Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
VCCI: Chưa đến lúc bàn đến việc giảm giờ làm
Khánh Linh - 14/08/2019 15:45
 
Đã đến lúc giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ hay chưa? Khung làm thêm giờ tối đa sẽ lên tới 400 giờ? Các câu hỏi này vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau.
.
Sáng 14/8/2019, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sáng nay có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến giờ làm việc, giờ làm thêm.

Ý kiến ít ỏi không đồng tình giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần thuộc về ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Kinh tế thế giới đang trong xu thế giảm tốc, giảm tốc nhanh hơn. Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo như vậy. Nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp. Các doanh nghiệp đã bắt đầu cảm nhận được khi có tới 60% doanh nghiệp không có lãi trong nửa đầu năm 2019. Đây là lúc cả người lao động và chủ sử dụng lao động phải đồng cam cộng khổ, mọi người cùng làm việc nhiều hơn”, ông Lộc phát biểu tại cuộc làm việc sáng nay.

Đây là lý do ông Lộc cho rằng, chưa nên bàn đến việc giảm thời gian làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần.

Ông Lộc cũng nhắc đến thực tế, tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào,… đều là 48 giờ/ tuần.

“Năng suất lao động của Việt Nam đang thấp. Những cải thiện vừa rồi có được chủ yếu do chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp, chứ không phải do những thay đổi trong nội bộ ngành. Đề xuất giảm giờ làm không phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp”, ông Lộc nói và cho rằng, người lao động sẽ không muốn giảm giờ làm nếu bị giảm lương.

Trong Báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), phương án giảm còn 44 giờ làm việc bình thường trong tuần vừa được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đa số ý kiến người lao động.

Mặc dù được đưa vào nội dung để thảo luận trong cuộc họp này, nhưng bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, để có đầy đủ cơ sở xem xét vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện chính sách khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hiện hành cũng như cung cấp kinh nghiệm của các nước về vấn đề này.

Trong khi đó, phần lớn các ý kiến cho rằng, nên xem xét giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần. Lý do là sự phát triển của công nghệ, trình độ của doanh nghiệp và người lao động cho phép tính tới việc giảm giờ làm của người lao động.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, sau 20 năm khu vực nhà nước áp dụng giờ làm việc 40 giờ/tuần, đã đến lúc xem xét giảm giờ làm  cho người lao động. "Đây là thành quả mà người lao động nhận được sau 30 năm đổi mới", ông Khang nói.

Bên cạnh đó, đề xuất tăng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) cũng tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể xem xét tăng thêm với với một số ngành, nghề nhất định, nhưng phải trên cơ sở trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng.

Mặc dù vậy, cơ sở để đánh giá tác động của đề xuất này chưa rõ ràng. Lý giải, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vì đây là đề xuất mới, trên thế giới cũng chỉ có 2 quốc gia áp dụng thí điểm việc trả lương lũy tiến theo thời gian làm thêm giờ.

Các vấn đề này đang được các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến các sửa đổi, bổ sung lần này phải trả lời được câu hỏi người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện cho người lao động, nhà nước, xã hội, đất nước được gì, quyền lợi nào của người lao động được tăng lên, quyền lợi nào của người sử dụng lao động được bảo đảm.

“Bộ Luật này phải tìm được sự hài hòa, cân bằng giữa quyền lợi người lao động và thúc đẩy sự phát triển và tính cạnh tranh của doanh nghiệp”, bà Ngân nhấn mạnh.

Sửa đổi Bộ luật Lao động: Doanh nghiệp khẩn thiết lên tiếng
Bảy hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã cùng ký một văn bản mà họ phải gọi là khẩn thiết liên quan đến việc sửa đổi Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư