Thứ Ba, Ngày 08 tháng 07 năm 2025,
Tổng thống Trump công bố áp thuế quan mới đối với 14 quốc gia
Đông Phong - 08/07/2025 09:29
 
Hàng hóa nhập khẩu từ ít nhất 14 quốc gia vào Mỹ sẽ bị áp thuế đối ứng toàn diện cao hơn từ ngày 1/8, Tổng thống Donald Trump công bố hôm 7/7.

Gia hạn ngừng áp thuế thêm 3 tuần, các mức thuế mới từ 25 - 40%

Trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Trump đã chia sẻ ảnh chụp màn hình các bức thư thông báo thuế quan mới gửi đến lãnh đạo các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào và Myanmar.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Sau đó cùng ngày, ông Trump đã chia sẻ một bộ 7 lá thư khác gửi đến các nhà lãnh đạo của Bosnia và Herzegovina, Tunisia, Indonesia, Bangladesh, Serbia, Campuchia và Thái Lan.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 25%, theo nội dung các lá thư mà Tổng thống Trump công bố.

Hàng hóa Nam Phi và Bosnia sẽ bị Mỹ đánh thuế 30% trong khi hàng nhập khẩu từ Indonesia sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 32%.

Bangladesh và Serbia đều chịu mức thuế 35%, trong khi Campuchia và Thái Lan sẽ chịu mức thuế 36%.

Hàng nhập khẩu từ Lào và Myanmar sẽ phải chịu mức thuế 40%, theo các bức thư mà Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social.

Ngoài ra, Washington "có thể" sẽ cân nhắc điều chỉnh mức thuế mới, "tùy thuộc vào mối quan hệ của chúng tôi" với các quốc gia đó. 

Đây là đợt gửi thư đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump trước khi thời hạn tạm dừng áp thuế đối ứng kết thúc vào ngày 9/7.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết sẽ có thêm nhiều bức thư thông báo thuế quan được gửi đến các nước trong những ngày tới.

Chiều ngày 7/7, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp hoãn thời hạn áp thuế đối ứng cho đến ngày 1/8. Sắc lệnh nêu rõ Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định đó "dựa trên thông tin bổ sung và khuyến nghị từ nhiều quan chức cấp cao".

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa giảm điểm ở phiên giao dịch 7/7. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 422,17 điểm, tương đương 0,94%, đóng cửa ở mức 44.406,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,79%, đóng cửa ở mức 6.229,98, còn Nasdaq Composite giảm 0,92% và kết thúc phiên với mức 20.412,52 điểm.

Đối với hầu hết các quốc gia nhận thư đợt này, mức thuế quan mới của Mỹ khá giống với mức thuế mà họ phải đối mặt khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thuế quan toàn diện vào ngày 2/4.

Đơn cử, theo các mức thuế công bố đầu tháng 4, hàng xuất khẩu từ Nhật Bản vào Mỹ bị áp mức thuế 24% và hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc phải chịu mức thuế 25%.

Tuy nhiên, sau một tuần hỗn loạn với những tổn thất trên khắp các thị trường toàn cầu, vào ngày 9/4, Tổng thống Trump đã ban hành lệnh tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày, đồng thời hạ các mức thuế quan khác nhau xuống cùng mức cố định là 10%. Lệnh tạm dừng đó được ấn định sẽ hết hạn vào ngày 9/7, trước khi Thư ký báo chí Nhà Trắng thông báo Tổng thống Trump sẽ gia hạn ngừng áp thuế thêm hơn 3 tuần đến ngày 1/8.

Mỹ cảnh báo các nước không áp thuế trả đũa

Các lá thư mà chính quyền Tổng thống Trump gửi các nước đợt này đều nêu rõ mức thuế quan tách biệt với các loại thuế cụ thể theo từng ngành đối với các danh mục sản phẩm chính.

"Hàng hóa chuyển tải để trốn thuế quan cao hơn sẽ phải chịu mức thuế quan cao hơn đó", các lá thư nêu. Hàng hóa chuyển tải trong trường hợp này dường như ám chỉ đến hoạt động chuyển hàng hóa sang một quốc gia tạm thời trước khi lô hàng cuối cùng của họ đến Mỹ để trốn thuế quan.

Các lá thư khẳng định rằng mức thuế quan mới là cần thiết để điều chỉnh thâm hụt thương mại dai dẳng của Mỹ với 14 quốc gia.

Tổng thống Trump, một người ưa thích áp dụng thuế quan và hoài nghi về các thỏa thuận thương mại tự do, thường cho rằng các khoản thâm hụt thương mại là bằng chứng cho thấy Mỹ đang bị các đối tác thương mại lợi dụng. Các chuyên gia đã chỉ trích quan điểm cho rằng thâm hụt thương mại là điều tiêu cực và đặt dấu hỏi lớn rằng liệu Mỹ có thể hoặc nên tìm cách xóa bỏ chúng hay không.

Không phải tất cả các quốc gia bị nhắm mục tiêu vào ngày 7/7 đều có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Trong năm 2024, Mỹ ghi nhận thâm hụt hàng hóa lần lượt là 68,5 tỷ USD với Nhật Bản và 66 tỷ USD với Hàn Quốc, nhưng thâm hụt của nước này với Myanmar là 579,3 triệu USD, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.

Mỹ là quốc gia nhập khẩu lượng lớn ô tô, máy móc và đồ điện tử từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Kazakhstan xuất khẩu dầu thô và hợp kim kim loại sang Mỹ, Malaysia bán linh kiện điện tử cho Mỹ, còn Nam Phi chủ yếu xuất khẩu kim loại quý. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Mỹ từ Lào bao gồm sợi quang, kính và quần áo, trong khi danh mục xuất khẩu lớn nhất của Myanmar là nệm và đồ phòng ngủ.

Các lá thư ngày 7/7 của Washington cảnh báo trước rằng 14 quốc gia không được đáp trả mức thuế quan mới của Mỹ bằng cách áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.

"Nếu vì bất kỳ lý do gì, nước bạn quyết định tăng thuế quan, thì bất kể chọn tăng bao nhiêu, mức thuế đó sẽ được cộng tiếp vào mức 25% mà chúng tôi tính", các lá thư nêu rõ.

Nếu các quốc gia gỡ bỏ "chính sách thuế quan và phi thuế quan, và rào cản thương mại" của họ, thì Mỹ có thể cân nhắc điều chỉnh thuế.

"Các mức thuế quan này có thể được điều chỉnh, tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào mối quan hệ của chúng tôi với đất nước của bạn", thư gửi lãnh đạo các nước nêu rõ.

Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế đối ứng cao hơn trong 90 ngày vào tháng 4, chính quyền của ông tuyên bố rằng họ có thể đạt được tới 90 thỏa thuận trong 90 ngày.

Nhưng khi lệnh tạm dừng đó sắp kết thúc vào ngày 9/7, Mỹ chỉ mới công bố các khuôn khổ thỏa thuận chung với Vương quốc Anh và Việt Nam, cùng một thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc.

Tổng thống Trump áp thuế 25% đối với tất cả ô tô không sản xuất tại Mỹ
Tổng thống Donald Trump tuyên bố, thuế quan 25% đối với "tất cả ô tô không sản xuất tại Mỹ" sẽ có hiệu lực vào ngày 2/4.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư