Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM thu 1.076 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển sau 4 tháng
Lê Quân - 30/08/2022 15:43
 
Sau 4 tháng thu phí hạ tầng cảng biển, TP.HCM đã thu được hơn 1.076 tỷ đồng, số vốn này sẽ được bổ sung để xây dựng 11 dự án kết nối hạ tầng vào các cảng biển.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về kết quả thu phí hạ tầng cảng biển và kế hoạch đầu tư xây dựng các tuyến đường vào cảng biển trên địa bàn Thành phố bằng nguồn tiền thu phí.

Về kết quả thu phí, từ ngày 1/4/2022 đến 18/8/2022, tổng số phí thu được là hơn 1.076 tỷ đồng. Từ ngày 1-8/2022, mức phí được điều chỉnh theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM không nhận được ý kiến phản ánh nào của doanh nghiệp về mức phí cao hay đề xuất miễn giảm phí như trước đây.

Số phí thu được sẽ đầu tư hạ tầng kết nối đến cảng biển - Ảnh:Lê Quân
Dự kiến đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM đạt khoảng 16.000 tỷ đồng - Ảnh:Lê Quân

Từ số phí thu được, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM bổ sung vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 11 dự án kết nối hạ tầng khu vực cảng biển với tổng số vốn gần 30.600 tỷ đồng để trình HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp sắp tới.

Trong số 11 dự án đề xuất bổ sung vốn có 6 dự án chuẩn bị đầu tư; 4 dự án đề xuất mới và một dự án đã có quyết định đầu tư. Đây đều là các dự án có số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Trong 6 dự án chuẩn bị đầu tư thì có 3 đoạn thuộc đường Vành đai 2 gồm: đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội với tổng mức đầu tư 8.591 tỷ đồng; đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng tổng mức đầu tư 8.458 tỷ đồng; đoạn từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh, mức đầu tư 9.240 tỷ đồng.

Ba dự án khác kết nối đến cảng biển chuẩn bị đầu tư gồm: xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến đường vành đai đông đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (1.219 tỷ đồng); xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (578 tỷ đồng); xây cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỷ đồng).

4 dự án đề xuất mới gồm: mở rộng đường vành đai đông (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy) từ 6 làn lên 12 làn; mở rộng trục đường Bắc Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm) từ 4 làn lên 10 làn; nâng cấp cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1.

Dự án duy nhất đã có quyết định đầu tư là dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ đường Vành đai 2 đến Khu công nghiệp Phú Hữu (Thành phố Thủ Đức) tổng vốn khoảng 1.630 tỷ đồng.

Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM dự kiến đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình hạ tầng giao thông xung quanh cảng.

TP.HCM chính thức thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4/2022. Ngay sau khi thực hiện rất nhiều doanh nghiệp đã phản ánh mức thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM quá cao. Ngoài ra, thời điểm thu phí cũng không phù hợp khi doanh nghiệp vừa “kiệt sức” sau đại dịch Covid-19, việc thu phí hạ tầng cảng biển làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch.

Đến ngày 1/8/2022, HĐND TP.HCM đã ban hành nghị quyết sửa đổi, giảm mức phí hạ tầng cảng biển cho doanh nghiệp.  

VietinBank triển khai thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM
Từ tháng 4/2022, VietinBank phối hợp với Cảng vụ Đường thủy Nội địa TP.HCM tiên phong triển khai thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư