Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Trăn trở đưa ẩm thực Việt trở thành thương hiệu quốc gia
Ngân Sương - 03/05/2024 09:35
 
Dù tạo được dấu ấn thông qua các giải thưởng quốc tế, song văn hóa ẩm thực Việt Nam rất cần có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan để khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới, phát triển hiệu quả yếu tố “kinh tế ẩm thực”, gia tăng lợi ích cho cộng đồng.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA)
Ông Lã Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA)

Dần tạo được dấu ấn

Trong những năm gần đây, ngành du lịch được quảng bá mạnh mẽ, ẩm thực Việt Nam cũng dần tạo dấu ấn riêng. Giải thưởng Ẩm thực thế giới (World Culinary Awards), nằm trong hệ thống Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards), đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022”, vượt qua các tên tuổi khác trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan...

Năm 2023, Giải thưởng Ẩm thực thế giới - sáng kiến toàn cầu nhằm tôn vinh sự xuất sắc trong ngành ẩm thực, công bố TP. Hà Nội vinh dự giành giải “Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023” - Asia's Best Emerging Culinary City Destination 2023.

Bên cạnh đó, nhiều tạp chí, chuyên trang du lịch ẩm thực nổi tiếng cũng dành lời ngợi khen cho ẩm thực Việt. Tiêu biểu như chuyên trang du lịch Travel and Leisure của Mỹ đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực hàng đầu khu vực châu Á trong hành trình du lịch năm 2023”, hay The Travel (Canada) công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách bình chọn từ độc giả.

Theo Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024 sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bên liên quan.

Cụ thể, Đề án góp phần cung cấp nền tảng thông tin về nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến kết hợp các nguyên vật liệu và gia vị của những món ăn đặc sắc các vùng miền, qua đó phổ biến cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp kinh doanh, trao truyền lại cho thế hệ sau.

 Cùng với đó, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực, chuỗi cung ứng nguyên liệu, doanh nghiệp địa phương… phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị văn hóa, góp phần đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm ẩm thực.

Trước đó, tháng 6/2023, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin Guide đã gắn sao cho 4 nhà hàng Việt Nam, trong đó có 3 nhà hàng tại Hà Nội và 1 nhà hàng tại TP.HCM. 

Ông Lã Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) nhìn nhận, trong dòng chảy văn hóa dân tộc, thứ để níu giữ văn hóa - con người Việt chính là ẩm thực. Ẩm thực là con thuyền đưa văn hóa Việt ra thế giới và văn hóa Việt chính là nước đẩy con thuyển ẩm thực đi nhanh hơn, xa hơn.

“Tuy nhiên, phải đánh giá một cách chân thực là những nhận xét của các chuyên trang quốc tế không thể hiện được sự chủ động của chúng ta trong hành trình quảng bá ẩm thực. Chúng ta đang bị động, lệ thuộc vào một số nhận xét của các nhà sáng tạo nội dung, phóng viên quốc tế”, ông Khánh nói.

Vì vậy, dù ẩm thực Việt Nam nắm nhiều lợi thế như vậy, song vị thế vẫn chưa tương xứng với thực lực. Ẩm thực Việt có nguồn nguyên liệu tươi, dồi dào, nhưng các món ăn đang được nhiều du khách biết đến đa số là món ăn đường phố, ăn tại chỗ như bánh mì, phở, cơm tấm...

Ngoài ra, Việt Nam có nhiều món ăn cao cấp có thể nâng lên thành nghệ thuật, nhưng khâu quảng bá chưa được chú trọng, thiếu chỉ dẫn những địa chỉ uy tín cho du khách. Vì vậy, khi nói đến ẩm thực châu Á, người ta hay nói đến món Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, còn trong khu vực Đông Nam Á sẽ nói đến món Thái. Có thể thấy, ẩm thực Việt Nam vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới là bởi cách quảng bá chưa đủ tốt.

“Hiện nay, khi nhắc đến ẩm thực, chúng ta chỉ nói về góc độ thưởng thức. Thế nhưng, trước hết hãy đề cao và bảo tồn giá trị văn hóa của ẩm thực. Muốn làm được việc này, cần tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng, tạo nên sức mạnh tổng hợp”, Phó chủ tịch VCCA nhận định.

Do đó, VCCA đang đẩy mạnh sự liên kết giữa các nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả, cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ ẩm thực nói riêng và du lịch nói chung.

Đưa văn hóa ẩm thực thành thương hiệu quốc gia

VCCA đang thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024, nhằm góp phần đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới bằng văn hóa ẩm thực.

Theo ông Lã Quốc Khánh, Đề án có mục tiêu khảo sát, thu thập dữ liệu nhằm xây dựng Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam và Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam.

Trong bộ 1.000 món, các tiêu chí cốt lõi được VCCA đặt lên hàng đầu mang tính văn hóa di sản vùng miền, ngon, lành, đặc sắc, phù hợp với nhu cầu thị trường và định hướng phát triển văn hóa ẩm thực đến với du khách trong và ngoài nước. Đến nay, VCCA đã thu thập và biên tập 781 món. Quá trình chuẩn hóa, thông tin các món ăn mang tính chất cơ sở khoa học hiện đã đạt 533 món.

“Khối lượng công việc và dữ liệu để xây dựng nên bản đồ ẩm thực là rất lớn, đòi hỏi nguồn lực tài chính mạnh. Ban đầu, bộ Tổng tập 1.000 món này dự kiến được thực hiện trong năm 2023, nhưng phải đến gần hết năm 2024 mới có thể hoàn thành”, Phó chủ tịch VCCA chia sẻ.

Trong năm nay, VCCA cố gắng hoàn tất số lượng món còn lại. Toàn bộ dữ liệu 1.000 món được thể hiện thông qua bản đồ ẩm thực Việt Nam số hóa. Qua đó, mỗi địa phương sẽ có ít nhất 10-20 món ăn tiêu biểu, người dân và du khách có thể thông qua bản đồ này để hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực địa phương.

Xây dựng bản đồ ẩm thực là giai đoạn bản lề, VCCA sẽ nhanh chóng xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D. Trong đó, Bảo tàng sẽ có khoảng 3.000 món với khoảng 2.000 món thuần Việt và gần 1.000 món quốc tế.

Dù còn thách thức, nhưng ông Lã Quốc Khánh tin tưởng rằng, một khi văn hóa ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia, thì đây sẽ là kênh quảng bá, truyền thông hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, hướng đến phát triển nền công nghiệp ẩm thực, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Được biết, trong bộ Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, có nhiều món ăn nổi tiếng như: phở, cốm làng Vòng, bún thang Hà Nội, bánh đa cua, chà chìa Hải Phòng, bánh cuốn Hải Dương, bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, mì Quảng, bánh canh chả cá, cơm tấm, bún nước lèo…

Các món ăn này đều được xét chọn dựa theo 3 tiêu chí, gồm: có giá trị văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển trong những vùng miền địa lý nhất định; có giá trị đặc trưng về chất lượng (dinh dưỡng, an toàn, cảm quan), công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản và lưu thông; có giá trị kinh tế, có khả năng phát triển trong cộng đồng.

Ngành du lịch TP.HCM kiến nghị được hỗ trợ nhiều hơn để phục hồi hoàn toàn sau dịch
Trong năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu đón tối thiểu 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa. Để đạt được kết quả này,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư