Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 10 năm 2024,
Trải nghiệm du lịch nông thôn cùng đồng bào Pà Thẻn
Hạnh Phúc - 05/11/2023 08:08
 
Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang đang nỗ lực gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình để phát triển loại hình du lịch nông thôn hấp dẫn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các cô gái Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) dệt thổ cẩm truyền thống
Các cô gái Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) dệt thổ cẩm truyền thống.

Lễ hội nhảy lửa thiêng liêng

Người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) hiện có 94 hộ với khoảng 500 nhân khẩu. Một trong những nét văn hóa đặc sắc được đồng bào Pà Thẻn lưu giữ là lễ hội nhảy lửa thiêng liêng, huyền bí. Đồng bào dân tộc Pà Thẻn quan niệm, ngọn lửa tượng trưng cho sự sống, ấm no, hạnh phúc và không thể thiếu trong đời sống, vì vậy, lễ hội nhảy lửa thường được tổ chức vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới, hoặc khi vào vụ thu hoạch lúa mùa (tháng 10, tháng 11 âm lịch) hàng năm.

Theo ông Húng Văn Hín, một người dân thôn Thượng Minh, lễ vật để cúng trong lễ nhảy lửa rất đơn giản, chỉ cần một bát hương, một con gà luộc, mười chén rượu trắng và những cây củi trên rừng để đốt thành đống than đỏ hồng. Phần lễ cúng kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, bắt đầu là cúng thổ công, thổ địa để xin phép nhảy lửa, rồi khoảng 10 thanh niên khỏe mạnh nhảy vào ngọn lửa đang cháy và đống than hồng bằng đôi chân trần.

Năm 2013, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đây cũng là điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với xã Hồng Quang nói riêng và huyện Lâm Bình nói chung. Lễ hội nhảy lửa giờ đây còn được người Pà Thẻn tái hiện thường xuyên để hấp dẫn du khách và tăng trải nghiệm khác biệt cho du lịch nông thôn của địa phương.

Đồng bào Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh (huyện Lâm Bình) đang tạo ra các giá trị mới trên nền tảng văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Tuyên Quang thân thiện, biến nơi đây trở thành “Nơi đáng sống, chốn quay về”.

Đến thôn Thượng Minh, du khách còn được ngắm nhìn các cô gái Pà Thẻn trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm. Trang phục truyền thống người Pà Thẻn có những nét rất riêng, có giá trị thẩm mỹ cao, được thể hiện bởi sự kết hợp nhiều màu sắc và những nét hoa văn độc đáo, nhiều kiểu dáng khác nhau.

Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục, kết hợp với vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng... tạo nên bộ trang phục hài hòa, có sự tương phản giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Những bộ trang phục rực rỡ kết hợp với ánh bạc của đồ trang sức như vòng bạc, cặp ba lá, khăn vấn đầu làm cho khuôn mặt người phụ nữ Pà Thẻn thêm rạng rỡ.

Bà Sìn Thị Nghiệp, thôn Thượng Minh cho biết, theo phong tục người Pà Thẻn, trước khi cưới, người con gái phải tự tay dệt cho mình bộ váy áo mới mặc trong ngày cưới. Vì vậy, ngay từ khi còn bé (khoảng 5, 6 tuổi), các bé gái đã được bà và mẹ dạy cách dệt, thêu trang phục. Mỗi năm, một cô gái phải tự tay thêu 1-2 bộ quần áo để diện trong ngày Tết và để sau này về nhà chồng.

Có lẽ vì vậy mà phụ nữ Pà Thẻn ở Hồng Quang hầu như ai cũng biết dệt vải và may quần áo. Trang phục phụ nữ Pà Thẻn được làm khá kỳ công. Để hoàn thành 1 bộ váy áo phải mất 3 tháng dệt vải, nhuộm, khâu bằng tay, sau đó thêu trang trí thêm các họa tiết. Những thành phần cơ bản của bộ trang phục gồm váy, áo, khăn đội đầu xếp nhiều lớp, thắt lưng. Màu sắc chủ đạo của trang phục là đỏ, đen và trắng. Yếm có hình vuông, thêu hoa văn màu đỏ, vàng, xen lẫn những đường kẻ trắng tôn thêm vẻ sặc sỡ của thân áo ngoài. Còn những tấm váy xòe cầu kỳ và độc đáo cuốn hút sự chú ý của nhiều người. Bộ trang phục truyền thống của đồng bào được mặc vào những dịp quan trọng như tết, lễ cưới, ngày hội văn hóa dân tộc, đi chợ phiên…

Ngoài trang phục truyền thống kết hợp với hiện đại, phụ nữ Pà Thẻn còn thêu, dệt các sản phẩm đa dạng, phong phú để phục vụ kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập như khăn đội, trang phục, chăn thêu, vỏ gối, các loại túi, ví…

Nơi đáng sống, chốn quay về

Việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cùng lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa, mà còn tạo điều kiện tích cực cho huyện Lâm Bình phát triển du lịch cũng như tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Ông Húng Văn Hín cho biết: “Nhờ phát triển nghi lễ nhảy lửa, cuộc sống của bà con nhộn nhịp hơn hẳn. Một số đoàn khách du lịch đã đến thôn Thượng Minh thuê homestay để chụp ảnh, xem nhảy lửa, trải nghiệm dệt thổ cẩm, trải nghiệm làm nông cùng bà con, ra suối bắt cá… Nhờ đó, đồng bào Pà Thẻn có nhiều việc làm hơn, thu nhập cao hơn trước”.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, khôi phục các nghề truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, thời gian qua, UBND xã Hồng Quang đã chú trọng công tác đào tạo nghề, phối hợp mở các lớp tập huấn làm du lịch như nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát và lớp thực hành nghi lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con.

Ông Ma Đình Quan, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Quang chia sẻ, việc quan tâm dạy nghề cho người dân tộc thiểu số gắn với những nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc là rất phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đây vừa là cách để khôi phục, giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển du lịch là một trong 2 khâu đột phá của huyện. Trong đó, tập trung các giải pháp giữ gìn nét đặc sắc văn hóa bản địa để phục vụ du lịch. Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình, cho biết, Phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch có hệ thống, bài bản, đặc biệt là giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có Pà Thẻn như nếp nhà, trang phục, tiếng nói, chữ viết, dụng cụ sản xuất, sinh hoạt, tâm linh tín ngưỡng... gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư