Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM lên kế hoạch tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP
Trọng Tín - 19/04/2022 08:01
 
Để thực hiện chuyển đổi số, TP.HCM cần một cuộc cách mạng thật sự trong việc thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn.

Tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP

Theo Đề án Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do UBND TP.HCM vừa ban hành, Thành phố mong muốn đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% GRDP và chiếm 40% GRDP vào năm 2030; cải thiện các chỉ số sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm; thuộc 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số kinh tế số.

Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế TP.HCM sau đại dịch và tiến đến phát triển mạnh mẽ trong tương lai là đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đó là một trong những động lực tăng trưởng mới. Nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) chỉ ra, kinh tế số TP.HCM 2021 ước đạt 192.000 tỷ đồng (khoảng 8,3 tỷ USD), tương đương 14,41% GRDP của Thành phố.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, năm 2021 là năm thứ hai đại dịch bùng phát, nên kinh tế Thành phố đã giảm 6,78% so với năm trước. Tuy nhiên, nhờ các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến, dịch vụ Internet, viễn thông được tận dụng ở mức cao, nên ngành thông tin truyền thông tăng 6,08%. Năm 2022, TP.HCM đưa ra kế hoạch kinh tế số đóng góp 15% GRDP.

Cần quyết liệt hơn nữa

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số, TP.HCM cần một cuộc cách mạng thật sự trong việc thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn. Muốn chuyển đổi số thành công, cần bắt đầu từ những người đứng đầu Thành phố cùng với sự đồng lòng, ủng hộ tuyệt đối của các cấp.

“Cần xem chuyển đổi số là một mệnh lệnh theo kiểu ‘sống hoặc chết’ hoặc ‘vươn lên mạnh mẽ hay sụp đổ’. Thành phố cần chia chuyển đổi số thành nhiều mặt trận như doanh nghiệp, quản lý nhà nước, cơ quan Đảng và phục vụ người dân. Hãy giao cho từng nhóm công tác theo dõi, đôn đốc, chứ một sở, một ngành hoàn toàn không thể gánh vác hết sứ mạng này”, ông Long nói.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Cành, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GRDP, TP.HCM cần các chính sách, giải pháp tạo nguồn lực phát triển các trụ cột của kinh tế số. Trong đó, nhân lực là yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu. TP.HCM có thể đặt hàng các cơ sở đào tạo lực lượng lao động có trình độ và thích ứng khả năng nền tảng kỹ thuật số, cũng như đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên phát triển kinh tế số.

“Thành phố có thể có chính sách thu hút ‘tài năng’ thông qua chính sách cấp học bổng hoặc những khuyến khích quyền lợi vật chất, tinh thần hấp dẫn”, bà Cành nói.

Ngoài nhân lực, chính sách để phát triển cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia nhắc đến. Theo ông Lê Đặng Trung, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Real-Time Analytics (RTA), đối tác của Ngân hàng Thế giới trong Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số, cần có chính sách thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.

Ông Trung cho rằng, Việt Nam có thể học mô hình của Singapore trong triển khai chuyển đổi số. Theo đó, doanh nghiệp tự tìm mua giải pháp công nghệ, Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí. Từ hiệu quả của số hóa, chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể tăng năng suất, doanh thu và lợi nhuận, đóng thuế nhiều hơn để bù đắp phần ngân sách đã bỏ ra hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có quy định cụ thể trong việc ưu tiên sử dụng giải pháp công nghệ trong nước đối với lĩnh vực hành chính công để doanh nghiệp công nghệ nội địa phát triển.

Phó chủ tịch IFC phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Alfonso Garcia Mora gợi ý, các quan hệ đối tác công tư (PPP) có thể là một phương tiện mà qua đó Nhà nước có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức trong lĩnh vực viễn thông, cho phép mọi người tiếp cận các công nghệ mới nhất, tăng hiệu quả của thông tin liên lạc và giảm chi phí dịch vụ.

“IFC với tư cách là tổ chức phát triển lớn nhất làm việc với khu vực tư nhân, đang nghiên cứu vấn đề đó ở Jordan. Chúng tôi đã ký một thỏa thuận với Bộ Kinh tế Kỹ thuật số và Doanh nhân của Jordan, để thu hút khu vực tư nhân thông qua quan hệ đối tác công tư nhằm mở rộng và vận hành mạng Internet tốc độ cao, giúp tăng cường kết nối, cải thiện dịch vụ kỹ thuật số và tạo việc làm”, ông Alfonso Garcia Mora thông tin.

Đặc biệt, đầu tư công vào hạ tầng kết nối mạnh mẽ, đầu tư công và tư vào các dịch vụ tiên tiến hơn như trung tâm dữ liệu, 5G-Internet vạn vật, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được cấp độ tiếp theo của chuyển đổi kỹ thuật số và đạt được lợi thế cạnh tranh. “Điều này cũng sẽ giúp TP.HCM thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao”, ông Alfonso Garcia Mora nói.

Khai mạc Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022
Sáng 15/4, Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai” đã chính thức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư