Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: "Xã hội phân công, mình phải làm tốt"
Ý Nhi (DNSG) - 21/04/2016 11:16
 
Buổi trò chuyện với Tổng giám đốc Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ, được mở đầu bằng câu chuyện của người đứng đầu, khi ông đưa cho tôi xem tờ báo đăng tin: "Bí thư Thành ủy TP.HCM bàn giao công việc cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mới", ông nói: "Ở bất cứ một tổ chức, bộ, ngành hay doanh nghiệp nào, vai trò của người đứng đầu luôn cực kỳ quan trọng".
 Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel. Ảnh: Quý Hòa
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel. Ảnh: Quý Hòa

Ông tiếp: "Trong xu hướng hội nhập, các doanh nghiệp đều có tham vọng bứt phá để vươn ra thị trường nước ngoài. Tham vọng ấy đều xuất phát từ người lãnh đạo. Muốn vậy, người đứng đầu phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm và tiên phong. Còn nhớ, khi Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng mới về nhận chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng thời gian 5 năm không đủ để Bộ trưởng... kịp làm gì "nên chuyện". Thế nhưng, trong nhiệm kỳ của mình, ông đã để lại nhiều dấu ấn và giải quyết được nhiều vấn đề doanh nghiệp mong mỏi. Dĩ nhiên, để làm được những cái mới thì phải có nhiều sự hậu thuẫn, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận vai trò cá nhân của người đứng đầu".

Ông từng nói: "Tôi muốn là người tiên phong", nhưng sự tiên phong nào cũng phải trả giá ít nhiều, chắc ông cũng không ngoại lệ?

Trong vở kịch Tôi và chúng ta của cố nhà văn Lưu Quang Vũ tôi từng xem có màn máy bay Mỹ ném bom dữ dội gây tắc đường, trong lúc mọi người vào hầm tránh bom thì một cô thanh niên xung phong lao ra mở đường. Khi được cấp trên biểu dương và hỏi: "Cô không sợ chết à?", cô đáp: "Đường tắc, em không chạy lên tháo bom thì ai sẽ làm?".

Chắc chắn không phải cô thanh niên xung phong không sợ chết nhưng cô đã vượt qua được nỗi sợ hãi và kéo theo mọi người cùng vượt lên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chính sự "vĩ đại" trong câu nói bình dị ấy đã khiến tôi bước ra khỏi vỏ bọc của cuộc sống bình thường và xem đó như "kim chỉ nam" trong mọi suy nghĩ và hành động sau này.

Tôi tâm niệm: Trong cuộc sống hoặc kinh doanh, nếu có chút thành công, hoặc kể cả thất bại mà cứ giậm chân tại chỗ thì mình sẽ khó tiến bộ. Vì vậy, tôi luôn cố gắng bước tới và tiên phong trong mọi hoàn cảnh.

Dĩ nhiên, tiên phong không phải lúc nào cũng thành công, thậm chí rất vất vả và gặp vô vàn bất lợi. Đơn cử, năm 2004, Vietravel là công ty đầu tiên đưa khách du lịch ra Trường Sa, sau đó chúng tôi đã bị "làm khó” mấy năm liền (từ phía bên ngoài) khi đưa khách sang thị trường các nước sử dụng tiếng Hoa.

Hay như chương trình "Go-Green - Vì một môi trường sạch", chúng tôi mất khá nhiều công sức, kinh phí nhưng không tạo được hiệu ứng như mong muốn. Song, với quyết tâm "không thể làm du lịch trong một môi trường bị ô nhiễm", chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục và có thể còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ít ra những việc mình làm cũng thể hiện được trách nhiệm với nghề, nên cứ mạnh dạn bước tới, làm người tiên phong.

Tuy phải trả giá nhưng chúng tôi cũng có không ít niềm vui và thành công. Như việc tiên phong đưa cổ động viên ra nước ngoài cổ động cho bóng đá Việt Nam, chỉ cần thấy lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay trên sân bóng nước bạn cũng đủ... sướng.

Tour này hiện đã trở thành một thế mạnh và là "đặc sản" của Vietravel. Hay như việc mở các chi nhánh ở một số thị trường trọng yếu ở nước ngoài, nhất là mở văn phòng tại Mỹ, rất nhiều người bảo tôi "liều lĩnh" vì thị trường tuy lớn nhưng khá rủi ro, song đến nay, nhìn thấy niềm vui của bà con Việt kiều được đáp ứng nhu cầu, tôi thấy hạnh phúc không gì bằng.

Rồi gần đây Vietravel lại tiên phong liên kết mở đường bay Cần Thơ - Đà Lạt, Cần Thơ - Nha Trang và trang bán tour trực tuyến travel.com.vn cũng đã được nhiều đơn vị làm theo... Tất cả cho thấy những chương trình tiên phong của Vietravel đã tạo hiệu ứng tốt, được lan tỏa và công nhận dù lúc đầu không được ủng hộ, thậm chí đôi khi còn bị bài bác.

Theo số liệu mới nhất của Sở Du lịch TP.HCM, quý I/2016, tỷ lệ khách quốc tế đến Thành phố chỉ còn 40%, theo ông, vì sao có sự sụt giảm này?

 Du lịch là ngành kinh doanh thượng tầng, sử dụng hạ tầng để phát triển. Như vậy, hạ tầng phải hoàn chỉnh, trong đó, chính sách, cơ chế, xã hội, môi trường kinh doanh và thiên nhiên phải phối hợp nhất quán, đồng bộ, phải có chính sách, biện pháp cụ thể và cần nhất là sự vào cuộc của cả bộ máy chính trị thì mới tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Hiện nay, tỷ trọng đóng góp của du lịch vào sự phát triển kinh tế của TP.HCM chiếm 11%, nhưng đầu tư cho ngành du lịch vẫn còn nhiều bất cập và chưa thật sự được quan tâm. Những năm qua, các nghị quyết, chính sách của Thành phố ban hành cho các ngành nghề, lĩnh vực khác nhiều vô kể nhưng rất ít chính sách cho phát triển du lịch.

Tuy nhiên, một số địa phương như Bình Thuận, Hội An... đã làm rất tốt. Trong khi đó, hoạt động du lịch của TP.HCM lại chưa tạo được sự khác biệt, du khách bị móc túi, cướp giật, môi trường ô nhiễm, ồn ào, nạn chèo kéo khách mua hàng, xin tiền... vẫn diễn ra thì làm sao hấp dẫn du khách và phát triển du lịch.

Có ý kiến cho rằng: "Cả chục năm qua, TP.HCM không có sản phẩm du lịch nào mới", đây cũng là một nguyên nhân?

 Ở nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam nói chung hay TP.HCM nói riêng đều không dễ xây dựng một sản phẩm du lịch mới. Nhưng các nước vẫn thu hút được khách du lịch vì họ biết tạo ra sản phẩm bằng những khác biệt đang có. Cũng cần biết rằng, sản phẩm tốt nhất và tạo ra dòng du khách bền vững chính là sản phẩm tạo được cảm xúc cho du khách. Thế giới cũng đã chuyển từ kinh doanh sản phẩm cụ thể thành kinh doanh cảm xúc.

Đơn cử, tất cả túi xách đều trải qua quá trình sản xuất, thậm chí chất liệu như nhau nhưng lại mang đến cảm xúc và sự khao khát khác nhau cho người dùng. Đó chính là sự khác biệt. Vì vậy, các sản phẩm du lịch của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần được định hướng và quan tâm phát triển theo hướng này.

Theo tôi, sản phẩm du lịch của một địa phương, vùng miền, cụ thể nhất là TP.HCM, chính là nhịp sống, là văn hóa ẩm thực, cảnh quan, con người, là nét đặc trưng của văn hóa Sài Gòn, bấy nhiêu cũng đủ tạo ra những nét riêng, cảm xúc đặc biệt để ai đến một lần rồi sẽ muốn quay lại. Như vậy, nói lâu rồi TP.HCM không có sản phẩm du lịch mới là không đúng, mà điều đáng quan tâm là chúng ta đang dần đánh mất, không biết gìn giữ, trân trọng những sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố.

Vậy, để xây dựng một sản phẩm du lịch, theo ông, phải bắt đầu từ đâu?

Từ những hành động nhỏ nhất, như tạo ra môi trường an ninh, sạch sẽ. TP.HCM có thể trở thành thành phố không rác, là thành phố sạch, xanh? Chỉ cần trả lời được câu hỏi này, TP.HCM đã đủ là một nơi nên đến và đáng sống.

Hiện nay, chúng ta đang quyết liệt chống thực phẩm "bẩn" và đã có luật xử lý nặng người vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, vậy tại sao môi trường ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng lại chưa có biện pháp và hành động kiên quyết xử lý người làm ô nhiễm môi trường?

Để du lịch Việt Nam bớt đi những bất cập, nếu được kiến nghị, ông sẽ kiến nghị điều gì?

Ở cấp độ các nhà quản lý, khi đưa ra luật hoặc những quy định cho ngành du lịch thì nên thẩm định ý kiến từ các đơn vị liên quan. Đơn cử, suốt một thời gian dài chúng ta áp dụng quy định: Khách du lịch sau khi rời khỏi Việt Nam, muốn trở lại thì phải sau 30 ngày.

Như vậy, một khách nước ngoài đến Việt Nam, sau đó đi Phnôm Pênh và muốn quay lại Hà Nội thì phải chờ 30 ngày sau mới được quay lại, còn nếu muốn quay lại ngay thì phải đóng thêm 45USD. Quy định này đã khiến nhiều du khách nản lòng, phàn nàn nhưng chúng ta phản ứng rất chậm chạp. Đến khi bất cập này được khắc phục thì ngành du lịch đã bị ảnh hưởng không ít do lượng khách giảm sút.

Visa chỉ là công đoạn đầu tiên của một chu trình du lịch nhưng lại hết sức quan trọng vì tạo ra cảm nhận ban đầu cho khách khi lựa chọn điểm đến. Vì vậy, nếu được kiến nghị thì điều đầu tiên tôi kiến nghị sẽ là "easy visa" hoặc "free visa" và cần được thực hiện càng sớm càng tốt để giúp du lịch phát triển.

Vietravel phải mất bao lâu để thực hiện mục tiêu trở thành "Nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp" và có sự trả giá nào không, thưa ông?

Hiện Việt Nam có khoảng hơn 4.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa, nhưng số doanh nghiệp hoạt động tốt, được nhiều người biết đến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói vậy để thấy làm du lịch không dễ. Để thực hiện mục tiêu trở thành "Nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp", tôi phải mất 10 năm thay đổi cấu trúc bộ máy, sản phẩm...

Tôi nghĩ, xã hội phân công, mình phải làm tốt. Hơn nữa, du lịch là ngành phục vụ trực tiếp con người, tạo cho họ cảm xúc, và khách hàng luôn mong muốn được nhận những sản phẩm và dịch vụ tinh tế, hoàn hảo. Để đáp ứng đòi hỏi này là một quá trình doanh nghiệp luôn phải vận động, đối mặt với thử thách và có cả trả giá.

Điều đáng sợ nhất đối với người đứng đầu doanh nghiệp là ngại phá vỡ sự ổn định, không dám thay đổi, mà đã ngại thì không thể tạo nên sự đột phá, xã hội không có những nhân tố mới. Đến bây giờ, sau 20 năm thực hiện mục tiêu, Vietravel đã đạt rất nhiều thành công, nhất là được khách hàng tin cậy và ủng hộ, nhưng để định nghĩa thế nào là chuyên nghiệp thì câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Vì vậy, Vietravel vẫn còn nhiều việc phải nghĩ, phải làm, phải tiên phong.

Hiện nay, trình độ chuyên môn của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chưa cao, điều này có gây trở ngại cho chiến lược "chuyên nghiệp hóa" của Vietravel?

Muốn có đội ngũ chuyên nghiệp thì phải tích cực đào tạo, và kế hoạch mở Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ du lịch của Vietravel cũng xuất phát từ thực tế đó. Hiện, chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên áp dụng hình thức "xếp hạng sao" để quy chuẩn đội ngũ hướng dẫn viên. Bởi nếu không có phân sao, xếp hạng sẽ không có hướng dẫn viên giỏi.

Theo mô hình này, các hướng dẫn viên sẽ được phân loại từ 1 - 5 sao, cứ hai năm phải thi lại một lần để giữ nguyên hoặc nâng hạng sao. Tùy theo cấp độ sao, hướng dẫn viên được phân tour, trả công tác phí phù hợp, điều này buộc họ phải rèn luyện sao cho giỏi, chuẩn hơn để đạt được cấp độ sao cao hơn. Số sao cũng được gắn trên cờ của hướng dẫn viên khiến họ tự hào hơn với bản thân và nghề nghiệp.

Có dư luận cho rằng, việc Vietravel liên kết mở đường bay là bước thử nghiệm cho kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực vận chuyển?

Tại lễ kỷ niệm 20 năm của Vietravel, chúng tôi đã tổ chức đêm hội theo mô phỏng của một chuyến bay. Đó cũng chính là tuyên ngôn 20 năm sau của Vietravel. Bởi trong du lịch có hai phần, phần "du" là các phương tiện vận chuyển, mà có chủ động được phần "du" thì mới có phần "lịch". Song, thực tế hiện nay là các công ty du lịch đều bị động ở phần "du" nên Vietravel đặt mục tiêu tham gia.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, Vietravel sẽ hướng tới kết nối vận chuyển đa phương thức - Một hành trình, một vé, một sự kết nối, du khách chỉ cần mua một loại vé là có thể di chuyển trên tất cả các phương tiện trong chương trình tour. Đây là mục tiêu Vietravel quyết tâm thực hiện bằng được.

Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, kể cả những lúc gặp chuyện thị phi, làm thế nào ông vượt qua để luôn là người lạc quan?

Trải qua tuổi thơ trong chiến tranh, lớn lên trong thời bao cấp, được đào tạo, làm việc trong chế độ xã hội chủ nghĩa và trải qua nhiều quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, cấu trúc xã hội, được trưởng thành trong môi trường đoàn thể, rồi bước ra kinh doanh tự thân, tự lập..., quá trình đó đủ cho tôi nhiều trải nghiệm và cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí bị kết tội oan ức và ngay cả khi thành công cũng vẫn phải đối mặt với nhiều bất trắc, thị phi.

Nhiều lúc cũng ngạc nhiên không biết tại sao mình vượt qua được tất cả, vẫn bước đi và là người có ích cho xã hội. Ngẫm lại, tôi thấy mình thành công vì không bi quan, hận thù, luôn nhẫn nại, nhìn về tương lai với tinh thần lạc quan và không ngừng nỗ lực. Thế nên khi bão táp qua đi, thấy cuộc đời nhẹ nhàng hơn.

Bằng những trải nghiệm của mình, ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ?

Thế hệ của tôi khi bước vào kinh doanh, nếu cho điểm thì xuất phát chỉ ở thang điểm 3, 4 nên chúng tôi biết khắc phục khó khăn để đi lên. Còn các bạn trẻ bây giờ ở thang điểm 6, 7 nên thường chủ quan, nóng vội, do khoảng cách đến điểm 10 quá gần. Hiện nay có rất nhiều người trẻ khởi nghiệp nhưng thành công thì không nhiều.

Tôi nhớ khi còn học ở Trường Fulbright, một giáo sư nói: "Trở thành doanh nhân thành đạt khó hơn trở thành giáo sư, tiến sĩ”. Giáo sư phân tích: "Một kỳ thi vào đại học có khoảng 70.000 - 80.000 sinh viên thi đậu, sau 4 năm học còn khoảng 2.000 sinh viên tốt nghiệp đạt xuất sắc, và trong số 2.000 đó thì 15 năm sau sẽ có khoảng 500 - 700 người đạt học hàm, học vị này nọ, nhưng trở thành doanh nhân xuất sắc chỉ dưới 10 người".

Vì vậy, khi không thể xuất sắc thì cũng cố gắng là doanh nhân thành công trong lĩnh vực của mình. Nhưng thành công không bao giờ đến bằng sự nôn nóng mà bằng sự kiên trì, táo bạo, tri thức và đột phá. Trong kinh doanh, không nên phủ nhận tất cả nhưng phải biết đặt câu hỏi, kể cả cái gọi là chân lý. Một khi đã đặt ra câu hỏi, trả lời thì phải xây dựng được lộ trình đi và tự tin, chứ đừng vừa đi vừa run để thành "đẽo cày giữa đường".

Cám ơn ông về những chia sẻ rất thân tình và cởi mở

Doanh nhân Lã Thị Lan: Nữ lãnh đạo phải có chút… chất thép
Ở tuổi 55, được ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016 – 2021), Doanh nhân Lã Thị Lan vẫn tự tin: “Tôi cảm thấy vẫn còn đủ sức và thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư