Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tranh luận việc luật hóa trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử trong Luật Báo chí
Mạnh Bôn - 19/02/2016 08:09
 
Nhiều khả năng Luật báo chí (sửa đổi) sẽ bị “đổ”. Bởi mặc dù Dự thảo Luật báo chí sửa đổi đã được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung tới lần thứ 19, nhưng cho ý kiến vào bản Dự thảo này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn không đồng tình nhiều điểm. Trong đó có việc có luật hóa trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử trong luật hay không.

 Dự thảo Luật báo chí không điều chỉnh đối với trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử. Lý giải về việc này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng, khác với sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện và một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí khác (bản tin, đặc san), trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý trang mạng xã hội, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng.

Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng. “Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và mạng xã hội được điều chỉnh bởi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 174/2013/NĐ-CP”, ông Thi cho biết.

Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, Nguyễn Bắc Son cho rằng, trong thế giới phẳng, truyền thông xã hội trên Internet ngày càng phát triển, nhưng được quản lý bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác chứ không quản lý bằng Luật báo chí.

“Chúng ta dứt khoát không tư nhân hóa báo chí, không để báo chí núp bóng tư nhân, vì vậy, Luật báo chí điều chỉnh cả trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử (do tư nhân và doanh nghiệp thực hiện) thì vô hình trung chúng ta thừa nhận trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội là báo chí tức là thừa nhận có báo chí tư nhân”, ông Son giải thích.

Không kể hàng triệu trang mạng xã hội do cá nhân thành lập, hiện cả nước có hơn 1.600 trang tin điện tử tổng hợp. Trong thế giới ảo trên Internet, theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, người đọc không thể phân biệt nổi đâu là báo điện tử do cơ quan báo chí thực hiện, đâu là mạng xã hội, đâu là trang thông tin điện tử tổng hợp.

“Vì vậy, nếu Luật báo chí không điều chỉnh với trang thông tin điện tử và mạng xã hội thì cần phải có quy định mới để quản lý chặt chẽ hơn, tránh tình trạng người dân đọc được bất cứ thông tin gì trên mạng cũng coi là báo chí”, ông Kỷ đặt vấn đề.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước lo ngại: “Xu hướng chung bây giờ là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tìm kiếm, đọc, nghe, xem thông tin trên Internet ngày càng nhiều, nếu không đưa trang thông tin điện tử và mạng xã hội vào Luật báo chí thì không thể nào quản lý nổi”.

“Nhiều đại biểu Quốc hội cũng như bản thân tôi sau khi trả lời phỏng vấn, phát biểu, được báo chí đăng tải, các trang thông tin điện tử xào xáo lại, cắt xén, gọt dũa làm mất hết ý, thậm chí trái với quan điểm của câu phát biểu nhưng không thể xử lý được”, ông Phước phát biểu và đề nghị Luật báo chí phải chế tài đối với trang thông tin điện tử cũng như mạng xã hội để nếu vi phạm có hình thức xử lý thích đáng như cơ quan báo chí vi phạm.

Vẫn theo ông Phước, không luật hóa trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử là không phù hợp, bởi trên thực tế báo chí chính thống sau khi đăng tin bài, người dân tha hồ comment và đều được đăng tải hết.

“Cũng có bình luận rất hay, nhưng rất nhiều bình luận phản cảm, ác ý, thậm chí trái với thuần phong mỹ tục, kích động, chia rẽ. Vấn đề này cần phải siết chặt thì không có lý do gì lại không quản lý đối với trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử bởi suy cho cùng phần comment của báo chí chính thống cũng là một dạng trang mạng xã hội”, ông Phước bình luận.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: “Trang thông tin điện tử tổng hợp không đưa vào trong luật trong khi vẫn được cấp phép, vẫn được người dân cập nhật hàng giờ, hàng phút thì loại thông tin này được coi là gì?”. Theo ông Phúc, Luật báo chí phải điều chỉnh cả thông tin trên trang thông tin điện tử thì mới quản lý được thông tin trái chiều, phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2015 thì quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ bị cấm bằng luật. Tự do báo chí và tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân, vì thế, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, “không thể sử dụng nghị định để hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội”.

“Chỉ cần một chiếc smartphone, người dân có thể cập nhật tin tức bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu mà lại chỉ quản lý bằng nghị định thì không được. Nên nghiên cứu đưa một điều khoản quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội vào Luật báo chí và giao Chính phủ quy định chi tiết”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng gợi ý.

Trước những tranh luận hết sức gay gắt về nội dung này và nhiều nội dung khác trong Dự thảo Luật báo chí, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra phải tiếp tục nghiên cứu hết sức thận trọng.

“Nếu vẫn còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau thì nên lùi việc trình Quốc hội thông qua Luật báo chí sang Quốc hội khóa XIV tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung thay vì trình thông qua tại Kỳ họp thứ 11 tới đây”, bà Phóng kiên quyết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư