Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Top 5 start-up vào vùng chung kết Blue Venture Award 2019
Hồng Phúc - 06/12/2019 08:38
 
Cricket One, Vibabo, AYA cup, SiGen, GreenJoy Straw là 5 dự án cộng đồng được chọn vào vòng chung kết Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award mùa 2. Năm start-up cùng tranh tài để tìm quán quân tại vòng chung kết diễn ra vào ngày 10/12/2019.

Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award mùa 2 được tổ chức nhằm tìm kiếm và kết nối các tổ chức kinh doanh khởi nghiệp có tác động tích cực lên đời sống xã hội. 

Phát động từ ngày 10/9, chương trình nhận được hơn 200 hồ sơ đăng ký tham dự đến từ các doanh nghiệp xã hội trên toàn quốc. 

Các dự án khởi nghiệp vì cộng đồng sẽ được chấm dựa trên các tiêu chí về tiềm năng cơ hội thị trường, khả năng nhân rộng mô hình, năng lực tài chính, kỹ năng thuyết trình, thuyết phục, mô hình kinh doanh cùng sự kết hợp hoàn hảo của đội ngũ, nêu bật được tinh thần gắn kết cùng nhau.

.
10 dự án tiềm năng tham dự “Chương trình huấn luyện và đào tạo cho doanh nhân cộng đồng” được tổ chức cuối tháng 11/2019 (Ảnh: BTC).

Sau 3 tháng, Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award mùa 2 chính thức khép lại và tìm ra được 5 start-up nổi bật, đó là: Cricket One - doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nuôi dế trong sản xuất Protein; SiGen - hố ga ngăn mùi, triệt tiêu mùi và môi trường sinh ra muỗi; AYA cup- giải pháp dịch vụ cung ứng sản phẩm tái sử dụng thay thế đồ nhựa; Vibabo – dự án cung cấp sản phẩm tre thay thế đồ nhựa và GreenJoy Straw - ống hút cỏ.

SiGen là dự án hướng đến giải pháp giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu với sản phẩm hố ga ngăn mùi chống muỗi. 

Tuy chỉ mới đang manh nha ở TP. Vũng Tàu, tuy nhiên trong tương lai, đại diện dự án cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng sang các khu đô thị lớn trên cả nước – nơi mà vấn đề xử lý nước thải đã và đang là hiện trạng bất cập trong thời gian qua. 

Các hố ga thu nước ngăn mùi hiện nay trên thị trường đang sử dụng nguyên lý bình thông nhau để ngăn mùi từ hệ thống cống. Theo thời gian, lượng nước này hóa bùn, gây mùi hôi và trở thành nơi sinh trưởng của muỗi.

Do đó, với bộ phận thoát nước ngăn mùi lắp vào đường thông đáy, hố ga phụ luôn được khô ráo, đồng thời ngăn chặn triệt để sự sinh trưởng, phát triển của muỗi.Hố ga ngăn mùi không muỗi SiGen sẽ hạn chế những bất cập trong quá trình xử lý, thoát nước tại các đô thị ở Việt Nam. 

Hố ga ngăn mùi diệt muỗi có ưu thế triệt tiêu môi trường sinh trưởng của muỗi, thoát nước, ngăn mùi hôi tốt và sử dụng ít vật liệu… Hệ thống hố ga kể trên có thể áp dụng ở mọi hệ thống thoát nước thải đô thị, trường học, bệnh viện, chợ, gia đình…

Hiện SiGen đã thực hiện triển khai thí điểm tại thành phố Vũng Tàu, 25 hố ga trên 3 tuyến đường. Startup này sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế được cấp bởi Cục Sở Hữu Trí Tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Trong khi đó, dự án Cricket One mang công nghệ nuôi dế để phát triển dòng sản phẩm protein bền vững. Bên cạnh giải quyết vấn đề về lương thực, Cricket One còn hỗ trợ công ăn việc làm cho nông dân địa phương, giải quyết tồn đọng nguồn phế liệu từ cây sắn dây – thứ người dân thường bỏ đi sau thu hoạch.

Theo đánh giá của Liên Hiệp quốc, đến năm 2050, sản lượng nông nghiệp buộc phải tăng 70% để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của con người. Từ đây, Cricket One của Đặng Cao Nam và Bicky Nguyễn ra đời với mong muốn tạo ra nguồn protein thay thế hiệu quả cho người và động vật. Đồng thời tạo ra công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân.  

.
Bicky Nguyễn, đại diện Cricket One chia sẻ thông tin về dự án trước Hội đồng thẩm định (BTC).

Phương pháp nuôi dế mèn trong các container được trang bị các cảm biến giám sát nhiệt độ, độ ẩm thông qua Internet, và tự động điều khiển các thiết bị thông gió, đèn hồng ngoại sưởi ấm, mô hình kinh doanh của Cricket One khiến ban giám khảo lẫn hội đồng thẩm định của Blue Venture Award mùa 2 ấn tượng mạnh. 

Mỗi tháng, Cricket One thu về 500 kg dế/container, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng cho người dân, cao hơn so với mô hình nông nghiệp truyền thống. Start-up này từng đạt giải nhất Chương trình Thách thức Công nghệ Nông nghiệp vùng Mekong (MATCh 2018) do Australia và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. 

Nghĩ về số liệu mỗi phút trên toàn cầu có đến 12.000 ly sử dụng một lần bị vứt bỏ trở thành vấn đề khiến Lê Thùy Linh nghiên cứu cho ra đời AYA cup được làm từ sợi tre, giúp giảm thiểu các hóa chất gây hại mà nhựa sử dụng một lần có thể rò rỉ vào cơ thể con người. 

Dự án không chỉ giúp loại dần nhựa ra khỏi cuộc sống, giảm thiểu rác thải độc hại, bảo vệ môi trường mà các quán nước cũng sẽ tiết kiệm được khoản chi phí cho đồ uống mang đi, thường dao động từ 1.500 đồng/bộ gồm ly nhựa, nắp đậy và ống hút cho tới 2.000 - 3.000 đồng. 

Hiện AYA cup đã có mạng lưới hơn 20 quán cà phê, quán nước, nhà hàng tham gia vào hệ thống. Từ nay đến cuối năm 2019, dự án đặt chỉ tiêu nâng con số này lên 100.

Còn với Vibabo, bằng khát vọng và niềm đam mê tạo ra vật liệu thân thiện với môi trường, Lê Xuân Hải đã thành lập Vibabo chuyên cung cấp các sản phẩm ống hút từ cây tre, cây nứa tép. 

Nguyên liệu để sản xuất ra ống hút tre đều được trồng tự nhiên, trải qua quá trình khử trùng, triệt mùi ẩm mốc và giảm nguy cơ mối mọt trước khi đem đến tay người sử dụng. 

.
Đại diện Vibabo chia sẻ về dự án trước Hội đồng thẩm định (BTC).

Ưu điểm của sản phẩm của Vibabo chính là là chịu được nóng, lạnh, không sợ bị giãn nở hay nứt vỡ, sử dụng tiện lợi, đặc biệt còn có thể tái sử dụng nhiều lần. Việc vừa khai thác vừa trồng mới nguyên liệu của công ty cũng góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện Vibabo là đơn vị cung ứng cho hơn 3000 khách hàng trong và ngoài nước, trong đó có những thị trường khó tính như Pháp, Đức, Nhật Bản với 4 triệu ống hút tre, 50.000 bút và túi tre. 

Cơ sở của Lê Xuân Hải đã tạo việc làm ổn định cho hơn hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng.

Start-up cuối cùng là GreenJoy Straw được sáng lập bởi Nguyên Võ. Ngoài ra, việc sản xuất ông hút còn góp phần tạo ra sự phát triển bền vững đến cộng đồng, ổn định việc làm cho nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long.

Với 100 hecta đất, công ty dự kiến sẽ xuất ra thị trường 1 tỷ ống hút mỗi năm với 100 – 200 container/tháng.

Chỉ mới thành lập đầu năm 2019, sản phẩm của GreenJoy Straw đã cung cấp cho hơn 100 chuỗi nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam và hơn 30 quốc gia khác như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

5 start-up trên sẽ cùng tranh tài để trở thành người chiến thắng chung cuộc, đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi The Venture 2020 toàn cầu tại châu Âu, cùng cơ hội giành lấy giải thưởng cao nhất trong tổng giá trị giải thưởng lên đến 1 triệu USD.

Sân chơi dành cho các startup cộng đồng Blue Venture Award chính thức tuyển sinh
Giải thưởng doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award đã chính thức được ra mắt tại Việt Nam. Cuộc thi với tổng giải thưởng lên đến 1 triệu USD...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư