Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Toyota việt nam chuyển văn phòng, bổ nhiệm lãnh đạo mới: Chiến lược có thay đổi?
Thanh Hương - 07/12/2016 09:05
 
Công ty Toyota Việt Nam (TMV) sẽ có Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc mới từ năm 2017.

Xáo trộn

Theo thông báo của TMV, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc đương nhiệm và bà Đoàn Thị Yến, Phó tổng giám đốc (đại diện cho phía Việt Nam trong liên doanh) sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/12/2016.

Vị trí Tổng giám đốc mới sẽ được đảm nhiệm bởi ông Toru Kinoshita và Phó tổng giám đốc mới là bà Đỗ Thu Hoàng, kể từ ngày 1/1/2017.

Toyota đang phải đối mặt với vấn đề tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu khi thuế nhập ô tô về 0%. Ảnh: Đ.T
Toyota đang phải đối mặt với vấn đề tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu khi thuế nhập ô tô về 0%. Ảnh: Đ.T

Ông Maruta đảm nhận vị trí Tổng giám đốc TMV từ ngày 1/4/2012 và đã có nhiệm kỳ dài nhất, với gần 5 năm, trong số các Tổng giám đốc của TMV. 

Ngay trước khi TMV có Tổng giám đốc mới, Công ty này đã quyết định chuyển Văn phòng tại Hà Nội đến Tòa nhà Lotte Centre tại Liễu Giai. Đây là tòa nhà cao thứ hai Hà Nội ở thời điểm này.

Vào năm 1998, khi Văn phòng Hà Nội của TMV được mở lần đầu tiên tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trên đường Đào Duy Anh - tòa nhà cao nhất của khu vực phía Nam Hà Nội ở thời điểm đó. Tới năm 2007, Văn phòng Hà Nội của TMV được di chuyển về Tòa nhà Viglacera có độ cao 18 tầng ở Đại lộ Thăng Long (Mỹ Đình), cũng là tòa nhà cao nhất ở khu vực này thời điểm đó.

Cũng có sự thay đổi trong dịp này còn có Văn phòng đại diện tại TP.HCM của TMV. Phần lớn các bộ phận hiện có tại Văn phòng TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) sẽ được di chuyển về Trung tâm Toyota Miền Nam đóng tại KCN Việt Nam - Singapore tại Thuận An, Bình Dương hoặc ra Hà Nội. Quy mô hoạt động của Văn phòng TP.HCM vì thế cũng thu hẹp hơn trước đây.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, trong dịp này, một số vị trí nhân sự cấp cao người Việt Nam tại TMV cũng có những thay đổi theo chế độ luân chuyển của Công ty.

Sản xuất hay nhập khẩu?

Ông Toru Kinoshita không phải là gương mặt xa lạ với thị trường ô tô Việt Nam. Khoảng 13 năm trước đây, ông đã làm việc ở TMV với vị trí phụ trách marketing, truyền thông và đảm nhiệm thực hiện một số dự án quan trọng thời điểm đó như Dự án đầu tư dây chuyền dập lớn nhất trong ngành cơ khí, hay mời gọi Denso đến cùng đầu tư tại Việt Nam.

Dẫu vậy, trở lại Việt Nam trên cương vị CEO của TMV là thách thức khác hẳn. Thị trường ô tô Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh rất khắc nghiệt của những thương hiệu khác cũng đến từ Nhật Bản. Ngoại trừ Honda Việt Nam mê mải với xe máy bởi có lợi nhuận lớn, Mazda đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm.

Nếu ở thị trường Nhật Bản, Toyota là số 1 và Mazda có thể đứng ngoài số 5 thì tại Việt Nam, Mazda đứng ngay sau Toyota. Năm 2015, đã có khoảng 20.192 xe Mazda được Trường Hải bán ra và năm 2016, khả năng đạt doanh số 30.000 xe đã nằm trong tầm tay.

Theo tiết lộ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải - nhà lắp ráp và phân phối xe Mazda tại Việt Nam, doanh nghiệp này đang đặt mục tiêu bán được 35.000 xe Mazda tại thị trường nội địa để Dự án đầu tư nhà máy Mazda mới công suất 100.000 xe/năm, giai đoạn đầu là 50.000 xe/năm hợp tác với Mazda sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018.

Để đạt được mục tiêu này, Trường Hải đã có các chiêu thức cạnh tranh rất rõ ràng nhằm giành thị phần từ các thương hiệu khác.

Nhiệm vụ của ông Toru Kinoshita trong nhiệm kỳ mới không chỉ là giữ vững thị phần của Toyota, mà còn của Lexus - một thương hiệu hạng sang có rất nhiều đối thủ tại Việt Nam.

Với câu chuyện mở rộng sản xuất tại Việt Nam, CEO nhiệm kỳ tới của TMV có thể không quá lo lắng nhiều, bởi Toyota có lợi thế có cơ sở sản xuất tại nhiều nước trong khu vực ASEAN.

Hồi tháng 8/2015, ông Ichiro Abe, cố vấn cao cấp về xúc tiến đầu tư FIA-MPI tại Hội thảo liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam - Nhật Bản đã nhận xét, hiện Toyota đang đứng trước hai con đường: hoặc sản xuất ô tô tại Thái Lan bán sang Việt Nam, hoặc duy trì sản xuất tại Việt Nam. Với thực tế mỗi năm Toyota Thái Lan sản xuất khoảng 1 triệu chiếc xe, trong khi TMV chỉ sản xuất khoảng 50.000 chiếc và chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn Thái Lan cỡ 20% thì nhận xét trên là có cơ sở, nhất là khi từ năm 2018, thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0%.

Chính ông Yoshihisa Maruta cũng từng nhận xét, nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan vào Việt Nam còn rẻ hơn lắp ráp và TMV cũng như các nhà sản xuất khác cũng đối mặt với vấn đề tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu.

Quan điểm này cũng được đại diện TMV nhắc lại tại Hội thảo Phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong tháng 11/2016 rằng, “nếu chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ như Thái Lan thì Toyota mới có thể tiếp tục duy trì đầu tư, sản xuất tại đây”.

“Việc Toyota có tiếp tục đầu tư vào sản xuất ô tô tại Việt Nam hay không, tiếp tục là một vòng luẩn quẩn về chuyện con gà hay quả trứng có trước. Để thành lập dự án, nhà đầu tư sẽ phải có đầy đủ các thông số mà trong đó câu chuyện ưu đãi phải rất rõ ràng, mà điều này thì vẫn chưa cụ thể”, một chuyên gia nói.’

Toyota Việt Nam "tấn công" phân khúc bán tải
Hơn 6 năm có mặt tại Việt Nam nhưng phải tới tận đầu tháng 10 này, Hilux mới lần đầu tiên có một buổi họp báo ra mắt hoành tráng cho thấy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư