Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Trà Vinh duy trì Chỉ số xanh hiệu quả, bền vững
Huy Tự - 30/09/2023 14:19
 
Vượt qua nhiều thách thức và biến động khó lường 9 tháng qua, kinh tế Trà Vinh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng ở một số lĩnh vực có thế mạnh. Đặc biệt, tỉnh triển khai nhiều giải pháp để duy trì Chỉ số xanh (PGI) theo hướng hiệu quả, chất lượng và bền vững.
Điện gió Duyên Hải 2 (Trà Vinh) của Tập đoàn Trung Nam 	Ảnh: Nguyễn Châu
Điện gió Duyên Hải 2 (Trà Vinh) của Tập đoàn Trung Nam.  Ảnh: Nguyễn Châu

Quyết tâm tăng trưởng xanh

Năm 2022, Trà Vinh là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số PGI cấp tỉnh, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xếp hạng năm đầu tiên.

Để duy trì kết quả đạt được trong những năm tiếp theo, từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh và chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đã định hướng triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, với việc ban hành kế hoạch duy trì, giữ vững xếp hạng Chỉ số PGI, khuyến khích các sở, ngành, địa phương vào cuộc nâng cao Chỉ số PGI.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng của năm 2023, toàn tỉnh cấp đăng ký kinh doanh cho 365 doanh nghiệp, đạt 70,19% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, Trà Vinh có 4.543 doanh nghiệp, tổng vốn 62.559 tỷ đồng, với gần 93.000 lao động, trong đó có 44 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). So với cùng kỳ năm 2022, số thành lập mới tăng 33 doanh nghiệp; đăng ký qua mạng đạt 99,9%; vốn bình quân 8,24 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Trong phát triển doanh nghiệp, quan điểm xuyên suốt của tỉnh là vừa đạt về số lượng, vừa quan tâm thực hiện nội dung Quyết định số 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về nhiệm vụ giải pháp nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, kiểm soát, quản lý chặt chẽ môi trường trong nhà xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu dân cư, làm cơ sở để các sở, ngành, địa phương trong tỉnh có những động thái tích cực, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng cơ chế để liên kết, tạo chuỗi hoạt động cùng phát triển. Quan tâm đến các cơ chế giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận tài chính để áp dụng thực hiện mô hình xanh, phấn đấu đạt kế hoạch vào giữa nhiệm kỳ, tạo tiền đề và động lực để hoàn thành vượt chỉ tiêu các nhiệm vụ về kinh tế của nửa nhiệm kỳ còn lại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Tỉnh rất quan tâm xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chọn các dự án đầu tư thân thiện với môi trường. Hiện Trà Vinh đang triển khai thi công Dự án Nhà máy hydro xanh Trà Vinh (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải), vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen làm chủ đầu tư. Nhà máy sản xuất Hydro xanh đi vào vận hành sẽ giải quyết đầu ra cho lượng điện năng dư thừa của các nhà máy sản xuất điện gió, điện mặt trời trong và ngoài tỉnh, đưa Trà Vinh trở thành một trong những trung tâm năng lượng xanh của vùng, là một minh chứng cho thành công bước đầu về thu hút đầu tư tăng trưởng xanh của địa phương.

Hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trước khi vận hành đều thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Tỉnh đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính để cùng Chính phủ đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050, với nhiều giải pháp triển khai như: chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy tiềm năng kinh tế biển và thế mạnh về nông nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, phát triển công nghiệp chế biến theo quy trình sản xuất sạch và thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Điển hình là Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự án SME Trà Vinh) đã và đang đồng hành cùng tỉnh để triển khai các chính sách phát triển chuỗi giá trị dừa hữu cơ; khuyến khích và hỗ trợ phát triển các ý tưởng sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường; hỗ trợ xây dựng và triển khai các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh nhằm thu hút đầu tư theo hướng bền vững.

Xây dựng nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh đã khởi động Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), để tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là tiền đề quan trọng góp phần giảm thiểu các tác động xấu về môi trường, phát triển kinh tế nông nghiệp theo Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược quốc gia ứng với phó với BĐKH, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường. 

Theo ông Giang, điểm sáng trong thực thi nhiệm vụ hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường thích ứng với BĐKH thời gian qua chính là Trà Vinh đề ra mục tiêu và các giải pháp phù hợp thực tế của ngành nhằm giữ vững thành quả đạt được về PGI, nhất quán trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện giữa lãnh đạo tỉnh đến cơ sở. Sâu sát, cầu thị, có trách nhiệm trước các phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp đối với hạn chế của các cơ quan, ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách. Đồng thời, tập trung chú trọng vào các nhiệm vụ, lĩnh vực hoạch định chiến lược phát triển ngành nông nghiệp phù hợp, từng bước thích ứng với BĐKH. 

Đầu tháng 7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh. Đây là hành động tích cực nhằm thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, nhằm thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh tại địa phương. Chuyển đổi năng lượng xanh góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giúp hoạt động lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế trình độ tiên tiến.

UBND tỉnh Trà Vinh xác định nhiệm vụ và gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh với chính quyền cơ sở trong nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng xanh, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao của các sở, ban, ngành với lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong quá trình thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch.

Tỉnh cũng đề ra những mục tiêu tổng quát và cụ thể trong lộ trình chuyển năng lượng xanh về đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, giao thông đô thị. Đồng thời, giao nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách, quy hoạch từng ngành.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn khẳng định, Chỉ số PGI tiếp tục là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trà Vinh sẽ tích cực cùng với cả nước thực hiện “cuộc đua xanh” hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không với những định hướng hành động của cộng đồng doanh nghiệp, phát triển nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có Chỉ số PGI cao, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm, bảo vệ sinh thái, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ cảnh quan môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Khẩn trương khởi công cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh và Sóc Trăng

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, có điểm đầu giao Quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh), điểm cuối giao Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Toàn tuyến dự án cầu Đại Ngãi có chiều dài trên 15 km, 5 nút giao, 7 cầu; trong đó có 2 cầu vượt chính là cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2. Tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Dự án sẽ khởi công vào giữa tháng 10/2023 và đưa vào vận hành vào năm 2026. Khi hoàn thành sẽ giúp nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TP.HCM, giảm thời gian đi lại, mở rộng giao thương, rút ngắn khoảng 80 km so với tuyến Quốc lộ 1 khi đi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM. Đồng thời, giúp tăng khả năng đảm bảo an ninh - quốc phòng cho các tỉnh ven biển phía Nam vùng ĐBSCL.

Hiện UBND tỉnh Trà Vinh đã tổ chức lễ bàn giao cơ bản mặt bằng tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng (đoạn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh) cho Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông - Vận tải).

Theo lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, đây là sự nỗ lực quyết tâm rất lớn từ nhiều phía, trước hết đó là sự đồng thuận cao của người dân có đất và tài sản nằm trong phạm vi thực hiện dự án đã nhanh chóng chấp hành tốt chủ trương giải phóng mặt bằng của Nhà nước; sự nỗ lực của tập thể Trung tâm Phát triển quỹ đất và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, UBND 2 huyện Tiểu Cần, Trà Cú, UBND 2 xã Hùng Hòa và An Quảng Hữu, nhằm sớm bàn giao mặt bằng thông thoáng để chủ đầu tư triển khai khởi công và thi công đúng tiến độ đề ra. Đến nay đã hoàn thành kiểm kê, kiểm đếm và phê duyệt đền bù cho 347/347 hộ, giá trị trên 190 tỷ đồng và đã chi trả cơ bản xong cho 347 hộ.

Trà Vinh thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số
Tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền điện tử,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư