Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tranh luận việc trao quyền xử phạt hành chính cho Kiểm toán Nhà nước
Mạnh Bôn - 10/06/2019 14:27
 
Có nên cho phép Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được xử phạt vi phạm hành chính hay không là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến khi thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vào cuối tuần trước. Theo TS. Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN, cần cho phép KTNN được xử phạt vi phạm hành chính, nhằm duy trì trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật.
.
TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

KTNN không phải là cơ quan hành pháp, vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi trao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho KTNN, thưa ông?

Tòa án nhân dân không phải là cơ quan hành pháp, nhưng cũng được xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, thẩm phán chủ tọa phiên toà có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Chánh án tòa án nhân dân cấp huyện, chánh tòa chuyên trách tòa án nhân dân cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự khu vực có quyền phạt tiền đến 7,5 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự quân khu và tương đương... có quyền phạt đối tượng vi phạm hành chính tư pháp đến 30 triệu đồng, vi phạm an ninh trật tự (tại phiên tòa) đến đến 40 triệu đồng.

Vì vậy, cần phải trao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho KTNN, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật.

Nhưng thưa ông, tòa án xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng không phải là cán bộ, công chức, viên chức; còn người vi phạm quy định về KTNN là cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức. Như vậy, nếu KTNN xử phạt hành chính sẽ dẫn tới việc một hành vi vi phạm bị xử phạt 2 lần?

Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đối tượng cụ thể của kiểm toán không chỉ là các bộ, ngành, địa phương; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp công lập…, mà còn có tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động KTNN; đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, như cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc hưởng nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu của Chính phủ; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đầu tư công trình BT, BOT, khai khác khoáng sản, đất đai, đô thị.

Năm 2016 và 2017, chúng tôi kiểm toán 61 dự án BOT và kết quả là đã giảm 222 năm thu phí giao thông. Kiểm toán các dự án BT, chúng tôi đã chỉ ra nhiều sai phạm, giảm thất thoát cho ngân sách nhà nước. Có những dự án sau kiểm toán, giá trị dự án, công trình chỉ bằng 39% giá trị BT do chủ đầu tư xác định trước đó.

Nhà đầu tư dự án BT, BOT… không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, trong trường hợp vi phạm quy định về KTNN không bị xử phạt theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, nên nếu không cho KTNN được phạt vi phạm hành chính thì dẫn đến lỗ hổng về luật pháp.

Chưa được xử phạt vi phạm hành chính, KTNN đã gặp những trở ngại gì?

Theo quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN có trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, kiểm toán viên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp; trả lời và giải trình đầy đủ, kịp thời các vấn đề do đoàn kiểm toán, kiểm toán viên yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán.

Mỗi năm có hàng trăm trường hợp không cung cấp, chậm cung cấp tài liệu cho đoàn kiểm toán; đặc biệt có trường hợp đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật, có hiện tượng tẩy xóa tài liệu đã làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán, nhưng cũng không xử phạt được vì không có chế tài. Nhiều trường hợp kiểm toán đã có báo cáo, kết luận, kiến nghị, nhưng đơn vị được kiểm toán chây ỳ, không chấp hành, nhưng cũng không xử phạt được vì không có cơ sở pháp lý.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, hiện tại, cơ quan kiểm toán tối cao của nhiều nước trên thế giới như Nga, Campuchia, Cộng hòa Séc, Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Hàn Quốc… đã được trao quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán.

Vấn đề là vướng Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, thưa ông?

Nếu được Quốc hội cho phép, KTNN chỉ xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng ngoài nhà nước, còn cán bộ, công chức, viên chức thì vẫn xử lý theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và cũng chỉ xử phạt đối với 2 hành vi.

Thứ nhất là hành vi chống đối hoạt động của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, kiểm toán viên (từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán; cản trở công việc của KTNN và kiểm toán viên).

Thứ hai là hành vi báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan về những thông tin liên quan đến kiểm toán; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.

Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về KTNN thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật (công chức, viên chức), xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt vi phạm hành chính, KTNN kiến nghị được phạt tiền tối đa là 10 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp đối tượng bị xử phạt không chấp hành, KTNN được quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Giao quyền xử phạt hành chính cho Kiểm toán nhà nước, căn cứ vào đâu
Luật Xử phạt vi phạm hành chính không trao quyền xử phạt cho KTNN, nhưng cũng không có quy định cấm cơ quan này được quyền xử phạt
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư