Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM: Siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
Việt Dũng - 20/06/2021 11:53
 
Từ hôm nay (20/6), TP.HCM siết chặt và tăng cường các biện pháp trọng tâm để phòng, chống dịch Covid-19 để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh,

Tạm dừng thêm nhiều hoạt động

Tối muộn ngày 19/6, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về phòng chống Covid-19 trên địa bản. Theo đó, từ hôm nay (20/6), Thành phố sẽ tạm dừng thêm nhiều hoạt động để tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, TP.HCM sẽ dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát; dừng hoạt động của taxi, xe công nghệ, xe liên tỉnh và các tuyến xe buýt.

UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống trên địa bàn; tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

TP.HCM sẽ dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát
TP.HCM sẽ dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát


Không tụ tập trên 03 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế. Yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cá nhân, tổ chức. Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận - huyện chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý.

Yêu cầu mọi người ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.

UBND Thành phố kêu gọi toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình.

Đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân Thành phố và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1.5 mét, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo thông thoáng thường xuyên và có văn bản cam kết tuân thủ phòng, chống dịch. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị, cơ sở mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo yêu cầu về giãn cách trong quy trình làm việc; các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

UBND Thành phố cũng yêu cầu dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức, các sự kiện, cuộc họp không quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt được chính quyền địa phương cho phép và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K.

Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước phải tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Số lượng người làm việc tại công sở không quá 1/2 tổng số người lao động; riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số.

Đồng thời, đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị quyết định). Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu không hoàn thành nhiệm vụ công tác và chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lấy nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Về hoạt động giao thông vận tải, tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa), hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân theo chỉ đạo của UBND TP. Các trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất vẫn hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Người dân không nên lo lắng tích trữ hàng hóa

Liên quan đến vấn đề cung ứng hàng hoá, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở đã nhận được thông tin về việc người dân đổ xô mua sắm, tích trữ hàng hóa trong những ngày gần đây và nhận định, đây là tâm lý chung của người dân.

Sở Công thương đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẽ được cung cấp đầy đủ cho người tiêu dùng trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giá cả tăng đột biến hay thiếu hàng hoá trên diện rộng. Do đó, người dân không nên tích trữ hàng hóa, tránh tình trạng tập trung đông tại một số điểm phân phối.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương, trong thời điểm công tác chống dịch diễn ra nghiêm ngặt hơn, Sở đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, có phương án dự trữ, phân phối hàng hoá phù hợp. Cụ thể, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức họp với Sở Công thương 22 tỉnh thành, thống nhất thiết lập đường dây nóng. Từ đó, các địa phương có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc nắm tình hình thị trường, tình hình sản xuất, cung cấp hàng hoá cũng như xử lý các vấn đề phát sinh.

Về vấn đề vận chuyển hàng hoá, Sở Công thương khẳng định, việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh hiện đang thuận lợi. Tại TPHCM, Sở đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải, xây dựng phương án ưu tiên để các xe lưu thông hàng hoá 24/24. Các doanh nghiệp có thể liên hệ với Sở Giao thông Vận tải để nhận giấy chứng nhận lưu thông trên tất cả các tuyến đường tại TPHCM.

Thông tin thêm với báo chí, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở Công thương đang phối hợp với FPT và Thành đoàn xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác bán hàng trực tuyến, sắp tới sẽ triển khai đến các địa phương.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 18 giờ ngày 18/6 đến 6 giờ ngày 20/6, TP.HCM ghi nhận thêm 46 trường hợp nhiễm mới (BN12933-BN12978) bao gồm: 41 ca là các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân đã được cách ly, 5 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Riêng 5 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc đang điều tra dịch tễ phân bố tại: quận 8 (01), quận 12 (01), Bình Tân (02), TP Thủ Đức (01).
Hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng thần tốc tại TP.HCM
Ngày 19/6/2021, tại Sân vận động Quân khu 7 đã diễn ra Lễ xuất quân tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 thần tốc của TP.HCM của Hệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư