Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Tránh tích trữ và lạm dụng thuốc điều trị Covid-19
D.Ngân - 21/04/2023 18:26
 
Cùng với sự gia tăng số ca mắc mớ Covid-19, thị trường test kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, các loại thuốc điều trị và dự phòng cũng sôi động trở lại.

Không nên có tâm lý tích trữ

Thời gian gần đây, các mặt hàng như vitamin, thuốc điều trị, dự phòng Covid-19 được nhiều người mua tích trữ do đọc được những thông tin cảnh báo không chính thống được lan truyền trên mạng xã hội về sự nguy hiểm của biến chủng mới.

Tiêm chủng vắc-xin vẫn là biện pháp hiệu quả để phòng chống Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo người dân không nên tích trữ, tùy tiện sử dụng những loại thuốc trôi nổi mà không có hướng dẫn của bác sĩ. 

Đặc biệt, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp phép cũng phải được sử dụng đúng đối tượng và thời gian.

Trước đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, thuốc kháng virus là một loại thuốc được sử dụng đặc biệt để điều trị bệnh do virus gây ra. 

Có nhiều loại virus gây bệnh khác nhau và mỗi loại thuốc kháng virus chỉ có tác dụng trên loại virus đặc trưng, nói cách khác - không thể đem thuốc điều trị virus này để dùng cho bệnh do virus khác gây ra.

Các thuốc tác dụng trên vi khuẩn như các kháng sinh cũng hoàn toàn không có tác dụng trên virus. Riêng với Molnupiravir, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, đây là thuốc có cơ chế gây đột biến, làm gián đoạn sao chép RNA dẫn đến ức chế sự nhân lên của virus. Thuốc này không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. 

Vì không biết liệu Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng hay không, FDA khuyến cáo nam giới nên sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục ít nhất ba tháng sau liều cuối cùng. 

Thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn khớp, do đó khuyến cáo không được sử dụng trên trẻ em dưới 18 tuổi. Các tác dụng phụ thường gặp của molnupiravir là tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt…

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại Việt Nam, một loại thuốc khác cũng đang được sử dụng là Favipiravir. Đây là thuốc được dùng cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi, người suy gan, suy thận nặng. 

Bệnh nhân dùng thuốc chú ý ít nhất hai ngày đầu do có thể gây rối loạn tâm thần. Người tiền sử gout càng cần chú ý theo dõi sức khỏe khi dùng thuốc vì có thể tăng acid uric và làm nặng thêm bệnh.

PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, cá thuốc trị Covid-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; 

Đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc.

Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo mách bảo. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh.

Để tránh mắc Covid-19, cách tốt nhất vẫn là tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và tuân thủ 2K của Bộ Y tế.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang vì số ca Covid-19 gia tăng hiện nay chưa phải bất thường. 

"Mỗi người nên duy trì nguyên tắc 2K, điều này không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B, phế cầu khuẩn và các bệnh truyền nhiễm khác", ông Phu nêu.

Không chủ quan với các bệnh truyền nhiễm khác

Ngoài Covid-19, một số bệnh truyền nhiễm khác đang gia tăng và có dấu hiệu chuyển nặng nhanh. Bệnh nhân T.C.T (63 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) sau 2 tháng khỏi Covid-19 cấp cứu vì tức ngực, khó thở. Trước đó, ông có tiền sử bệnh tăng huyết áp.

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM phát hiện bệnh nhân T.C.T bị xẹp phổi, tràn mủ màng phổi, dẫn đến suy hô hấp. Kết quả X-quang phát hiện phổi phải có ổ áp xe, nhiễm trùng nặng do vi khuẩn phế cầu khuẩn. Bệnh nhân được phẫu thuật để dẫn lưu mủ từ màng phổi ra ngoài.

Bệnh nhân P.T.H (63 tuổi, quận Gò Vấp) trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, mạch đập nhanh, đường huyết tăng vọt. Bà mắc bệnh đái tháo đường 10 năm nay.

Ngày 13/4, biểu hiện sốt 38 độ, hắt hơi liên tục, sổ mũi, nghi bị cúm nên bà uống thuốc hạ sốt và tự điều trị ở nhà. Bệnh không giảm nên đi khám chẩn đoán Covid-19, bội nhiễm phế cầu khuẩn trên nền đái tháo đường dẫn đến nhiễm trùng và tổn thương phổi, suy hô hấp nghiêm trọng, phải thở máy. Tình trạng viêm phổi làm đường huyết tăng cao, khó kiểm soát.

TS. Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết tổn thương phổi sau nhiễm Covid-19 là di chứng thường gặp hậu Covid-19. 

Người bệnh có nhiều mức độ tổn thương khác nhau nhưng phổ biến nhất là tình trạng xơ phổi, viêm phổi ảnh hưởng chức năng hô hấp, gây khó khăn trong điều trị, có thể tái nhiễm Covid-19 nhiều lần, thậm chí trở thành nhiễm trùng mạn tính.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TP.HCM, phế cầu khuẩn gây đồng nhiễm, bội nhiễm ở bệnh nhân Covid-19 khiến việc điều trị trở nên khó khăn và kéo dài, nguy cơ để lại nhiều di chứng ở hệ thần kinh, hệ hô hấp (xẹp phổi, áp xe phổi, phù phổi, suy hô hấp), hệ vận động. 

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Viêm phổi do phế cầu khuẩn cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên tới 50% ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ và người già.

Ngoài ra, phế cầu khuẩn còn gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng khác như viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa, viêm xoang.

“Nếu đồng nhiễm cùng tác nhân khác nguy cơ biến chứng nặng như viêm màng ngoài tim, phù thũng, xẹp phổi… ở nhóm này rất cao", bác sĩ Khanh cho biết.

Ngoài việc cần thiết của vắc-xin Covid-19, nhiều nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi được tiêm vắc-xin phế cầu có tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp hơn 35% so với người lớn không được tiêm chủng. 

Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khác với trẻ em và người lớn cho thấy vắc xin phế cầu có khả năng bảo vệ từ 23-49% chống lại các virus hô hấp liên quan đến viêm phổi, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 ở người.

Người trên 65 tuổi đã tiêm vắc-xin Prevenar 13 giảm 32% nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19. Đặc biệt, vắc-xin có thành phần phòng bệnh ho gà (như bạch hầu - ho gà - uốn ván) được chứng minh có khả năng tạo miễn dịch chéo với Covid-19 nhờ thành phần epitope giống nhau tạo ra các phản ứng chéo, phòng biến chứng nguy hiểm của Covid-19.

Chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu trợ giá thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir chính hãng
Từ ngày 18/3/2022, FPT Long Châu chính thức triển khai trợ giá 8% cho thuốc trị Covid-19 chính hãng, chứa hoạt chất Molnupiravir, với giá mới chỉ còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư