Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
TPP là câu chuyện của từng doanh nghiệp, mọi người dân
Mạnh Bôn - 12/07/2015 09:26
 
TS. Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, đừng để nước đến chân mới nhảy.
.
TS. Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội 

Ông có hy vọng TPP sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay?

Khác với các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác, phạm vi điều chỉnh của TPP rất rộng và rất sâu. Vì vậy, tiến trình đàm phán diễn ra thận trọng, đặc biệt là phía Hoa Kỳ. Nếu 11 thành viên còn lại không đàm phán được với nền kinh tế lớn nhất thế giới này, thì TPP khó có thể ký kết được. Tuy nhiên, cuối cùng mọi việc đã diễn ra suôn sẻ, khi mới đây Hạ viện Hoa Kỳ đã đồng ý trao TPA cho Tổng thống Barack Obama, sau khi Thượng viện chấp thuận trao quyền này cho người đứng đầu Nhà trắng.

Ông có thể nói rõ hơn về TPA được không?

TPA hiểu một cách nôm na là cơ quan hành pháp - Tổng thống ở Nhà trắng là nguời đứng đầu chủ động tiến hành đàm phán các nội dung, điều khoản và cam kết với 11 đối tác khác. Sau khi hoàn tất quá trình đàm phán, lưỡng viện Quốc hội Mỹ là cơ quan lập pháp chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các điều khoản mà Nhà trắng đã đồng ý.

TPA là công cụ tạo động lực rất lớn cho Tổng thống đẩy mạnh tiến trình đàm phán TPP, nên các thành viên tham gia đàm phán TPP hoàn toàn có hy vọng là, những gì họ thỏa thuận trong hiệp định này chắc chắn sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, bảo đảm thành công của TPP. Vì thế, theo tôi, không chỉ Chính phủ, các bộ ngành, mà bản thân các hiệp hội doanh nghiệp và từng doanh nghiệp phải chủ động, tích cực và đẩy mạnh hơn nữa công tác chuẩn bị để đón đầu, tận dụng cơ hội mà TPP mang lại, cũng như giảm thiểu thiệt hại khi tham gia sân chơi có ảnh hưởng tới 40% kinh tế toàn cầu hình thành.

Vậy là “nước đã đến chân”, theo ông, Việt Nam có thực sự chủ động trong đàm phán và đã sẵn sàng với TPP chưa?

Trong bối cảnh thế giới càng ngày càng “phẳng hơn” thì câu chuyện hội nhập không phải là câu chuyện của Chính phủ, của cơ quan quản lý nhà nước, của quốc gia, mà là câu chuyện của từng doanh nghiệp cũng như mọi người dân.

Ở cấp trung ương, tôi nhận thấy, Chính phủ và các bộ, ngành rất chủ động trong đàm phán, quyết tâm xử lý những vấn đề khó để đưa nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn với kinh tế thế giới. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ cũng đồng thời đứng đầu Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, đã chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam; đồng thời, tổ chức tuyên truyền cơ hội, thách thức khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại, đầu tư, đặc biệt là TPP.

Nhưng dường như cộng đồng doanh nghiệp vẫn dửng dưng trước cơ hội TPP được ký kết, thưa ông?

Khoảng 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn liếng có hạn, nên khả năng lo cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong tương lai khi TPP được hình thành còn hạn chế. Còn các doanh nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn, tổng công ty, chắc chắn đã có tính toán, cân nhắc thiệt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi TPP được hình thành.

Tôi cho rằng, Nhà nước phải có chương trình, chính sách nâng cao nhận thức, hiểu rõ những quy tắc, luật chơi, cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP. Bởi chỉ có hiểu luật chơi, nguyên tắc chơi thì doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới chuẩn bị được những sản phẩm có lợi thế so sánh để sẵn sàng cạnh tranh.

Theo ông, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là những sản phẩm gì?

Việt Nam cơ bản vẫn là nước nông nghiệp, nên theo tôi, doanh nghiệp nên đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thì mới có cơ hội chen chân vào thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, câu chuyện “quả vải” xuất khẩu vào các thị trường thuộc diện TPP như Hoa Kỳ, Australia hay Nhật Bản gặp lúng túng, khó cạnh tranh thời gian qua cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm. Trong đó, rất cần bàn tay “bà đỡ” của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài để hàng Việt Nam chất lượng cao đến được hơn với bạn bè quốc tế.

WTO: TPP sẽ tác động tích cực đến đàm phán thương mại toàn cầu
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo nhận định một khi được ký kết, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư