Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
TP.HCM muốn xóa quy hoạch 3 khu công nghiệp “treo niêu dân”, đất bỏ hoang phí
Ngô Nguyên - 03/07/2021 23:30
 
TP.HCM có tới 3 KCN nhiều năm nay chưa có chủ đầu tư, chưa có chủ trương thu hồi đất, chưa triển khai các thủ tục và dự án không còn tính khả thi, khiến người dân khốn khổ.
TP.HCM cho rằng các KCN hiện hữu dần lấp đầy, nên cần bổ sung KCN mới Phạm Văn Hai vào quy hoạch
TP.HCM cho rằng các khu công nghiệp hiện hữu dần lấp đầy, nên cần bổ sung khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai vào quy hoạch.

Không ai... đầu tư

Tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan khẳng định, 3 dự án KCN Bàu Đưng, Phước Hiệp và Xuân Thới Thượng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư, chưa có chủ trương thu hồi đất, chưa triển khai các thủ tục về lập quy hoạch và dự án không còn tính khả thi.

Cụ thể, theo UBND TP.HCM, Dự án KCN Bàu Đưng (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) được phê duyệt quy hoạch năm 2008 với quy mô 175 ha. Ngày 3/5/2008, UBND TP.HCM đã có Công văn số 2742/UBND-CNN chấp thuận nguyên tắc giao Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư dự án này. Nhưng năm 2009, Vạn Phát Hưng đã có Công văn số 37/09/CV-VPH ngày 11/3/2009 về việc không tham gia đầu tư Dự án KCN Bàu Đưng và khu tái định cư. Hiện Dự án vẫn chưa có chủ đầu tư và chưa triển khai.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, việc bổ sung KCN mới Phạm Văn Hai 668 ha trên cơ sở đưa ra khỏi quy hoạch 3 KCN Phước Hiệp, Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng (có tổng diện tích 675 ha) chỉ thay đổi về số lượng KCN, mà không thay đổi về quy mô diện tích đất công nghiệp, đảm bảo giữ đúng quỹ đất KCN là 7.000 ha theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 188/2004/QĐ-TTg ngày 1/11/2004.

Đối với Dự án KCN Phước Hiệp (xã Trung Lập Hạ và xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi) được quy hoạch với diện tích 200 ha, từ tháng 1/2010, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 41221000248 cho Công ty cổ phần Đầu tư Ánh Sáng Chung để thực hiện Dự án. Tuy nhiên, 7 năm sau, chủ đầu tư vẫn không thực hiện Dự án, buộc Hepza phải ra Quyết định số 2353/QĐ-BQL ngày 24/7/2017 về việc chấm dứt hoạt động của Dự án.

Còn Dự án KCN Xuân Thới Thượng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) được quy hoạch với quy mô 300 ha và khu dân cư liền kề 80 ha. Sau phê duyệt quy hoạch, từ năm 2010, UBND TP.HCM có Công văn số 3785/UBND-ĐTMT ngày 9/8/2010 chấp thuận chủ trương giao Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại D.I.C làm chủ đầu tư, lập đồ án. Tới ngày 13/10/2010, UBND huyện Hóc Môn đã tổ chức giao ranh đất trên bản đồ cho D.I.C để làm cơ sở lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và triển khai các bước tiếp theo của Dự án.

Ngày 3/6/2013, D.I.C có Văn bản số 393/CV-DIC cam kết đến tháng 6/2014 sẽ thực hiện xong quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và hoàn thành đền bù trong năm 2015. Nhưng đến hạn này, do Công ty không thực hiện đúng cam kết, UBND huyện Hóc Môn phải ra Công văn số 4369/UBND ngày 1/12/2015 và Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 488/TNMT- QLSDĐ ngày 18/1/2016 đề nghị UBND TP.HCM thu hồi văn bản chấp thuận chủ trương dự án do D.I.C thực hiện.

Kết cục tới giờ này, Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 Dự án KCN Xuân Thới Thượng vẫn chưa thực hiện, chưa có chủ đầu tư, cũng như chưa triển khai.

Hàng ngàn hộ dân “treo niêu”, đất vàng hoang phí

Tại Dự án KCN Bàu Đưng hiện có khoảng 150 căn nhà, một trại bò, một công ty, còn lại là đất nông nghiệp trồng cao su, cỏ chăn nuôi bò, cây công nghiệp ngắn ngày. Các khu đất này thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng và một phần đất của Công ty TNHH một thành viên Bò sữa TP.HCM (khoảng 17 ha).

Còn tại Dự án KCN Phước Hiệp có khoảng 235 căn nhà, còn lại là đất trồng lúa, đất trồng cỏ nuôi bò, trồng trúc, đất nuôi trồng thủy sản, trồng lan, cây cao su, cây ăn trái. Tại Dự án KCN Xuân Thới Thượng, có khoảng 2.216 hộ dân, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng đất và công trình; trên đất có khoảng 871 căn nhà (nhà xưởng, nhà tôn và nhà lá), bao gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (làm nhà ở); có nhà ở (kiên cố và tạm), nhà xưởng, hoa màu và đồng cỏ.

“Các dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân tại khu vực dự án, khi hạ tầng bị xuống cấp, không được đầu tư, việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa hoặc cho tặng, sang nhượng đất không thể thực hiện, cùng hàng loạt bất cập khác về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh đối với người dân sống trong các dự án treo này”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định.

Cần lưu ý, từ tháng 6/2016, cả 4 cơ quan liên quan của TP.HCM gồm UBND huyện Hóc Môn, UBND huyện Củ Chi, Hepza và Sở Quy hoạch và Kiến trúc đều thống nhất đề nghị UBND TP.HCM xóa quy hoạch 3 KCN này. Trong đó, UBND huyện Hóc Môn cho rằng, Dự án KCN Xuân Thới Thượng đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến chăn nuôi, trồng trọt, đời sống kinh tế của nhân dân trong khu vực dự án, dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài…

Trong khi đó, UBND huyện Củ Chi khẳng định,  KCN Phước Hiệp và KCN Bàu Đưng không thực hiện dự án, làm người dân bất an, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, người dân không thể xây dựng, canh tác hay chuyển nhượng. Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM thì nhận thấy, hiện quy hoạch 3 KCN nói trên không khả thi.

Tới năm 2020, trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/5/2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề nghị Chính phủ cho phép xóa quy hoạch 3 dự án KCN nêu trên. Bởi đây là những dự án quy hoạch treo do vị trí địa lý không thuận lợi, không kêu gọi được chủ đầu tư hạ tầng. Quy hoạch các dự án trên kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và quyền lợi chính đáng của người dân.

Tại buổi làm việc trên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng ý với đề xuất của TP.HCM và hướng dẫn Thành phố căn cứ Nghị định 82/2018/NĐ-CP để xử lý, không để kéo dài thêm, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Trên cơ sở đó, tại Tờ trình số 2108/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch đối với 3 dự án KCN trên.

Bổ sung quy hoạch một khu công nghiệp mới

Song song với kiến nghị xóa 3 KCN treo, UBND TP.HCM đề nghị bổ sung KCN mới Phạm Văn Hai vào quy hoạch. Theo UBND TP.HCM, quỹ đất thu hút đầu tư tại các khu chế xuất, KCN của Thành phố ngày càng thu hẹp, các KCN hiện hữu dần lấp đầy, các KCN mới và mở rộng chậm triển khai.

Trong khi đó, vấn đề quỹ đất để phát triển công nghiệp của TP.HCM khó có thể tháo gỡ trong thời gian ngắn do các yếu tố liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, các vướng mắc về pháp lý, giá cho thuê đất…, sẽ tác động không nhỏ đến định hướng và kết quả thu hút đầu tư.

Do đó, việc bổ sung quy hoạch phát triển KCN TP.HCM các KCN có tính cấp bách, có khả năng triển khai nhanh và thu hút đầu tư tốt, kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch các KCN nằm trong quy hoạch nhiều năm nhưng chưa được triển khai, theo UBND TP.HCM là cần thiết.

Trong thời gian qua, UBND TP.HCM đã nghiên cứu, tìm kiếm các địa điểm và xác định khu đất có quy mô diện tích khoảng 668 ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh có thể quy hoạch xây dựng một KCN mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Đây là đất nông nghiệp do Công ty TNHH một thành viên Cây trồng TP.HCM quản lý, sử dụng, nhưng cho hiệu quả kinh tế thấp, do đất bị nhiễm phèn nặng, luôn bị xâm nhập mặn và ô nhiễm bởi nguồn nước thải từ khu dân cư xung quanh. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ phát triển nông nghiệp không hiệu quả sang phát triển công nghiệp tập trung tại khu vực này là phù hợp với điều kiện tự nhiên, sử dụng hiệu quả quỹ đất của Thành phố bằng việc nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực.

Mặt khác, khu vực quy hoạch dự án có vị trí liền kề gần 10 KCN, cụm công nghiệp đang hoạt động, như KCN An Hạ, Lê Minh Xuân 3, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân 2... sẽ là nền tảng, động lực phát triển của dự án. Tất cả đều có thể kết nối đến dự án quy hoạch với hệ thống giao thông hiện hữu, như đường Thanh Niên, đường An Hạ, đường Nguyễn Văn Bứa, đường Trần Văn Giàu và kết nối ra Quốc lộ 22, Quốc lộ 1A, tạo thuận lợi trong liên kết giao thương và đi lại của doanh nghiệp, người dân, người lao động.

Theo UBND TP.HCM, Thành phố đã tham khảo ý kiến các bộ, ngành về việc này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4236/BKHĐT-QLKKT ngày 20/6/2019 về điều chỉnh quy hoạch và cập nhật danh mục KCN TP.HCM, trong đó đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu bổ sung KCN tại xã Phạm Văn Hai trong nội dung quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch, yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về triển khai thi hành Luật Quy hoạch.

Còn Bộ Xây dựng đã tổng hợp ý kiến của các bộ liên quan và có Công văn số 2486/BXD-QHKT ngày 25/5/2020 trả lời UBND TP.HCM với nội dung: “Đề nghị UBND TP.HCM thực hiện theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…, tổ chức lập quy hoạch xây dụng KCN mới tại xã Phạm Văn Hai theo quy định pháp luật về xây dựng”.

Với ý kiến của các bộ, ngành nêu trên, UBND TP.HCM cho rằng, việc bổ sung KCN Phạm Văn Hai vào quy hoạch phát triển các KCN TP.HCM đã được các bộ, ngành hướng dẫn thủ tục pháp lý để thực hiện. Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho bổ sung KCN mới Phạm Văn Hai 668 ha.

Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp - Bài 1: Phải ngừng thu hút đầu tư vì tiền thuê đất chưa tính được
Khu công nghiệp Hiệp Phước phải ngưng thu hút đầu tư trên diện tích 200 ha vì cơ quan chức năng chưa duyệt hình thức thuê đất thay đổi, chưa xác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư