Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM: 25 năm để dự án “vàng” hóa “bùn”, do đâu? (Bài 2): Nhiều hệ lụy từ cách xử lý bất nhất, rời rạc
Ngô Nguyên - 28/05/2021 08:28
 
Những quyết định khó hiểu đã khiến cơ hội đầu tư tại khu “đất vàng” 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai bị bỏ lỡ hàng chục năm.
Khu đất “vàng” 1.182 m2 tại số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai giữa trung tâm TP.HCM được cơ quan chức năng cấp phép cho Liên doanh Liên hiệp Khoa học dịch vụ công nghệ và sản xuất (PTC) và Công ty Artkins (Hồng Kông) từ năm 1996 để xây cao ốc văn phòng. Tới nay, đã 25 năm, dự án không hình thành, còn đối tác Việt Nam có nguy cơ trắng tay. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang ung dung sử dụng khu đất này, bởi đối tác ngoại của Liên doanh đã bán vốn “chui” cho họ.
Bảng hiệu các công ty mua lại vốn của đối tác nước ngoài vẫn tồn tại ở số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM)
Bảng hiệu các công ty mua lại vốn của đối tác nước ngoài vẫn tồn tại ở số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM)

Bài 2: Nhiều hệ lụy từ cách xử lý bất nhất, rời rạc

Liên doanh PTC - Artkins có quyết định chấm dứt hoạt động từ năm 2005, nhưng do 2 bên không thống nhất được nhiều vấn đề liên quan đến góp vốn, nên việc thanh lý doanh nghiệp đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đáng nói, việc cơ quan chức năng cấp phép cho doanh nghiệp khác tại địa chỉ 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai trái luật, cùng với những giải quyết khó hiểu khác đã khiến vụ việc thêm rắc rối, trong khi đó, cơ hội đầu tư tại khu “đất vàng” bị bỏ lỡ hàng chục năm.

Cấp phép kinh doanh trật luật

Như đã đề cập ở bài trước, tại Báo cáo kết luận số 676/BC-TTCP, tháng 4/2016, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc đối tác nước ngoài là Công ty Artkins (trụ sở tại Hồng Kông) bán vốn trong Liên doanh PTC - Artkins là trái điều lệ liên doanh và trái quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài.

Nhưng, doanh nghiệp mua vốn của Công ty Artkins vẫn được cấp Giấy phép kinh doanh để về “ngự” tại nhà đất số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM).

Liên quan vụ việc của Liên doanh PTC - Artkins, từ năm 2017, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ với nội dung: cho phép triển khai Dự án đầu tư văn phòng cao ốc tại số 462 - 464 đường Nguyễn Thị Minh Khai; ưu tiên nhà đầu tư đã thật sự bỏ chi phí để hình thành tài sản là 2 căn nhà nêu trên; khuyến khích PTC - Artkins tiếp tục hợp tác, nếu không, thì chọn một trong hai bên có đủ năng lực.

Liên quan hành vi trên, Thanh tra TP.HCM đã từng vào cuộc. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng đã thừa nhận thiếu sót do bộ phận cấp ciấy phép kinh doanh không nắm rõ thông tin và khi phát hiện vấn đề, ngày 29/2/2008, Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở đã có 2 thông báo yêu cầu làm thủ tục đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở Văn phòng đại diện Công ty TNHH Tân Thành và Công ty Nam Khánh (người đại diện pháp luật công ty này khi đó là Giám đốc Công ty TNHH Tân Thành - PV).

Tại Kết luận thanh tra số 752/KL-TTTP-KTII, ngày 4/12/2009, Thanh tra TP.HCM đã đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM xử lý ngay việc đăng ký đặt trụ sở 2 công ty nêu trên; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và phòng/ban liên quan. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp nói trên không đồng ý thay đổi địa chỉ kinh doanh.

Theo báo cáo năm 2016 của Thanh tra Chính phủ, thì cho tới thời điểm thanh tra của Đoàn Thanh tra liên ngành, 2 công ty trên vẫn tiếp tục hoạt động tại địa chỉ 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai.

Lùng nhùng chuyện cưỡng chế

Theo quyết định của UBND TP.HCM, kể từ ngày 4/1/2005, Liên doanh PTC- Artkins phải chấm dứt hoạt động, phải thành lập ban thanh lý và thực hiện việc thanh lý doanh nghiệp. Nhưng do mâu thuẫn nội bộ, liên doanh này không hoàn thành các thủ tục thanh lý theo quy định.

Ngày 23/6/2008, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM cưỡng chế thu hồi khu đất 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai. Ngày 18/2/2008, UBND TP.HCM thông báo: giao các sở, ngành xác định giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất; thu hồi, quản lý khu đất và xây dựng các tiêu chí để kêu gọi đầu tư theo hình thức đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Tới năm 2010, UBND TP.HCM có Thông báo số 570/TB-VP giao UBND quận 3 chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất và các sở, ngành liên quan khẩn trương tiến hành cưỡng chế thu hồi, quản lý và bảo vệ khu nhà đất tại số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai.

Tuy nhiên, mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Với xác định của cơ quan chức năng: “Công ty Artkins bán vốn là trật luật”, việc mua vốn rồi vào “ngự” tại nhà đất số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai là “bất hợp pháp”, thì doanh nghiệp mua vốn của Công ty Artkins được dự báo sẽ không tránh khỏi lao đao.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, mọi tranh chấp giữa các bên liên quan đến việc Công ty Artkins tự động chuyển nhượng vốn tại Liên doanh PTC - Artkins thuộc thẩm quyền của tòa án. Tức là, nếu thiệt hại, thì các doanh nghiệp mua lại vốn của Công ty Artkins có quyền đưa bên bán ra tòa để yêu cầu hủy hợp đồng mua bán trái luật, yêu cầu hoàn tiền hoặc bồi thường thiệt hại, chứ không thể tranh chấp khu đất số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai.

Hai năm sau, UBND TP.HCM lại ra tiếp Công văn số 780/UBND-PCNC-M, ngày 30/11/2012, giao UBND quận 3 chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện các thủ tục cưỡng chế để thu hồi mặt bằng số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai.

Thực hiện chỉ đạo này, UBND quận 3 đã ký Công văn số 1570/UBND, ngày 13/12/2012 yêu cầu Công ty cổ phần Nam Khánh, Công ty TNHH Tân Thành di dời trụ sở văn phòng làm việc ra khỏi khuôn viên số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai trong vòng 10 ngày, quá thời hạn sẽ cưỡng chế thu hồi mặt bằng theo quy định.

Đầu năm 2013, UBND quận 3 ra 2 quyết định cưỡng chế với Công ty cổ phần Nam Khánh và Công ty TNHH Tân Thành.

Kỳ lạ, tới thời điểm thanh tra liên ngành theo Quyết định số 1572, ngày 5/6/2015, của Thanh tra Chính phủ, thì không chỉ 2, mà có tới 3 công ty vẫn hoạt động tại khu “đất vàng” này. Thanh tra Chính phủ đã đề nghị phải xử lý dứt điểm.

Tới năm 2017, UBND TP.HCM ra Công văn số 2487/UBND-NCPC, giao UBND quận 3 chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên tham mưu UBND TP.HCM quy trình và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất, di dời cả 3 công ty ra khỏi khu đất để chuẩn bị giao nhà đầu tư thực hiện dự án mới.

Song tới giờ này, theo đơn khởi kiện của PTC mà Tòa án Nhân dân TP.HCM vừa thông báo tiếp tục giải quyết, thì PTC vẫn đề nghị Tòa “buộc Công ty TNHH Tân Thành, Công ty cổ phần Nam Khánh, Công ty cổ phần Tân Thành Mỹ và chủ quán cafe Three O'clock di dời, giao trả lại nhà đất 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai cho PTC”.

Bất đồng quan điểm về việc thu hồi đất để đấu giá

Theo đơn kiện của PTC, sau khi ra Quyết định số 09/QĐ-UB, ngày 4/1/2005, chấm dứt hoạt động của Liên doanh PTC - Artkins, UBND TP.HCM ban hành tiếp Quyết định số 4240/QĐ-UBND, ngày 19/9/2007, thu hồi mặt bằng số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai để đấu thầu, mà không bồi hoàn cho PTC là trái luật, bởi tài sản trên có nguồn gốc do PTC bỏ tiền thực hiện đền bù, giải tỏa, mua lại của các chủ cũ để góp vào Liên doanh.

Về vấn đề này, tại Văn bản số 708/UBND, ngày 8/6/2012, trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, UBND quận 3 cho hay, ngày 6/7/1994, UBND TP.HCM có Công văn số 3057/UB-QLĐT chấp thuận bán giá trị căn nhà và quyền sử dụng đất tại số 464 - Nguyễn Thị Minh Khai cho PTC với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng, căn cứ trên Biên bản định giá số 42/HDĐG-BNX của Hội đồng Định giá nhà xưởng TP.HCM lúc bấy giờ. PTC đã thanh toán phần tiền nhà (hơn 155 triệu đồng) vào ngân sách. Số tiền giá trị đất còn lại (hơn 1,9 tỷ đồng), PTC thông qua Liên doanh đã nộp đủ dưới hình thức thuê đất, do UBND TP.HCM điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất sang hình thức thuê đất trả tiền hằng năm cho phù hợp với Luật Đầu tư tại thời điểm trên.

Tương tự, với khu nhà đất số 462 - Nguyễn Thị Minh Khai, ngày 20/10/1995, UBND TP.HCM có Công văn số 3152/UB-QLĐT đồng ý bán cho PTC kèm điều kiện: PTC phải đền bù cho Tuần báo Văn nghệ TP.HCM (được UBND TP.HCM giao sử dụng). PTC đã mua căn nhà khác trị giá 374 lượng vàng để đền bù cho Tuần báo Văn nghệ TP.HCM làm văn phòng mới, lại hỗ trợ thêm 900 triệu đồng chi phí di rời.

Tới ngày 4/11/1995, Hội đồng Định giá nhà xưởng TP.HCM định giá, xác định nhà đất số 462 - Nguyễn Thị Minh Khai có mức giá hơn 574 triệu đồng (giá trị căn nhà) và trên 2,6 tỷ đồng (quyền sử dụng đất). Tương tự nhà đất số 464 - Nguyễn Thị Minh Khai, PTC đã nộp hơn 574 triệu đồng tiền giá trị căn nhà vào ngân sách nhà nước và thông qua Liên doanh nộp hơn 2,6 tỷ đồng theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm theo điều chỉnh của UBND TP.HCM.

Từ đó, UBND quận 3 cho rằng, PTC đã hoàn thành việc mua khu nhà đất số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai để có quyền quản lý sử dụng trước khi góp vốn liên doanh.

Liên quan vấn đề này, Thanh tra Chính phủ lại có quan điểm khác khi cho rằng, khu nhà đất 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai là tài sản thuộc Công ty Liên doanh. Đối với nguồn tài chính, “về mặt pháp lý, thì PTC là đơn vị đứng tên pháp luật của khu nhà đất số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng trên thực tế, 75% số tiền chi trả cho khu nhà đất là của Công ty Artkins…”. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM khi thu hồi đất cần xem xét, tính toán để hoàn trả lại cho Liên doanh các khoản chi phí các bên đã đầu tư theo quy định pháp luật.

Trong khi đó,  phía PTC cho rằng, khi PTC cùng đối tác nước ngoài không thỏa thuận được việc thanh lý tài sản sau khi Liên doanh chấm dứt hoạt động, thì nhà đất nêu trên phải giao về cho PTC. Điều này căn cứ theo Quyết định số 979/GP ngày 6/9/1994 của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và Quyết định số 979/GPĐC1, ngày 18/1/1996 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định: “Khi kết thúc liên doanh, toàn bộ tài sản cố định được chuyển giao không bồi hoàn cho Việt Nam”.

Từ đó, PTC cho rằng, việc UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất nêu trên, nhưng không giao trả lại cho PTC là không đúng quy định của pháp luật, thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp về tài sản mà PTC đã bỏ tiền để mua.

Tranh chấp nêu trên đang được Tòa án Nhân dân TP.HCM xử lý. Tuy nhiên, từ câu chuyện liên doanh liên kết này, có thể thấy, những kẽ hở trong hành làng pháp lý, những cách xử lý bất nhất, rời rạc của cơ quan chức năng đã khiến vụ việc thêm rắc rối, dẫn tới nhiều hệ lụy cho không chỉ 2 bên liên doanh.

TP.HCM: Nghi vấn sai phạm nghiêm trọng tại dự án nạo vét sông Gò Gia
Công ty Hoàng Minh có nhiều vi phạm nghiêm trọng tại Dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia (huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư