các ngành nghề, từ đó đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng ngành để anh em công nhân phát huy trí tuệ và hoàn thành tốt công việc.

“Công nhân ngành may tập trung nhiều vào đôi mắt, đến độ tuổi 40-45 thị lực sụt giảm đáng kể. Ngoài lý do sức khỏe không đảm bảo, người lao động không muốn trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Những người lao động năng suất kém, tay nghề chậm… công ty vẫn phải bù lương từ 1,5-1,7 triệu/tháng. Nếu cứ đều đều như thế, mỗi năm tiền bù lương 15-18 triệu/người”, bà Dân thông tin.

Về những ý kiến góp ý thực tiễn hoạt động vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) của doanh hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tiếp thu, ghi nhận và chọn lọc để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Bộ luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp ngày 20/9.

Đề cập đến thời giờ làm thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc làm thêm giờ là cần thiết, là nhu cầu chính đáng của người lao động. Kinh nghiệm cho thấy các nước còn nghèo thì thời gian làm thêm càng nhiều. Do đó, việc cân nhắc thời gian làm thêm như thế nào cho phù hợp để đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển nhưng cũng đồng thời chăm lo tốt hơn cho người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, một số ngành nghề áp lực về thời gian làm thêm như: dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, nông nghiệp và trong một số điều kiện cụ thể như hỏa hoạn, thiên tai... cần có sự điều chỉnh. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ linh hoạt vấn đề này.

VCCI: Chưa đến lúc bàn đến việc giảm giờ làm
Đã đến lúc giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ hay chưa? Khung làm thêm giờ tối đa sẽ lên tới 400 giờ? Các câu hỏi này vẫn đang có nhiều ý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư