Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Toyota miệt mài cho ngôi vương
Hoàng Minh - 26/06/2019 09:12
 
Lễ xuất xưởng chiếc xe thứ 500.000 từ nhà máy đặt ở Vĩnh Phúc đánh dấu một chặng đường dài với nhiều nỗ lực của Toyota tại Việt Nam.
Toyota Việt Nam làm lễ xuất xưởng chiếc xe thứ  500.000.
Toyota Việt Nam làm lễ xuất xưởng chiếc xe thứ 500.000.

Khó không nản

Năm 1995, với kỳ vọng tạo ra sự đột phá với ngành ô tô tại Việt Nam, trong cùng 1 ngày, Ford, Chysler và Toyota - những tên tuổi lớn của ngành công nghiệp ô tô thế giới đã nhận được giấy phép đầu tư thành lập liên doanh sản xuất ô tô.

Nhà máy của Toyota Việt Nam (TMV) tại Vĩnh Phúc bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1996 với sản lượng ban đầu chỉ đạt trung bình 2 xe/ngày, tương đương quy mô sản xuất 212 xe/năm.

Con số này dù rất thấp so với nhận định “thị trường ô tô sẽ có quy mô 30.000 xe/năm, trong đó Toyota sẽ chiếm thị phần 30%, tương đương 10.000 xe” được đưa ra khi bắt đầu thực hiện dự án tại Việt Nam, nhưng Toyota vẫn không ngừng nỗ lực.

Thận trọng và bài bản, các bước đi của Toyota Việt Nam xem ra khá kiên nhẫn để đạt được hiệu quả cao nhất. 

Ngay cả ở thời điểm này, tức là sau 24 năm hoạt động, sản lượng của nhà máy đã đạt trên 200 xe/ngày, tương đương 54.000 xe/năm. Dù vẫn chưa được như trông đợi của TMV, nhưng đây vẫn là con số xe xuất xưởng hàng năm lớn nhất từ một thương hiệu trong số các nhãn hiệu ô tô đang hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Toyota Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất hiện đại của Toyota Việt Nam.

Ở khía cạnh khác, doanh số bán hàng mà Toyota Việt Nam đạt được hàng năm vẫn duy trì vị trí ngôi vương cho thấy, sự ưa chuộng của người tiêu dùng Việt Nam với thương hiệu này không thay đổi sau gần 30 năm.

Trên thực tế, ngay sau khi vào thị trường Việt Nam hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Toyota Nhật Bản đã tiến hành khảo sát mức độ được yêu thích của các hãng xe tại đây. Trong hơn 20 hãng xe được nêu ra trong bảng khảo sát, Toyota đã được xếp ở vị trí thứ 1 với tỷ lệ vượt trội các hãng xe khác. “Chúng tôi nghĩ mình phải bảo vệ và nuôi dưỡng tài sản lớn này để có thể tồn tại lâu dài ở thị trường Việt Nam” là chia sẻ của ông Hasegawa, Tổng giám đốc đầu tiên của TMV.

Không chỉ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao thương hiệu Toyota, trong Bảng xếp hạng 100 thương hiệu có giá trị nhất thế giới 2019 (BrandZ Top 100 Most Valuable Global Brand for 2019) của Kantar Millward Brown vừa công bố, Toyota đã chiếm vị trí số 1 trong ngành ô tô thế giới với giá trị thương hiệu là 29,25 tỷ USD (10 thương hiệu ô tô giá trị nhất 2019 theo Kantar Millward Brown lần lượt là Toyota, Mercedes, BMW, Honda, Ford, Nissan, Tesla, Audi, Wolkswagen, Porsche).

Đáng nói là, trong 14 năm liên tục được Kantar Millward Brown đánh giá, thì tới 12 năm, Toyota ở vị trí số 1 và hai năm còn lại đứng vị trí số 2.

Sự hiện diện của Toyota tại Vĩnh Phúc cũng giúp địa phương này bứt phá xa trong đóng góp ngân sách khi thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ ô tô cao ngất ngưởng. Tính tới nay, TMV đã nộp ngân sách hơn 8 tỷ USD tiền thuế các loại.

Các mẫu xe sản xuất và lắp ráp chiến lược như Vios, Innova liên tục nằm trong danh sách những mẫu xe được ưa chuộng nhất thị trường, đóng góp lớn vào kết quả ngày hôm nay với 500.000 xe xuất xưởng.

Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, tôi rất vui và tự hào khi Công ty xuất xưởng chiếc xe thứ 500.000. Đây là một dấu mốc đáng nhớ và quan trọng đối với TMV. Trải qua hơn 24 năm hình thành và phát triển, là một trong những liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam, thị trường liên tục biến động với nhiều thách thức, nhưng đó chính là đòn bẩy giúp TMV vươn lên và đạt được những thành tựu đáng kể. Điều này có được là nhờ sự tin yêu và ủng hộ của khách hàng, sự hỗ trợ của Chính phủ, các nhà cung cấp, đại lý và các đối tác. Những thành tựu này cũng là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm của chúng tôi trong việc đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước.

Căm cụi bước đi

Không chỉ đạt mốc xuất xưởng nửa triệu, chiếc xe thứ 500.000 còn đánh dấu việc sản xuất trở lại tại Việt Nam của mẫu xe Fortuner, sau khi được nhập khẩu nguyên chiếc kể từ năm 2017.

Đây cũng là thể hiện sự nỗ lực của TMV trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước theo định hướng của Chính phủ, thông qua đó đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và đất nước ngay từ khi nhận giấy phép đầu tư.

Với thực tế ngành công nghiệp ô tô thế giới có sự cạnh tranh dữ dội và luôn đổi mới về mặt công nghệ, chuyện gia tăng tỷ lệ nội địa hóa với các linh phụ kiện lắp trên xe cũng đòi hỏi những tiêu chí nhất định về thị trường, thay vì triển khai bằng bất cứ giá nào.

Không chỉ mời gọi các nhà cung cấp hàng đầu tới đầu tư tại Việt Nam, Toyota còn đẩy mạnh việc tìm kiếm và phát triển các nhà cung cấp trong nước.

Ở vị trí người mua hàng, nhưng TMV đã không đứng nhìn các vệ tinh của mình tự vật lộn. Bắt đầu từ năm 2017, TMV thành lập một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên các nhà cung cấp Việt Nam, giúp họ cải tổ năng lực quản lý, từ đó tăng hiệu suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Những khoá đào tạo nhận thức, học tập các nội dung 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và tham quan nhà máy TMV theo nhiều đợt cho lãnh đạo và cán bộ nguồn của các công ty cung cấp linh kiện trong nước đã được tổ chức.

Lý giải sự ngạc nhiên của nhiều người về việc một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản lại sẵn sàng “cầm tay chỉ việc” cho một doanh nghiệp địa phương, đại diện Công ty Nhựa Hà Nội cho hay, trong 14 nguyên lý của Phương thức Toyota, có nguyên lý số 11 “tôn trọng mạng lưới đối tác và các nhà cung cấp bằng cách thử thách họ và giúp họ cải tiến”. Đây cũng là cách mà TMV đang áp dụng với Nhựa Hà Nội.

Hiện danh sách các nhà cung cấp của TMV đã lên tới con số 33, trong đó có 5 nhà cung cấp Việt Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa của TMV đạt trên 400 sản phẩm các loại.

“Phát triển số lượng và quy mô nhà cung cấp nội địa là nhiệm vụ ưu tiên và dài hạn của chúng tôi. Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là hạn chế về mặt kinh nghiệm, nên sẽ không hiểu rõ được các nhà sản xuất xe cần gì, yêu cầu của chúng tôi ở mức nào, dù cho có giải thích cho họ đi chăng nữa. Do đó, chúng tôi hỗ trợ họ trực tiếp và bắt đầu bằng việc áp dụng 5S. Trong quá trình thực hiện, tinh thần và cách nghĩ cách làm đã có nhiều thay đổi, họ không chỉ cải thiện về mặt 5S, mà còn nâng cao được hiệu quả công việc”, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc TMV cho biết.

Giữ vững Phương châm “Khách hàng là trên hết”, TMV đã liên tục mở rộng hệ thống đại lý đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm mang lại dịch vụ gần hơn tới từng khách hàng. Tính đến nay, hệ thống đại lý/chi nhánh của TMV đã đạt con số 57 trên 26 tỉnh, thành phố, với gần 570.000 chiếc xe Toyota đã được khách hàng đón nhận và hơn 10,5 triệu lượt khách hàng làm dịch vụ.

Trong những năm gần đây, TMV liên tiếp được xếp hạng cao nhất về chỉ số hài lòng của khách hàng trong lĩnh vực bán hàng và dịch vụ do JD Power bình chọn.

Toyota Việt Nam xuất xưởng chiếc xe thứ 500.000
Lễ xuất xưởng chiếc xe thứ 500.000 từ dây chuyền sản xuất của Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) cũng đồng thời đánh dấu sự trở lại của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư