Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 11 năm 2024,
“Trăm dâu” đổ đầu “Thượng đế” tại Dự án Tân An Huy - Bài 3: Tâm thư “thách đố” và mấu chốt chưa được mở
Ngô Nguyên - 09/09/2024 09:13
 
TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Tân An Huy nộp thuế, trong khi chủ mới Công ty Tân An Huy "tâm thư" rằng, chỉ khi cho Công ty tiếp tục triển khai Dự án, thì mới có tiền nộp.
Hai thập kỷ trôi qua, Dự án Khu dân cư Tân An Huy (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn chưa xây được nhà, dù “thượng đế” đã đóng tiền 95-100%, thậm chí đã được bàn giao nền. Chủ đầu tư mới buộc khách hàng nộp thêm tiền để… doanh nghiệp nộp nợ thuế, rồi còn “tâm thư” tới lãnh đạo TP.HCM rằng, việc nộp tiền nợ thuế và tháo dỡ nhà sai phạm là… buộc Công ty tới phá sản và sẽ có nhiều hệ lụy pháp lý. Trong khi đó, cơ quan chức năng TP.HCM vẫn loay hoay trong giải pháp… tiếp tục làm việc và sẽ đề xuất.

Bài 3: Tâm thư “thách đố” và mấu chốt chưa được mở

TP.HCM yêu cầu Công ty Tân An Huy nộp xong nợ thuế và xử lý các vấn đề liên quan sai phạm trước khi có thể triển khai tiếp dự án, trong khi chủ mới Tân An Huy cho biết, chỉ khi thu thêm tiền khách hàng, họ mới có tiền để nộp. Trong khi đó, mấu chốt vấn đề là ngàn tỷ đồng mà chủ cũ Công ty đã thu từ dự án biến đi đâu, lại chưa được làm rõ.

Chủ mới Công ty Tân An Huy gửi “tâm thư” tới Chủ tịch TP.HCM

Sau cuộc họp với Thanh tra TP.HCM và các sở, ngành ngày 24/7/2024, ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân An Huy gửi “tâm thư” tới ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM để “mong xem xét và có cái nhìn khách quan để quyết định giúp đỡ Công ty vượt qua những khó khăn”.

Một góc Dự án Khu dân cư Tân An Huy (Ảnh: N.S)
Một góc Dự án Khu dân cư Tân An Huy. (Ảnh: N.S)

Trong tâm thư, sau khi tường thuật lại lời của Phó phòng giám sát, kiểm tra xử lý sau thanh tra (Thanh tra TP.HCM), ông Hải cho rằng, người này “không quan tâm” phương án của ông và ca ngợi một phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè “là người rất am hiểu về Công ty Tân An Huy và dự án mà Công ty đã và đang thực hiện, giúp đỡ Công ty rất nhiều, nhất là những lúc khó khăn nhất… Từ chỗ là người trực tiếp chỉ đạo và với trách nhiệm của mình, ông đã có những ý kiến đề xuất giúp Công ty tiếp tục thực hiện Dự án đúng quy định của pháp luật, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án...”.

Theo phương án mà chủ mới Công ty Tân An Huy trình bày với Thanh tra TP.HCM, Công ty sẽ thương lượng ký Phụ lục hợp đồng vói khách hàng mua nhà tại Dự án đồng ý góp 10 triệu đồng/m2 đất và nếu được cơ quan tháo gỡ cho Công ty được cấp phép xây nhà, thì Công ty sẽ trả nợ thuế theo lộ trình: nộp 50% số tiền nợ thuế gốc trong 6 tháng; nộp 50% số tiền nợ thuế gốc còn lại trong 6 tháng tiếp theo; với tiền phạt chậm nộp (gồm tiền phạt, tiền lãi phạt), Công ty xin… được miễn nộp.

Sau đó, chủ mới Công ty Tân An Huy nêu giải pháp rằng, chỉ khi cho Công ty tiếp tục triển khai Dự án, thì mới có tiền nộp.

Cụ thể, ông Hải cho biết, Công ty Tân An Huy hiện nay không có khả năng tài chính để nộp thuế ngay (theo báo cáo tháng 7/2024 của UBND huyện Nhà Bè thì tới thời điểm này, số tiền nợ thuế và phạt chậm nộp của Công ty từ hơn 154 tỷ đồng đã tăng lên hơn 181 tỷ đồng).

Công ty cũng chưa cưỡng chế tháo dỡ 14 căn đã xây dựng sai quy hoạch. “Ở thời điểm hiện tại, việc cưỡng chế tháo dỡ 14 căn nhà mà khách hàng đang ở ổn định thực sự làm khó Công ty, Công ty không thể thực hiện được”, ông Hải viết.

Với việc khiếu nại, tố cáo của 24/313 khách hàng, chủ mới Công ty Tân An Huy cho rằng, hợp đồng góp vốn ký với chủ cũ là sai, vì đây là dự án xây dựng nhà kinh doanh, chứ không phải phân lô bán nền và “Công ty sẽ cùng với khách hàng thỏa thuận để đạt kết quả. Trong trường hợp thỏa thuận không đạt, Công ty sẽ khởi kiện để Tòa án phán quyết”.

Rồi ông Hải cho biết, Công ty Tân An Huy sẽ “làm đúng quy định”, xử lý việc còn tồn tại như giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, thực hiện hoán đổi đất công… bằng cả việc “vận động khách hàng tiếp tục đóng góp”.

Như vậy, chủ mới Công ty Tân An Huy đẩy UBND Thành phố vào thế hoặc cho tiếp tục triển khai dự án trước rồi mới có tiền để nộp phạt, không phá dỡ các căn nhà xây dựng sai quy định, hoặc Công ty làm thủ tục phá sản.

Nếu cho tiếp tục triển khai thì sẽ trái ngược với chỉ đạo trước đây của UBND TP.HCM (buộc Công ty phải thực hiện xong nghĩa vụ thuế và các vấn đề liên quan mới cho phép tiếp tục triển khai Dự án).

Lời tuyên bố với “thượng đế”

Sau khi gửi tâm thư trên, tháng 8/2024, Công ty Tân An Huy ra thông báo gửi tới “thượng đế” của mình. Theo đó, dù báo cáo Thành phố là “vận động khách hàng”, nhưng Công ty ép “thượng đế” phải đóng thêm từ 1,2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng/nền đất.

Nếu khách đồng ý và lãnh đạo TP.HCM cho phép triển khai Dự án, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện Hợp đồng góp vốn và Phụ lục hợp đồng, điều chỉnh thời gian thu tiền. Nếu không, Công ty sẽ đơn phương chấm dứt Hợp đồng góp vốn, rồi bồi thường theo Hợp đồng góp vốn, tức trả lại theo giá tiền mua của 20 năm trước. Nếu có tranh chấp, Công ty sẽ khởi kiện để Tòa án phán quyết.

Cũng theo thông báo này, trường hợp UBND TP.HCM không cho Công ty tiếp tục thực hiện (trước khi trả xong nợ thuế và khắc phục sai phạm), mà thu hồi Dự án, Công ty sẽ chấp hành.

“Khi đó, mọi quyền lợi và nghĩa vụ của Công ty hoàn toàn chấm dứt, giữa Công ty và khách hàng không có mối quan hệ gì. UBND Thành phố sẽ chịu trách nhiệm với khách hàng. Nếu UBND Thành phố buộc Công ty phải phá sản theo luật, Công ty sẽ chấp hành theo Quyết định của UBND Thành phố và đợi Tòa án phán quyết. Mọi quyền lợi của khách hàng sẽ do Tòa án quyết định”, thông báo Công ty Tân An Huy nêu.

Trước thông báo trên, ông X. (đại diện 24 người đang khiếu kiện) bức xúc rằng, không còn niềm tin với chủ mới Công ty Tân An Huy. “Thượng đế khốn khổ” này kiến nghị TP.HCM thu hồi và giao Dự án cho đơn vị có uy tín, trách nhiệm và người dân sẽ cùng nhau lập Ban Đại diện và đóng góp lập quỹ để hoàn thiện các hạng mục chưa hoàn thành của Dự án.

Sáu năm, bí ẩn chưa được mở

Rõ ràng, quan điểm xử lý của 3 bên (Công ty Tân An Huy, khách hàng và cơ quan chức năng TP.HCM) như 3 đường thẳng song song không cùng đích và đã kéo dài tới 6 năm (sau kết luật thanh tra năm 2018), khiến kẻ cuối cùng gánh khổ là người dân mua nền, đóng tiền từ… 20 năm trước.

Nhưng mấu chốt vấn đề lại chưa cơ quan nào đề cập, ngoại trừ lời của đại diện Thanh tra TP.HCM: “Tại sao biết Công ty có nhiều sai phạm, khó khăn, mất khả năng tài chính mà dám nhận?”.

Câu chất vấn này có cơ sở, bởi theo chính công bố của chủ mới Công ty Tân An Huy, thì khi thay thế chủ cũ đã phát hiện Công ty hoàn toàn mất khả năng tài chính, không còn tài sản để khắc phục hậu quả, chưa xây dựng xong hạ tầng…

Vậy tại sao, chủ mới Công ty Tân An Huy vẫn nhận doanh nghiệp?

Tại cuộc họp với Thanh tra TP.HCM và các sở, ngành ngày 24/7/2024, đại diện Công ty Tân An Huy báo cáo: “Thời điểm tiếp nhận Dự án năm 2018, ông Hải, Chủ tịch HĐQT đã thấy Dự án còn tồn đọng nhiều nợ, nhưng nhận thấy có thể thu lời được, nên ông chấp nhận…”.

Vậy tại sao, trong tâm thư gửi lãnh đạo TP.HCM, chính ông Hải lại nói rằng, Công ty hoàn toàn mất khả năng tài chính?

Liệu có một chủ doanh nghiệp tư nhân nào bỏ tiền túi ra để gánh lấy những hậu quả đã nhìn thấy rõ như vậy để rồi làm điều phi lý, gây nên bức xúc là ép khách hàng đóng thêm tiền để trả nợ, dẫn tới dự án ách tắc hơn 6 năm trời?

Sáu năm chưa làm rõ ngàn tỷ đồng “bốc hơi” đi đâu

Bí ẩn chưa dừng lại và cũng chưa thấy cơ quan chức năng chịu “mở khóa” là dòng tiền mà chủ cũ Công ty Tân An Huy thu về đã “bốc hơi” đi đâu, rồi để doanh nghiệp khốn đốn khi giao chủ mới.

Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, năm 2005, UBND TP.HCM có quyết định giao hơn 20 ha đất cho Công ty Tân An Huy để đầu tư Dự án Khu dân cư Tân An Huy.

Sau khi nhận được “sổ đỏ” 3,3 ha trong số hơn 20 ha trên, năm 2011, chủ cũ Công ty Tân An Huy đã đem 21% giá trị quyền sử dụng đất, tương đương 7,5 triệu USD, góp vốn (tỷ lệ 25% cổ phần) với Công ty Indochina và Công ty VPF thành lập Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences (Sài Gòn Residences) để thực hiện Dự án.

Sau đó, các cổ đông sáng lập Sài Gòn Residences bán sạch cổ phần cho Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.

Hơn 78% giá trị quyền sử dụng đất còn lại, tương đương 27,5 triệu USD, Thanh tra TP.HCM xác định, Công ty Tân An Huy đã bán cho Residences và đã xuất hóa đơn với doanh thu hơn 554 tỷ đồng.

Chưa hết, hơn 1,2 ha Dự án Khu đất giáo dục được cấp “sổ đỏ”, Công ty Tân An Huy cũng bán luôn cho Công ty TNHH Giáo dục Đào tạo Ngân Hà, với tổng giá trị hơn 107 tỷ đồng.

Công ty Tân An Huy còn bán dự án có diện tích 7.667,4 m2 tại Khu đất y tế cho Công ty TNHH Đầu tư Nhân Phúc Đức, với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 130 tỷ đồng.

Đến khu đất cuối cùng là Dự án Khu nhà ở thấp tầng, diện tích hơn 58.000 m2, chủ đầu tư phân ra 313 nền đất, nhưng lại chia cho Công ty Tân Phúc Hưng 93 nền và Doanh nghiệp tư nhân Phan 29 nền (cũng để bán cho khách hàng). Còn lại 191 nền, Công ty Tân An Huy bán hết cho khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn và đã thu 95-100% tiền từ năm 2004.

Các dữ liệu trên cho thấy, chủ cũ Công ty Tân An Huy đã thu trọn vẹn “tiền tươi” cả ngàn tỷ đồng từ việc bán hầu hết dự án nhỏ liên quan và nền đất. Vậy số tiền đó “bốc hơi” đi đâu, dẫn tới phải nợ Nhà nước tính tới thời điểm hiện tại là hơn 181 tỷ đồng?

Giải được vấn đề mấu chốt này, sẽ “chụm” được 3 đường thẳng song song nói trên!

“Trăm dâu” đổ đầu “Thượng đế” tại Dự án Tân An Huy - Bài 2: Trên nóng, dưới... kệ trên?
Lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo quyết liệt những sai phạm tại Dự án Khu dân cư Tân An Huy, nhưng trên nóng kệ... trên, cấp dưới tìm cớ thoái thác.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư