Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cân nhắc kỹ việc mở rộng đối tượng kiểm toán đối với người nộp thuế
Mạnh Bôn - 11/03/2019 14:27
 
Cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào sáng nay, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ việc mở rộng đối tượng được kiểm toán.

Theo Luật KTNN hiện hành có tổng cộng 12 nhóm thuộc đối tượng được KTNN kiểm toán gồm các bộ ngành; địa phương; cơ quan được giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (doanh nghiệp từ 50% vốn nhà nước trở xuống, khi cần thiết, Tổng KTNN quyết định)…

Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN bổ sung đối tượng được kiểm toán còn bao gồm cả người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

“Theo quy định của Hiến pháp, KTNN chỉ có chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Người nộp thuế bao gồm cả doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân không hề sử dụng tài chính công, tài sản công thì cần phải cân nhắc việc mở rộng đối tượng kiểm toán”, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu bày tỏ quan điểm.

Cũng theo ông Lưu, trong mấy năm gần đây KTNN đã mở rộng đầu mối kiểm toán với đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhưng vẫn chưa bao quát hết được.

“Bây giờ muốn mở rộng kiểm toán sang cả đối tượng là người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thì liệu có làm được không. Quản lý người nộp thuế là chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng kiểm toán phải cân nhắc thật kỹ, nếu không có thể dẫn tới chồng chéo, trùng lắp chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Lưu lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, cần phải nghiên cứu hết sức thận trọng việc mở rộng đối tượng kiểm toán. “KTNN chỉ thực hiện kiểm toán tài sản công, tài chính công. Người nộp thuế không phải là đối tượng tham gia quản lý tài chính công, tài sản công, nếu KTNN thực hiện kiểm toán cả người nộp thuế chắc chắn trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế, hải quan. Người nộp thuế còn bao gồm cả cá nhân thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân và hàng triệu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nếu mở rộng thì KTNN không thể có đủ nhân lực, thời gian để thực hiện”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, người nộp thuế chỉ chấp hành nghĩa vụ thuế theo pháp luật về thuế chứ không phải là đối tượng của KTNN. Nếu mở rộng kiểm toán sang cả người nộp thuế, tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản sẽ dẫn đến tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh bị quá nhiều cơ quan nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát.

“KTNN dẫn Tuyên bố Lima (được thông qua tại Đại hội Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao - Intosai - năm 1977 tại Lima, Peru) cho rằng mở rộng đối tượng kiểm toán càng nhiều càng tốt. Đây chỉ là khuyến cáo của Intosai. Trên thực tế các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới chỉ kiểm toán cơ quan thu thuế (thuế, hải quan) chứ không kiểm toán người nộp thuế. KTNN chỉ thực hiện kiểm toán cơ quan thuế, hải quan và yêu cầu cơ quan quản lý thuế thưc hiện thu đúng, thu đủ, thu chính xác, thu kịp thời. Trong quá trình kiểm toán cơ quan quản lý thuế, nếu phát hiện ra hiện tượng trốn thuế, gian lận thuế và các hoạt động gây thất thu ngân sách nhà nước thì KTNN có trách nhiệm kết luận, kiến nghị cơ quan quản lý thuế phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách thuế nhằm tránh thất thu ngân sách nhà nước”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, dư luận xã hội thường xuyên “xì xào” tình trạng cán bộ thuế và người nộp “ăn chia tiền thuế” nên việc kiểm toán người nộp thuế cũng cần phải đặt ra, nhưng không nên luật hóa mà khi cần thiết tiến hành kiểm toán đối tượng nào thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết.

“Trong quá trình kiểm toán cơ quan quản lý thuế, nếu KTNN phát hiện ra đối tượng nào có dấu hiệu gian lận thuế, trốn thuế với số tiền lớn thì thực hiện kiểm toán chứ không phải kiểm toán tất cả doanh nghiệp; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản một cách đại trà vì chúng ta đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nên phải tạo điều kiện tố đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Thanh đề xuất.

“Tài chính công, tài sản công theo quy định của Hiến pháp có khái niệm rất rộng, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Vì vậy, ngay cả chức năng kiểm toán tài chính công, tài sản công cũng phải làm rõ để thực hiện kiểm soát tài sản nhà nước cho hiệu quả chứ không nên tính đến chuyện mở rộng đối tượng kiểm toán ra cả khu vực tư”, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

“Quyết định thu thuế, truy thu thuế, xử phạt vi phạm hành chính về thuế là trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, không nên giao cả quyền này cho KTNN hay bất kỳ cơ quan nào khác”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định dứt khoát.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 21.712 tỷ đồng liên quan đến quản lý, sử dụng vốn ODA
Qua kiểm toán tổng hợp tại các bộ, ngành và 26 cuộc kiểm toán liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn ODA, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư