Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
TP.HCM gọi vốn Nhật Bản vào dự án chỉnh trang đô thị
Hồng Sơn - 11/03/2018 08:44
 
Các dự án chỉnh trang đô thị đang được chính quyền TP.HCM quyết liệt thực hiện, ưu tiên gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo nội dung của chương trình "Chỉnh trang và phát triển đô thị", tới năm 2025, TP.HCM sẽ quyết liệt thực hiện việc di dời và giải tỏa gần 20.000 hộ trên và ven sông rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị. Kế hoạch di dời sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn: giai đoạn từ 2015 - 2020 sẽ tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch; giai đoạn từ năm 2020 - 2025 sẽ hoàn thành việc di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân.

.
                                 .

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nhìn nhận, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhu cầu vốn khoảng 25.745 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách TP.HCM chỉ có 2.508 tỷ đồng, cần phải huy động hơn 23.000 tỷ đồng nữa mới đủ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ tại Hội thảo “Chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM” do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và Hiệp hội Các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái (J-CODE) vừa tổ chức, ông Keiji Kimura, Chủ tịch J-CODE cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tham gia các dự án chỉnh trang đô thị của TP.HCM. Hiệp hội này hiện có 57 thành viên, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý tài chính, quy hoạch phát triển và xây dựng hạ tầng đô thị.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khoảng 5 năm gần đây, một số quỹ đầu tưdoanh nghiệp Nhật Bản đã hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam dưới các hình thức mua cổ phần, góp vốn đầu tư, hoặc cho vay để phát triển các dự án bất động sản theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Có thể kể tới Tokyu đầu tư vào Hưng Thịnh Corporation, Becamex; Hankyu, Nishi Nippon Railways với Nam Long Corporation; Mitsubishi Corporation với Phúc Khang Corporation; ACA với Sơn Kim Land; Sanyo Home với Công ty Tiến Phát; Creed Group với Công ty An Gia...

“Tiềm năng hợp tác đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản Nhật Bản và Việt Nam rất lớn trong thời gian tới”, ông Châu nhìn nhận và cho biết, dịp này có khoảng 40 đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản sang Việt Nam.

Đại diện HoREA kỳ vọng, thời gian tới, sẽ có nhiều hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển các dự án bất động sản được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Các doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ trực tiếp đầu tư hoặc hợp tác với doanh nghiệp trong nước để đầu tư, triển khai dự án.

Trước đó, đầu tháng 2/2018, TP.HCM đã tổ chức một hội nghị nhằm mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị. Thông tin tại hội nghị này cho biết, nhu cầu đầu tư chung cho đầu tư phát triển kinh tế TP.HCM trong giai đoạn 2016-2020 là 1,8 triệu tỷ đồng; dành riêng cho phát triển hạ tầng là 0,18 triệu tỷ đồng. Trong đó, chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị là 1 trong 7 chương trình đột phá, trọng điểm của Thành phố.

Liên quan đến các dự án hạ tầng có sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản, mới đây, lãnh đạo TP.HCM cho biết, trong năm 2018, Thành phố sẽ tiếp tục ứng vốn ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng cho Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự án này đã ký kết được 3 hiệp định vay vốn với Nhật Bản với hơn 31.200 tỷ đồng, giải ngân được gần 12.000 tỷ đồng, đạt 38%. Đến nay, Dự án đã hoàn thành gần 50% khối lượng.

Gần đây, TP.HCM tiếp tục đề xuất Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a Bến Thành - Tân Kiên. Dự án có tổng đầu tư lên tới 2,2 tỷ USD, với chiều dài 19,8 km, trong đó 9,7 km đi ngầm, 10,1 km đi trên cao.

Quy hoạch đô thị TP.HCM: Hàng loạt dự án treo
Quy hoạch đô thị của TP.HCM hiện được coi là một bức tranh xám màu, khi trên địa bàn tồn tại những dự án khu đô thị bỏ hoang 20 năm; những dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư