Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Trèo đèo, lội suối, “cõng” trường lên vùng cao
Dương Ngân - 12/02/2024 17:16
 
Trong những chuyến “phượt” Tây Bắc, hình ảnh các lớp học tạm bợ, xiêu vẹo ở nhiều bản vùng cao xa xôi luôn ám ảnh tâm trí anh Nguyễn Trường Thành. Anh và nhóm bạn quyết tâm thực hiện Dự án Ngôi trường ước mơ, giúp các em học sinh nơi đây vơi bớt nhọc nhằn trong hành trình đi tìm con chữ.
Anh Nguyễn Trường Thành cùng các thành viên trong nhóm Dự án Ngôi trường ước mơ khảo sát điểm trường tại các huyện vùng cao Tây Bắc
Anh Nguyễn Trường Thành cùng các thành viên trong nhóm Dự án Ngôi trường ước mơ khảo sát điểm trường tại các huyện vùng cao Tây Bắc

Mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh

Một ngày cuối đông, chúng tôi có cơ duyên gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với anh Nguyễn Trường Thành - đồng sáng lập, Trưởng nhóm Dự án Ngôi trường ước mơ. Qua cuộc trò chuyện, tôi càng thêm khâm phục anh cùng nhóm Dự án về sự nỗ lực, quyết tâm và những việc làm đầy ý nghĩa của nhóm đối với cộng đồng.

Anh Thành kể, hầu hết các bản làng vùng cao Tây Bắc đều có địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt. Nhiều điểm trường ở đây xuống cấp trầm trọng, dột nát, vách đất sau nhiều năm sử dụng đã hư hỏng gần hết, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, không đảm bảo an toàn cho các em học sinh và các thầy cô giáo.

Điều kiện khắc nghiệt là vậy, nhưng dù trời nắng nóng hay mưa lạnh, các em học sinh nơi đây vẫn hằng ngày trên những đôi chân trần, mặc cái đói, cái rét, cần mẫn đi tìm con chữ. Tận mắt chứng kiến những hình ảnh ấy, anh Nguyễn Trường Thành và những người bạn đam mê du lịch mạo hiểm trăn trở, muốn làm điều gì đó giúp các em học sinh vùng sơn cước còn nhiều khốn khó này.

Từ sự thôi thúc đó, Dự án Ngôi trường ước mơ đã ra đời. Nhớ lại những ngày đầu thành lập Dự án (năm 2014), anh Thành kể, khi đó, nhóm chỉ có 7 - 8 người. Để xây dựng một ngôi trường bằng tôn lạnh, cần kinh phí khoảng 150 triệu đồng. Vậy là, không ai bảo ai, mỗi người tự nguyện đóng góp 20 triệu đồng để tiến hành xây trường.

Điểm trường đầu tiên được các anh lựa chọn để xây dựng nằm ở một bản xa xôi của tỉnh Yên Bái. Sau khi liên hệ và nhận được sự đồng ý cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành của địa phương, nhóm của anh Thành tiến hành khảo sát điểm trường, thuê nhà thầu, thiết kế và xây dựng. Ngày khánh thành và đưa vào sử dụng trường mới, chứng kiến niềm vui của các giáo viên, học sinh và người dân nơi đây, anh Thành và các bạn cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã làm được một việc có ý nghĩa.

“Biết đâu, từ ngôi trường này, sẽ có học sinh vươn tới vinh quang, làm rạng danh vùng đất vốn chỉ biết đến mây mù, gió rét”, anh Thành bày tỏ.

Sau khi xây dựng thành công điểm trường đầu tiên, anh và các bạn lại tiếp tục khảo sát ở những nơi khác.

Trong 10 năm qua, gần 100 điểm trường đã được xây dựng từ sự đóng góp và tinh thần thiện nguyện của các thành viên trong Dự án Ngôi trường ước mơ, đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 5.000 học sinh.

Đây là công việc khá khó khăn, mỗi chuyến đi có khi mất đến vài ngày, do địa hình miền núi hiểm trở, đường sá không thuận lợi. Có những điểm trường, các anh phải đi bộ nửa ngày mới đến nơi. Chẳng hạn, điểm trường được xây dựng ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cách Hà Nội hơn 600 km, mỗi lần lên khảo sát hay thực hiện thi công, anh Thành mất cả ngày trời lái xe, chưa kể hành trình 3 - 4 tiếng đồng hồ đi bộ trên con đường mòn gập ghềnh, hiểm trở.

Lên tới nơi, mặc cơ thể mỏi nhừ, anh không ngại ngần trèo đèo, lội suối để tiến hành công việc. Mỗi bước chân, anh cảm thấy tràn đầy niềm vui và động lực, bởi anh biết rằng, thành quả của công việc này là nhiều em nhỏ được nâng bước đến trường.

Anh Thành chia sẻ, xây dựng trường ở vùng cao không đơn giản, bởi vận chuyển vật liệu rất gian nan. Hầu như toàn bộ quá trình vận chuyển phải dùng sức người, nên tiến độ khá chậm.

Chưa kể, sự khắc nghiệt của khí hậu, địa hình khiến việc thi công cũng gặp nhiều khó khăn. Có những điểm trường như ở Háng Lìa (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), vật liệu xây dựng chỉ được vận chuyển duy nhất bằng thuyền trên lòng hồ Thủy điện Sơn La, nên tốn nhiều công sức. Thời gian vận chuyển vật liệu kéo dài, khiến thời gian xây dựng trường lên tới hơn 3 tháng. 

Dự án Ngôi trường ước mơ ngày càng lan tỏa rộng rãi và nhận được sự chung tay giúp sức của nhiều người hơn. Từ những ngôi trường đầu tiên sử dụng vật liệu tôn lạnh,  giờ đây, Dự án đã xây dựng thêm nhiều ngôi trường kiên cố bằng gạch, tại nhiều địa phương như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái…

Cho đi là còn mãi

Phương châm hoạt động của Dự án Ngôi trường ước mơ là không kêu gọi tài trợ, các thành viên tự đóng góp hoặc những ai biết đến nhóm thì chủ động sẻ chia. Chính bởi vậy, nhiều lúc, nhóm không có kinh phí hoạt động, trong khi ước mơ xây thêm trường cứ thôi thúc mỗi ngày.

Trong những năm 2015 - 2016, khi đi khảo sát xây điểm trường, mọi người trong nhóm nói đùa với nhau rằng, chắc làm cả đời cũng không thể kiên cố hóa hết được các trường học tạm bợ nơi vùng cao.

Vậy mà, nhờ sự cần mẫn, kiên trì và không dừng bước, Dự án của các anh đã xây dựng được 99 điểm trường. Ban đầu, nhóm chỉ gồm vài thành viên, nhưng sau đó, nhờ việc tốt lan tỏa, ngày càng nhiều người tìm đến để chung tay, chung sức và đến nay, nhóm có đến vài ngàn thành viên.

Anh Thành tin rằng, không chỉ có nhóm của anh đang làm những công việc ý nghĩa, mà nhiều người trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng đang làm những việc tốt đẹp như vậy. "Nhiều người chung tay cũng có nghĩa là, nhiều em nhỏ được đến trường trong điều kiện thuận lợi hơn để hành trình đi tìm con chữ của các em vơi bớt nhọc nhằn", anh Thành tâm niệm.

Trong 10 năm qua, gần 100 điểm trường đã được xây dựng từ sự đóng góp và tinh thần thiện nguyện của các thành viên trong Dự án Ngôi trường ước mơ, đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 5.000 học sinh. Con số biết nói này là minh chứng cho những nỗ lực của anh Thành và các thành viên trong nhóm.

Nỗ lực làm việc thiện, anh muốn gửi thông điệp tới mọi người rằng, mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều có một sứ mệnh và việc có thực hiện được sứ mệnh đó hay không phụ thuộc vào ý chí, nỗ lực của mỗi người. Chúng ta có thể chọn cho mình một cuộc đời cống hiến và phụng sự, một cuộc đời ý nghĩa và nhân văn bằng cách cho đi thật nhiều.

"Khoảng 70 - 80 năm cuộc đời mỗi con người tưởng dài, mà lại rất ngắn. Chúng ta có thể làm cho cuộc đời của mình đáng giá bằng cách làm việc thiện, giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Cho đi không nhất thiết đòi hỏi nhận lại”, anh Nguyễn Trường Thành trải lòng.

Nhớ lại một ngày mùa đông lạnh giá khi tiết trời dưới 10 độ C, trên hành trình đến với buổi lễ khánh thành và đưa vào sử dụng điểm trường ở xã Chiềng Công (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), những con người thầm lặng - thành viên của Dự án Ngôi trường ước mơ phải đi bộ hàng chục cây số trên con đường trơn trượt, vận chuyển đồ dùng, vật dụng vào điểm trường để có thể trao tận tay thầy cô và các em nhỏ.

Còn hạnh phúc nào hơn khi những việc mình làm được đơm hoa, kết trái. Ngọn lửa ấm áp từ trái tim và tình yêu thương giữa con người với con người đã xua đi cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông miền sơn cước.

Khi những cánh đào bắt đầu hé nụ, hoa mận, hoa mơ nở trắng đất trời, cũng là lúc những thành viên của Dự án Ngôi trường ước mơ tạm biệt Chiềng Công để bắt đầu một hành trình mới với dự án mới, mang những ngôi trường đến với trẻ em vùng cao.

Dược phẩm Thái Minh khánh thành 2 điểm trường tại Sìn Hồ, Lai Châu
Dược phẩm Thái Minh cùng hai nhãn hàng Bình Vị Thái Minh và Tràng Phục Linh Plus chính thức khánh thành 2 công trình trường mầm non Nậm Chản, Lùng Sử...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư