Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Trái cây Việt Nam dần chiếm lĩnh thị trường thế giới, tính phương án phát triển bền vững
Nhung Bùi - 07/12/2024 10:40
 
Từ lần đầu tiên mang về kim ngạch tỷ USD vào năm 2013, đến nay, trái cây Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Khẳng định vị thế ngành rau quả Việt Nam

Ngành rau quả của Việt Nam đang khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta 11 tháng năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023… Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài.

Đồ họa: Nhung Bùi.

Hiện Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang hơn 60 quốc gia và vùng lãng thổ, gồm một số thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia.

Dự kiến, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 có thể đạt tới 7,2 tỷ USD; trong đó riêng xuất khẩu sản phẩm các loại quả có thể đạt tới trên 6,5 USD.

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật cho thấy trong năm 2025, Việt Nam nhiều khả năng sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang Mỹ. Cùng với đó, ổi, chanh và mít đã được Cục Bảo vệ thực vật gửi hồ sơ mở cửa thị trường cho phía bạn. Ngoài ra, quả vải cũng đang hoàn tất hồ sơ để sang Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ rằng thị trường quốc tế có nhu cầu lớn về khối lượng và đa dạng về chủng loại với các loại rau quả có nguồn gốc của Việt Nam. Ví dụ: Trung Quốc nhập sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, vải… Mỹ nhập dưa bao tử, thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa…

“Hiện nay, những thách thức đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam gồm: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị, khó khăn áp dụng công nghệ, thiếu vốn và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh, hệ thống bảo quản đạt chuẩn còn yếu…”, ông Nguyễn Thanh Tùng nói thêm, đồng thời nhấn mạnh các nước nhập khẩu rau quả có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, SGS, HACCP…

Phát triển bền vững thay vì tăng trưởng “nóng”

Tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc” tổ chức chiều ngày 7/12, nhiều biện pháp đã được thảo luận để đẩy mạnh phát triển ngành rau quả Việt Nam theo hướng bền vững.

Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc". Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trần Văn Chiến, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật) nhấn mạnh vào tính tuân thủ đối với từng thị trường xuất khẩu.

Theo đó, có 6 thị trường chính đã mở cửa cho cây ăn quả Việt Nam, nhiều nhất là Trung Quốc, tiếp theo là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Quy định chung về kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm ở thị trường xuất khẩu gồm: Phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu; Không nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm; Đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô hàng xuất khẩu; Đóng gói, dán nhãn đáp ứng yêu cầu của các thị trường; Kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cảng đến.

Ngoài ra, mỗi thị trường lại có yêu cầu riêng. Chẳng hạn, với thị trường chủ lực là Trung Quốc, trái cây xuất khẩu chỉ được đi qua một số cửa khẩu đã chỉ định. Cùng với đó, bao bì đóng gói phải sạch sẽ, chưa qua sử dụng. Mỗi hộp đóng gói phải được dán bằng chữ tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh theo quy định.

Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đề xuất bên cạnh thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước cần hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả.

Trong giai đoạn hiện nay, các kênh thương mại điện tử, tiêu biểu là hình thức livestream nên được tận dụng để phát huy hiệu quả.

Ông Hoàng Văn Dự, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, cho biết việc bán nông sản qua livestream giúp người mua chỉ cần thông qua online là mua được sản phẩm tốt, không cần đến tận nơi sản xuất.

Ông Dự cũng đề xuất cần tổ chức những buổi chia sẻ kiến thức, giúp người dùng phân biệt nông sản thật, giả. Lấy ví dụ về chương trình cam Cao Phong ở Hà Nội, nhiều lần ông phát hiện có những nơi đề biển “cam Cao Phong”, nhưng giá chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg và cho rằng “đây có khả năng là hàng giả”, bởi giá cam Cao Phong ngay tại vườn đã ít nhất 50.000 đồng/kg.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư