Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giao quyền xử phạt hành chính cho Kiểm toán nhà nước, căn cứ vào đâu
Mạnh Bôn - 12/03/2019 14:00
 
Luật Xử phạt vi phạm hành chính không trao quyền xử phạt cho KTNN, nhưng cũng không có quy định cấm cơ quan này được quyền xử phạt

Các  nhà làm luật đang băn khoăn trước việc có nên giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Kiểm toán nhà nước (KTNN) hay không, giao thẩm quyền ở mức độ nào vì vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Cho xử phạt vì… đặc thù

KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập nhưng không phải là cơ quan lập pháp, không phải là cơ quan tư pháp, và cũng không phải là cơ quan hành pháp, vì thế Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định băn khoăn không biết có nên giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan này hay không.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Định là nên giao thẩm quyền xử phạt cho Kiểm toán. “Đúng là Luật Xử phạt vi phạm hành chính không trao quyền xử phạt cho KTNN, nhưng cũng không có quy định cấm xử phạt. Hơn nữa, Luật Xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định, mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực mới chưa được quy định trong luật này giao Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Vì vậy nên nghiên cứu cho Kiểm toán được phép xử phạt”, ông Định đề xuất.

“Khi toàn án đang xét xử, nếu cá nhân nào đó có hành vi gây mất trật tự, làm ảnh hưởng đến hoạt động tại tòa thì chủ tọa phiên tòa có quyền xử phạt vi phạm hành chính ngay tại chỗ. KTNN cũng vậy, khi thực hiện kiểm toán nếu cá nhân nào đó có hành vi cản trở công việc của kiểm toán viên, đoàn kiểm toán; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của kiểm toán; báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công… thì Kiểm toán cần phải có thẩm quyền xử phạt. Nước ta có đặc thù là không phải chỉ có cơ quan hành chính mới được xử phạt vi phạm hành chính, mà cơ quan tư pháp như toà án vẫn được xử phạt vi phạm hành chính tại toà. Vấn đề làm sao là phải theo nguyên tắc một hành vi vi phạm không được xử phạt 2 lần trở lên”, ông Định phát biểu.

“Nếu không giao xử phạt vi phạm hành chính cho Kiểm toán thì hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán tài sản công, tài chính công kém hiệu quả. Không có luật nào cấm KTNN được xử phạt hành chính, vậy tại sao không giao thêm nhiệm vụ này cho Kiểm toán”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh bày tỏ quan điểm đồng tình.

Phó chủ tịch Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng rất phân vân không biết có nên giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho KTNN hay không vì nếu không giao quyền thì giảm hiệu lực của kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán trong khi theo Luật KTNN thì báo cáo kiểm toán sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

“Nhưng KTNN là thiết chế do Quốc hội thành lập, không phải là cơ quan hành chính mà lại được quyền xử phạt vi phạm hành chính thì không biết căn cứ vào đâu, nên tôi rất phân vân”, bà Phóng nhắc lại.

Công chức, viên chức thi hành công vụ không thể bị xử phạt hành chính

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thẳng thắng không đồng tình việc trao quyền xử phạt cho KTNN. “Theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính thì với đối tượng mới phát sinh mà chưa quy định trong luật sẽ giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Về vấn đề này Chính phủ không có ý kiến, các bộ ngành đều không đồng tình vì vậy, với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi không đồng ý việc giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Kiểm toán”, bà Thịnh dứt khoát.

Phó chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình việc trao thẩm quyền cho KTNN xử phạt vi phạm hành chính. Vì theo ông Lưu, hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán; báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán… của cá nhân, đơn vị được kiểm toán là hành vi được thực hiện khi thi hành công vụ mà theo quy định, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao thì không bị xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc thôi việc theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức.

“Vấn đề đặt ra là nếu Kiểm toán xử phạt cán bộ, công chức vi phạm quy định về kiểm toán rồi thì những người vi phạm có tiếp tục bị xử lý nữa hay không? Nếu tiếp tục xử lý thì vi phạm nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần; còn không xử lý thì vi phạm Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức”, ông Lưu lập luận.

“Tòa án có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân vi phạm nội quy của phiên tòa. Ở đây là tòa án phạt công dân chứ không xử phạt phải là phạt công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao. Tương tự, công chức, viên chức vi phạm luật giao thông, gây rối trật tự công cộng thì bị công an, chính quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân chứ không phải là xử phạt vi phạm hành chính công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ. Về bản chất, những việc này khác với việc KTNN xử phạt vi phạm hành chính vì Kiểm toán xử phạt cán bộ, công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ chứ không phải là phạt công dân”, ông Lưu phân tích.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển thì phải nghiên cứu thật kỹ nội dung này. “Đúng là pháp luật quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước đang thi hành công vụ, nhưng hành vi cản trở công việc của kiểm toán viên, đoàn kiểm toán; mua chuộc, đưa hối lộ cho kiểm toán viên; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán… là hành vi do cá nhân thực hiện vì mục tiêu, mục đích cá nhân hoặc lợi ích nhóm chứ không phải là hành vi do công chức, viên chức thực hiện trong khi thi hành công vụ thì cần phải giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho KTNN”, ông Hiển nhấn mạnh.

Hà Nội xử phạt 12 chủ đầu tư vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư
Trong năm 2018 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp, tổ chức kiểm tra xử lý vi phạm về quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn và đã lập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư