Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
TP.HCM: Ca tử vong đầu tiên liên quan bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam
Hoài Sương - 25/10/2023 16:09
 
Đó là bệnh nhân nam 30 tuổi, nhiễm đồng thời đậu mùa khỉ và HIV/AIDS, được điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu nhưng đã tử vong sau 18 ngày điều trị tích cực.

Ngày 25/10, Sở Y tế TP.HCM đã thông tin về ca tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), đây là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Theo đó, bệnh nhân sinh năm 1994 (thường trú tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ngày 2/10 vì sốt, nổi mụn nước 9 ngày. Sau đó, bệnh nhân được nhập viện cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước có kết quả PCR dương tính với đậu mùa khỉ. Bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính và tế bào TCD4 1/uL.

Ca tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh Đậu mùa khỉ (Mpox) là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Bệnh nhân đồng thời bị nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida xâm lấn, viêm phổi do nhiễm nấm Pneumocystis jirovecii, lao lan tỏa, sau đó diễn tiến vào tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng. Vì vậy, dù được điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu nhưng tình trạng diễn tiến nặng và bệnh nhân tử vong sau 18 ngày điều trị tích cực.

Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo thành lập hội đồng chuyên môn để có kết luận và báo cáo chính thức về trường hợp này.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có tổng cộng 20 ca bệnh đậu mùa khỉ. Tất cả các ca bệnh được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong đó 18 trường hợp (gồm 17 nam và 1 nữ) mắc đồng thời HIV/AIDS. Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện có 2 ca lâm sàng diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính, áp xe phổi/mủ màng phổi đang dẫn lưu, nhiễm trùng da…

Bộ Y tế xếp bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh, bao gồm tiếp xúc mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, quan hệ tình dục.

Đa số người bệnh sẽ khỏi sau 10-14 ngày với cơ địa có miễn dịch bình thường và hết lây lan sau 21 ngày. Bệnh diễn tiến nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch như: AIDS, xơ gan, tiểu đường…

Nhiều điểm mới về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ có nhiều điểm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư