Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tổng kết triển khai Dự án Bữa ăn học đường tại Hà Nội
Minh Hải - 30/10/2020 15:42
 
Ngày 29/10, Sở GD&ĐT TP.Hà Nội cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết triển khai Dự án Bữa ăn học đường giai đoạn 2017-2020 và định hướng triển khai dự án giai đoạn tiếp theo.

Hội nghị có sự hiện diện của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế); lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội; lãnh đạo Công ty Ajinomoto Việt Nam; lãnh đạo và chuyên viên các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu và cán bộ phụ trách công tác bán trú của 340 trường tiểu học bán trú tại thành phố Hà Nội.

Dự án Bữa ăn học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), Công ty Ajinomoto Việt Nam thực hiện và triển khai từ năm 2012, bao gồm các nội dung: Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp phích Ba phút thay đổi nhận thức và xây dựng Bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Tính đến nay, Dự án Bữa ăn Học đường đã được triển khai tại hơn 4.000 trường tiểu học bán trú tại 62 tỉnh thành toàn quốc.

Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo các trường triển khai áp dụng Dự án tại Hà Nội
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo các trường triển khai áp dụng Dự án tại Hà Nội

Hà Nội là một trong những tỉnh thành đầu tiên được lựa chọn triển khai thí điểm Dự án từ năm 2015. Tháng 4/2017, Dự án chính thức triển khai cho các trường tiểu học bán trú trên toàn thành phố. Trong quá trình triển khai, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã phối hợp cùng Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy nhà trường áp dụng những nội dung của Dự án như: Tập huấn trực tiếp cho các Phòng, Hướng dẫn trực tiếp tại trường, Hỗ trợ trao đổi thông tin Dự án đến phụ huynh học sinh và Tư vấn hướng dẫn sử dụng cũng như chia sẻ thêm thông tin về Dự án, thực đơn qua điện thoại. Tính đến tháng 8/2020, Dự án đã cử chuyên viên đến tập huấn trực tiếp cho 261 trường tiểu học bán trú tại Hà Nội.  

Những nội dung của Dự án được nhiều trường tiểu học và phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, giúp giảm bớt những khó khăn cho cán bộ bán trú trong quá trình xây dựng thực đơn, góp phần cải thiện tình trạng dưỡng cho học sinh cũng như nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho học sinh.

Theo chia sẻ của bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội), để áp dụng thành công dự án, việc xây dựng lộ trình triển khai phù hợp đóng vai trò quan trọng. Tùy theo điều kiện của từng trường, mỗi trường tiều học nên có kế hoạch riêng, bắt đầu áp dụng dần dần thực đơn Dự án từ một ngày/tuần và hoàn thiện với năm ngày/ tuần.

Bà Lê Thị Thêu – Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An chia sẻ kinh nghiệm triển khai Dự án
Bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An chia sẻ kinh nghiệm triển khai Dự án

Không chỉ giúp các em làm quen với các món ăn mới, lộ trình áp dụng cũng giúp cho bộ phận phụ trách công tác bán trú sắp xếp và điều chỉnh công việc. Trong quá trình triển khai, Ban Giám hiệu nhà trường cần theo sát việc thực hiện, tiếp thu ý kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để tối ưu hóa những lợi ích mà Dự án mang lại.

Song song với Phần mềm, hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho các em học sinh thông qua áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” cần được chú trọng. Những thông tin dinh dưỡng trên áp phích được minh họa cụ thể bằng hình ảnh giúp các em ghi nhớ giá trị dinh dưỡng và lợi ích của thực phẩm, từ đó xây dựng thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh.

Ban Dự án tổng kết kết quả triển khai tại Hà Nội từ năm 2017 đến nay
Đại diện Ban Dự án trình bày tổng kết kết quả triển khai tại Hà Nội từ năm 2017 đến nay

Từ kinh nghiệm được chia sẻ tại hội nghị, khó khăn của các trường chưa áp dụng thành công những nội dung của Dự án đã phần nào được giải quyết. Với những lợi ích thiết thực mà Dự án mang lại, Ban Dự án hy vọng trong thời gian tới “Bữa ăn học đường” sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn nữa tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác trên toàn quốc, góp phần cải thiện và nâng cao tầm vóc cho thế hệ tương lai Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Dự kiến sắp tới chúng tôi sẽ triển khai đồng loạt dự án 100% các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, để giúp cho công tác bán trú của nhà trường được thực hiện tốt và giúp bữa ăn của học sinh tiểu học được cải thiện và đảm bảo dinh dưỡng”.

Bên cạnh đó, Ban Dự án đã và đang mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng lợi ích mà Dự án mang lại, thông qua phối hợp tổ chức nhiều hội thảo để giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng dành cho bác sĩ, cán bộ y tế phụ trách về dinh dưỡng tại các bệnh viện, cơ quan chăm sóc về dinh dưỡng, sức khỏe cũng như giảng viên, sinh viên tại các trường đại học/cao đẳng đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng trên toàn quốc. Đây được xem là nguồn thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình công tác, giảng dạy và thực hành về dinh dưỡng tại các tổ chức.

Dự án Bữa ăn học đường giúp Bạc Liêu cải thiện chất lượng trong công tác bán trú
Hiện nay, các trường tiểu học vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác bán trú. Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất, việc mang lại bữa ăn bán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư