Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Trích lập dự phòng lớn, Coteccons (CTD) lỗ quý II/2022 hơn 23,8 tỷ đồng
Trọng Tín - 31/07/2022 08:31
 
Việc trích lập dự phòng nợ khó đòi cho các dự án tồn đọng từ 2018 - 2020, cùng những khó khăn của ngành xây dựng hiện nay, đã tạo áp lực rất lớn lên biên lợi nhuận của Coteccons.

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với doanh thu thuần tăng 28,6% so với cùng kỳ, đạt 3.280 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng chiến hơn 3.000 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp của công ty chỉ còn 215,6 triệu đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ 2021.

Trong kỳ, Coteccons ghi nhận khoản doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, đạt 152,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 47,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hầu hết các khoản chi phí đều tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính  chiếm 47,4 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 chỉ 235 triệu đồng); chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 360,4 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận khoản lỗ hơn 5,8 tỷ đồng trong các công ty liên kết.

Sau khi trừ đi các chi phí, công ty bão lỗ quý II/2022 hơn 23,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 44,8 tỷ đồng, biên lợi nhuận âm 0,73%.

a
Một công ty của Tập đoàn Tân Hoàng Minh nợ Coteccons hơn 483,6 tỷ đồng.

Đại diện Coteccons cho biết, việc trích lập dự phòng nợ khó đòi cho các dự án tồn đọng từ 2018 - 2020, cùng những khó khăn của ngành bất động sản, xây dựng hiện nay, đã tạo áp lực rất lớn lên biên lợi nhuận quý II/2022 của Công ty.

Một trong những dự án Công ty phải trích lập dự phòng nặng nề nhất là của Công ty Ngôi sao Việt - một công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Dự án đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2019 và mặc dù đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ, nhưng trong quý II/2022, Coteccons vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng 242 tỷ đồng cho dự án này, nâng số trích lập dự phòng lũy kế 2020 - quý II/2022 lên đến 484 tỷ đồng.

Không chỉ chịu các gánh nặng trong quá khứ do giai đoạn trước để lại, Coteccons cũng như nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản khác cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức hiện nay khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt với tín dụng bất động sản, vụ việc tại Tân Hoàng Minh khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thắt chặt, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài như gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột, căng thẳng địa chính trị khiến giá nguyên, nhiên vật liệu leo thang trong nửa cuối 2021 và đầu năm 2022 đang tiếp tục đè nặng lên các nhà thầu xây dựng. Cùng với đó, dư âm của đại dịch Covid tiếp tục ảnh hưởng đến sự phân bổ lao động chung của Việt Nam, dẫn đến thiếu hụt nhân công lao động tại các thành phố lớn, khiến chi phí lao động tăng cao.

Lũy kế 6 tháng 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.193 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 5,4 tỷ đồng, biên lợi nhuận đạt 0,1%.

Năm 2022, Coteccons  đặt mục tiêu doanh thu đạt 15.010 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, công ty đạt 34,6% kế hoạch doanh thu, và hơn 25% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong quý, dòng tiền kinh doanh của Coteccons âm hơn 1.298 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty tính đến cuối kỳ có tăng nhẹ, đạt hơn 16.456 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến cuối kỳ đạt 8.258 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn đạt 7.727 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lần đầu tiên dự nợ vay của Coteccons đạt 1.314 tỷ đồng, tuy nhiên thu nhập tài chính ròng của công ty 6 tháng đầu năm vẫn đạt 155% so với cùng kỳ năm ngoái.

a
Hàng tồn kho của công ty cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm

Thông cáo báo chí phát đi, Coteccons cho rằng, những hệ lụy từ gánh nặng quá khứ tồn tại nhiều năm, nên cần thời gian để xử lý, trong khi những khó khăn của thị trường là khó khăn chung và do những nguyên nhân khách quan, nên việc ảnh hưởng tới lợi nhuận của Coteccons trong ngắn hạn là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, quá trình lột xác nào cũng phải chịu đớn đau và đó là điều cần thiết. Thực tế đang cho thấy, quá trình tái cấu trúc Công ty trong 2 năm qua của Ban lãnh đạo Coteccons là quyết định đúng đắn và bước đầu đã đem lại những thành quả tích cực.

Cụ thể, liên quan đến các hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty đã thành công thắng thầu hơn 39 dự án với tổng giá trị xây dựng hơn 16.000 tỷ đồng.

Riêng trong quý II, Công ty thắng thầu nhiều dự án biểu tượng như Diamond Crown Hai Phong với kết cấu Diagrid lần đầu tiên xuất hiện tại châu Á; Dự án Novaworld Phan Thiet áp dụng công nghệ Pre-cast; chủ đầu tư Ecopark tiếp tục trao thầu gói xây dựng CT06 cho Coteccons với tổng giá trị lên tới gần 2.400 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là Công ty tiếp tục triển khai Hệ thống phần mềm Quản trị doanh nghiệp (ERP) giai đoạn 2, đáp ứng đầy đủ chuỗi giá trị và quy trình nghiệp vụ phức tạp của ngành tổng thầu xây dựng quy mô lớn dựa trên dữ liệu chính xác theo thời gian thực để tạo tiền đề cho việc áp dụng công nghệ mới trong thi công xây dựng từ khối văn phòng đến khối công trường.

Hiện nay, tại một số dự án sau khi thành công trong việc thuyết phục chủ đầu tư áp dụng công nghệ Pre-cast trong thi công xây dựng, kết quả bước đầu giúp cho dự án rút ngắn được thời gian thi công, nâng cao chất lượng xây dựng, từng bước giải bài toán về thiếu hụt lực lượng lao động.

Dự kiến chỉ trong nửa đầu năm 2023, Coteccons sẽ làm chủ và hoàn toàn chiếm ưu thế trong công nghệ xây dựng này.

Lãnh đạo Coteccons nói về lý do mục tiêu lợi nhuận 2022 đi lùi
Năm 2022, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) phải trích lập dự phòng khoảng 95 tỷ đồng. Nếu không trích lập khoản này thì lợi nhuận có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư