Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Kiểm toán nhà nước đủ quyền năng chống tham nhũng
Mạnh Bôn - 27/04/2019 09:03
 
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) giao Kiểm toán Nhà nước (KTNN) rất nhiều nhiệm vụ, nhưng các luật chuyên ngành lại không trao thêm quyền hạn cho cơ quan này. Theo ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Khu vực XIII, chỉ cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hiện nay, KTNN đã góp phần rất lớn vào việc ngăn chặn tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
.
Ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Khu vực XIII.

Quyền hạn của KTNN trong phòng, chống tham nhũng ra sao, thưa ông?

Khác với hầu hết các nước trên thế giới, việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Việt Nam có đặc điểm là tách rời giữa quyền sở hữu (toàn dân) và quyền sử dụng (tổ chức, cá nhân cụ thể), do đó nguy cơ tham nhũng, lãng phí rất lớn.

KTNN được xác định là công cụ quan trọng của Nhà nước để giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ phân bổ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Hoạt động của KTNN phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Nhưng KTNN chỉ có chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Tham nhũng và nguy cơ tham nhũng rất lớn, nhiệm vụ thì nhiều, nhưng KTNN chỉ có chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của KTNN khó có thể đạt hiệu quả cao và đề nghị bổ sung một số quyền hạn cho KTNN khi sửa đổi, bổ sung Luật KTNN như thực hiện giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; xác minh hồ sơ, tài liệu và người có liên quan có mặt để giải trình, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử phạt vi phạm hành chính…

Thế còn quan điểm của ông?

Sau thời gian triển khai, cũng như các luật khác, nhiều quy định của Luật KTNN hiện hành không còn phù hợp với thực tế, đặc biệt là việc Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã giao KTNN rất nhiều nhiệm vụ, nên cần phải sửa đổi, bổ sung Luật KTNN nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, trước mắt, KTNN chỉ cần thực hiện tất cả các chức năng, nhiệm vụ đã được luật hóa. Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã, đang và tiếp tục góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, tính tuân thủ pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm phân bổ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, từ đó ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng, lãng phí trong quản lý tài chính công, tài sản công. Đồng thời, qua kiểm toán cũng kịp thời phát hiện ra nhiều lỗ hổng pháp lý, những sơ hở trong cơ chế, chính sách, qua đó KTNN đã kiến nghị bổ sung, điều chỉnh, bãi bỏ những quy định, cơ chế, chính sách bất cập, trái pháp luật, góp phần ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, thất thoát, lãng phí.

Thực tế công tác phòng, chống tham nhũng của KTNN đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 219.283 tỷ đồng (trong đó năm 2016 là 38.776 tỷ đồng, năm 2017 là 91.322 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 424 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành nhằm bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý 11 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán.

Thực tế đã cho thấy, với chức năng, nhiệm vụ như hiện nay, KTNN đã trở thành công cụ quan trọng trong việc giám sát, kiểm soát quyền lực của Nhà nước đối với các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phân bổ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của các cơ quan có trách nhiệm quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn lực nhà nước, từ đó góp phần ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, lãng phí.

Trên thực tế, thẩm quyền của KTNN chỉ là “kiến nghị”, “đề nghị” tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện kết luận kiểm toán. Thưa ông, như vậy thì làm sao KTNN có đủ quyền hạn để chống tham nhũng?

Đúng là thẩm quyền của KTNN chủ yếu là “kiến nghị”, “đề nghị” xử lý, nhưng báo cáo kiểm toán sau khi phát hành và công khai lại có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ví dụ, trong quá trình kiểm toán mà phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật như giao đất không qua đấu giá, chỉ định thầu các công trình, dự án sử dụng vốn nhà nước, KTNN kiến nghị phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất; tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước thì bắt buộc đơn vị được kiểm toán phải thực hiện, qua đó nguy cơ tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí được ngăn ngừa ngay từ đầu.

Theo tôi, chỉ cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hiện nay, KTNN đã góp phần rất lớn vào việc chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, không nhất thiết cứ phải tham gia vào quá trình điều tra, xét xử, truy tố mới nâng cao được hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Có nên trao thẩm quyền xử phạt cho Kiểm toán Nhà nước?
Mỗi năm, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính cả trăm ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ có 3/4 số kiến nghị được thực hiện. Vì vậy,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư