Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
TP.HCM “đau đầu” thanh quyết toán chi phí chữa trị Covid-19
Hải Vân - 28/08/2022 09:06
 
Covid-19 đã được khống chế, song TP.HCM đang đối mặt với bài toán hóc búa khi tồn kho thuốc, vật tư phòng chống dịch lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tồn kho thuốc, vật tư, sinh phẩm phòng Covid-19 hơn 46,7 tỷ đồng

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư (năm 2021), do số ca mắc tăng cao, các cơ sở khám chữa bệnh tại TP.HCM đã chủ động mua thuốc, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm bằng nguồn ngân sách. Đến nay, dịch bệnh được khống chế, các bệnh viện trở lại hoạt động khám chữa bệnh thông thường; hầu hết các bệnh viện dã chiến, thu dung đã giải thể, dẫn đến không sử dụng hết số thuốc, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm đã mua.

Sở Y tế TP.HCM ước tính, tồn kho thuốc, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của TP.HCM trị giá hơn 46,7 tỷ đồng (vật tư, sinh phẩm xét nghiệm hơn 14,5 tỷ đồng, thuốc hơn 32,1 tỷ đồng).

Từ năm 2021, TP.HCM đã thực hiện giao dự toán cho các đơn vị trên số lượng thuốc, vật tư sinh phẩm đã mua, nhưng theo Nghị định số 29/2022/NĐ-CP của Chính phủ, thì ngân sách nhà nước chỉ thanh toán chi phí khám chữa bệnh Covid-19 cho cơ sở thu dung điều trị công lập theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Để tránh lãng phí thuốc, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm tồn kho, tháng 3/2022, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thống nhất nguyên tắc cho phép các cơ sở khám chữa bệnh điều tiết thuốc đã mua sang nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh với đơn giá bằng đơn giá mua vào của từng loại thuốc. Khi bệnh nhân sử dụng thuốc, bệnh viện sẽ thu tiền thuốc từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế hoặc bệnh nhân tự chi trả để nộp trả lại ngân sách phòng, chống dịch Covid-19 đúng quy định.

Như vậy, Sở Y tế TP.HCM vẫn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế thì mới có thể thực hiện xử lý số tồn kho thuốc, vật tư sinh phẩm được mua từ nguồn ngân sách.

Thanh toán tiền xét nghiệm RT-PCR theo mức giá nào?

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, các cơ sở y tế công lập không đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đã chuyển mẫu đến Viện Pasteur với mức giá theo quy định là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR; 238.000 đồng/mẫu test nhanh.

Từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2021, các cơ sở y tế đã chuyển đến Viện Pasteur hơn 400.000 mẫu với đơn giá đặt hàng chỉ bao gồm chi phí xét nghiệm 616.000 đồng/mẫu (không bao gồm chi phí lấy mẫu, vận chuyển...).

Do số mẫu xét nghiệm hàng ngày của cơ sở y tế gửi Viện Pasteur vượt cao so với số mẫu làm cơ sở xây dựng định mức để ban hành mức giá 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm, nên tháng 12/2021, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Y tế giải đáp, hướng dẫn: mức giá thanh toán xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán SAR-CoV-2 cho Viện Pasteur sẽ theo chi phí thực tế chạy mẫu xét nghiệm, hay theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, hay theo giá đặt hàng đã được UBND TP.HCM phê duyệt?...

Sau đó, Sở Y tế TP.HCM có thêm 2 công văn gửi Bộ Y tế về vấn đề trên (vào tháng 3/2022 và tháng 7/2022), nhưng đến nay vẫn chưa được phúc đáp.

Ai thẩm định chi phí khám, chữa Covid-19 của y tế tư nhân?

Các cơ sở y tế tư nhân tại TP.HCM được giao nhiệm vụ điều trị Covid-19 cũng gặp vướng mắc trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh Covid-19.

Theo nguyên tắc thanh toán chi phí, Sở Y tế phải thẩm định số ngày nằm viện, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư, hóa chất cho người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế và phác đồ điều trị.

Tồn kho thuốc, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của TP.HCM trị giá hơn 46,7 tỷ đồng (vật tư, sinh phẩm xét nghiệm hơn 14,5 tỷ đồng, thuốc hơn 32,1 tỷ đồng).

Năm 2021, TP.HCM có 16 bệnh viện tư nhân được giao nhiệm vụ điều trị Covid-19 với tổng số 8.999 ca. Bên cạnh việc thẩm định lượng hồ sơ bệnh án của bệnh viện tư nhân, Sở Y tế TP.HCM còn phải thẩm định hàng chục ngàn hồ sơ của các bệnh viện dã chiến, thu dung công lập.

Mặt khác, theo quy định, việc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế… phải theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua phải theo quy định pháp luật đấu thầu, nhưng các cơ sở y tế tư nhân không thực hiện việc mua sắm theo các quy định về đấu thầu, dẫn tới hàng loạt khó khăn trong thẩm định thanh, quyết toán.

Trước tình huống này, Sở Y tế TP.HCM đề xuất thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền… đã có giá thanh toán của cơ quan BHXH theo mức giá mà cơ quan BHXH đang thanh toán cho đơn vị; nếu chưa có giá thanh toán của cơ quan BHXH, thì sẽ được thanh toán theo giá mua vào của bệnh viện tư nhân, nhưng không cao hơn giá mua của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trên địa bàn Thành phố.

Việc thẩm định, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh Covid-19 đang là vấn đề “nhạy cảm”, nên đến nay, TP.HCM vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Nhiều nước 'tăng tốc' trong cuộc đua về vắcxin và thuốc chữa COVID-19
Hàng loạt quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tăng tốc trong cuộc đua tìm ra vắcxin và thuốc đặc trị dành cho dịch bệnh COVID-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư