Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tổng giám đốc OCB: Giảm lãi suất cho vay là khả thi
Thùy Liên - 14/11/2019 11:59
 
Trao đổi với Chuyên trang Infomoney.vn của Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, không chỉ thực hiện định hướng của Chính phủ, giảm lãi suất cho vay còn là mong muốn của bản thân các ngân hàng, nhằm tăng sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc  Ngân hàng TMCP OCB

Phát biểu trước Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2020. Mục tiêu này, theo lãnh đạo một số ngân hàng, là hoàn toàn có thể đạt được.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, mấy năm gần đây, định hướng của Chính phủ và NHNN đặt ra về giảm lãi suất không phải là định hướng chung chung, mà luôn có các chương trình thúc đẩy, các hành động cụ thể.

Trên thực tế, thời gian qua, với các lĩnh vực trọng tâm như  như nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu, công nghệ cao… phía ngân hàng cũng thường xuyên có các chương trình giảm cả phí và lãi suất. Việc giảm lãi suất này không chỉ nhằm thực hiện định hướng của Chính phủ mà còn vì bản thân các ngân hàng cũng phải cạnh tranh với nhau để thu hút khách hàng trong những các lĩnh vực kinh tế trọng tâm này.  

“Công bằng mà nói, hiện nay, lãi suất đầu vào chưa giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tốt, các lĩnh vực kinh tế trọng tâm luôn là nhóm đối tượng được ngân hàng cạnh tranh cho vay rất quyết liệt. Chính vì vậy, dù lãi suất huy động chưa giảm nhưng thời gian qua, bằng mọi cách như tiết giảm chi phí hoạt động, kiểm soát rủi ro… ngân hàng luôn nỗ lực hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, mặt bằng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên vẫn liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Đương nhiên, mức giảm lãi suất áp dụng với từng doanh nghiệp, tại từng ngân hàng là rất khác nhau, tùy vào khả năng của ngân hàng. Riêng lãi suất cho vay các lĩnh vực không khuyến khích như BOT, bất động sản… thì vẫn còn đứng ở mức khá cao”.  

Cũng theo ông Tùng, lãi suất huy động tăng thời gian qua không phải do thanh khoản. “Thanh khoản trên thị trường vừa qua rất dồi dào, tôi chưa thấy có trường hợp ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản. Lý do ngân hàng tăng huy động vốn thời gian qua là nhằm thực hiện các yêu cầu của NHNN về đáp ứng các chuẩn quốc tế về Basel II cũng như yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn”, ông Tùng nói.

Đánh giá về triển vọng giảm lãi suất thời gian tới, lãnh đạo OCB rất lạc quan.

Thứ nhất, tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát ở mức hợp lý.

Thứ hai, huy động vốn của ngân hàng tăng trưởng tốt.

Thứ ba, nhiều ngân hàng thời gian qua đã được công nhận Basel 2 cũng như huy động được khá nhiều vốn trung, dài hạn, chính vì vậy áp lực huy động vốn thời gian tới sẽ giảm bớt.

Thứ tư, thị trường Việt Nam năm nay thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ.

Thứ năm, thu nhập người dân vẫn đang tăng lên… Tất cả yếu tố này khiến dòng tiền đổ vào ngân hàng thời gian tới dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh, từ đó giúp mặt bằng lãi suất đầu vào năm 2020 sẽ ổn định và giảm dần, tác động tích cực tới mặt bằng lãi suất cho vay.

Đánh giá của bộ phận nghiên cứu, Công ty chứng khoán SSI vừa đưa ra cũng cho thấy, trong tháng 10/2019, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục dồi dào khi NHNN bơm ròng 18 nghìn tỷ đồng qua thị trường mở và nguồn tiền đồng gia tăng khi NHNN tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ.

Theo đó, lãi suất trên liên ngân hàng dao động trong vùng thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây và chốt tháng ở mức 1,85%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,13%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Trên thị trường 1, cũng đã có 2 trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm lãi suất tiền gửi. Hầu hết, các ngân hàng có mức lãi suất huy động đi ngang. Số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã ít dần, chủ yếu là ngân hàng nhỏ.

SSI: Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất nhưng không muốn nới lỏng bơm tiền
Bất chấp làn sóng hạ lãi suất lan rộng trên thế giới, NHNN vẫn điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng với mục tiêu ưu tiên là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư