Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
TP.HCM dự kiến hoạt động lại một số chợ truyền thống đủ điều kiện phòng dịch
Thị Hồng - 18/07/2021 21:45
 
Trên địa bàn TP.HCM hiện có 191/237 chợ phải tạm ngưng hoạt động (bao gồm 3 chợ đầu mối). Dự kiến trong tuần tới (từ ngày 19/7), sẽ có khoảng 12 chợ sẽ được hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, tính đến ngày 17/7/2021, trên địa bàn Thành phố có 46/237 còn hoạt động.

191 tạm ngưng hoạt động bao gồm 3 chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống.

Có 3 chợ được khôi phục hoạt động sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) bao gồm chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ.

Ngoài ra, một số chợ tổ chức hoạt động với mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả (theo Công văn số 3481 của Sở Công Thương về hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ truyền thống để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố bao gồm chợ Phú Thọ) với 6 tiểu thương kinh doanh, chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.

Các địa phương dự kiến mở các điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả tại chợ (vào tuần sau), sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được duyệt gồm quận Bình Tân (1 chợ là chợ Kiến Thành); quận 5 (chợ Xã Tây); quận 6 (2 chợ: chợ Phú Định, chợ Minh Phụng); quận 8 (2 chợ: chợ Phú Lợi 1, chợ Phú Định); quận 10 (1 chợ: chợ Nhật Tảo); huyện Bình Chánh (2 chợ: chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A); huyện Hóc Môn (chợ Hóc Môn); huyện Nhà Bè (02 chợ: chợ Cầu Kinh, chợ Ấp 3).4. Mô hình bán hàng trực tuyến: Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông, Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ, Bùi Phát, chợ Phạm Văn Cội, chợ Tân Phong, chợ Phước Thạnh,...

Sở Công thương TP.HCM cho biết, Ban quản lý các chợ đã kết nối, triển khai đến các tiểu thương thực hiện duy trì việc cung ứng hàng hóa cho người dân bằng hình thức bán hàng qua điện thoại.

Tiểu thương cũng đăng ký với Ban quản lý thông tin tham gia bán hàng để Ban quản lý thiết lập băng rôn quảng bá ngay tại cổng chính chợ, treo thông tin xung quanh chợ, nơi người dân dễ nhận thấy nhất.

Ngoài ra, Ban quản lý chợ triển khai việc thông tin các nội dung liên quan đến tình hình chợ cho tiểu thương nắm, đồng thời phát huy hiệu quả trang Zalo và fanpage của chợ để thông tin cho người dân về việc tiểu thương bán hàng thông qua điện thoại nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân.

Hiện nay nhiều tiểu thương đã đăng ký tham gia việc bán hàng trên Zalo, Facebook và fanpage của chợ thể hiện đầy đủ số điện thoại, địa chỉ liên lạc khi người dân có nhu cầu. 

.
Người dân mua hàng hoá tại chợ Ngã Ba Bầu, Hóc Môn sáng 18/7 (Ảnh: Q.T).

Sáng nay 18/7/2021, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức cuộc họp trực tuyến với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phố phía Nam để bàn các giải pháp, phương án về nguồn hàng, phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn dân cư.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa đã bị đứt gãy, lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và ba miền gặp nhiều khó khăn.

Vẫn trên quan điểm cần mở lại chợ truyền thống, vì nếu chỉ trông chờ vào hệ thống siêu thị sẽ không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vào 3 điều kiện để chợ hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo đó, phải đảm bảo các chợ chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả, hàng hoá tươi sống và thuốc men phục vụ đời sống hàng ngày của người dân; thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như thực hiện 5k, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng... và thực hiện tiêm vắcxin cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.

“Chúng tôi rất cần các vùng sản xuất được bảo vệ, không thể để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà, gây khó khăn cho nguồn cung. Điều này dẫn đến việc giá cả gia tăng, như tại Tiền Giang, giá bầu đã lên 35.000đồng/kg”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói và kiến nghị các địa phương làm đúng công tác phòng, chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 16, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tăng cường 100% lực lượng để nắm bắt tình hình, phối hợp với lực lượng chức năng để bắt buôn lậu và các trường hợp găm hàng hóa.

Thời gian đầu, một số bà con ở chợ truyền thống nâng giá hàng, một số trường hợp mua hàng ở siêu thị để bán bên ngoài, Cục đã kịp thời nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con.

Đến nay, hoạt động nâng giá ở các siêu thị không còn. Hiện tại, rau củ quả ở siêu thị vẫn đảm bảo nguồn cung, giá cả không tăng so với ngày thường. 

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Thành phố cũng làm việc với các chợ truyền thống, các siêu thị, các cửa hàng để vận động cam kết không tăng giá, tạo mọi điều kiện cung ứng hàng hóa cho người dân.

TP.HCM yêu cầu tăng lượng thực phẩm chế biến sẵn ở các siêu thị
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn, hướng dẫn triển khai tăng các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhằm góp phần giải quyết khó khăn của một bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư