Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Trình Quốc hội lùi thời điểm thông qua Luật Đất đai
Nguyễn Lê - 17/11/2023 08:51
 
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại Kỳ họp thứ sáu.
Phiên thảo luận Dự án Luật Đất đai sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể

Sau khi được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) đã hoàn thiện thêm một bước và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 16/11.

Theo nghị trình, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua đạo luật quan trọng này vào ngày 29/11, trước khi bế mạc Kỳ họp thứ sáu.

Tuy nhiên, tại Dự thảo được Quốc hội thảo luận tại đợt 1 của Kỳ họp, nhiều chính sách quan trọng vẫn chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khái quát, ý kiến đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau, chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

“Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ Dự thảo còn cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của Dự án luật”, ông Thanh nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của Dự án là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp sau khi ban hành có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua Dự thảo tại Kỳ họp thứ sáu. Sau kỳ họp này, sẽ báo cáo một số nội dung xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để có định hướng tiếp tục hoàn thiện các nội dung chính sách lớn, phức tạp cũng như tổng thể Dự thảo.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cho ý kiến chính thức về Dự thảo sau khi được hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và gửi Ủy ban Pháp luật thực hiện rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của Dự thảo với hệ thống pháp luật theo quy định, bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về thời điểm thông qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nhất trí chuyển sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp này.

Minh bạch về giá đất để bảo vệ cán bộ

So với Dự thảo đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu, có 6/26 nội dung đã tiếp thu gọn còn 1 phương án, nhưng vẫn còn tới 14/26 nội dung còn có 2 phương án, trong đó có quy định phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159).

Ông Thanh cho biết, trên cơ sở các ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu, Dự thảo tiếp tục thiết kế 2 phương án.

Phương án 1: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất, nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Đây là phương án được Chính phủ đề xuất.

Phương án 2: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ áp dụng.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn phương án 2.

Nhấn mạnh đây là vấn đề khó nhất của Dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ đồng ý với phương án 2.

“Không quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp, thì bên dưới lại sợ sai, không dám làm đâu, phải quy định trong Luật để bảo vệ cán bộ”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu không luật hóa trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp, mà lại để tận 4 phương pháp, thì cơ quan kiểm toán, thanh tra lại hỏi sao anh không chọn phương pháp kia, mà lại chọn phương pháp này, nếu phương pháp khác cao hơn chỉ 1 đồng là “chết” rồi. Vì thế, ông Vương Đình Huệ cho rằng, quy định phương pháp định giá đất càng công khai, minh bạch thì càng tốt.

“Hiện nay, kêu khó là do chưa quy định được hay là không muốn quy định, không luật hóa, thì ai dám làm. Đây là vấn đề quan trọng nhất. Dự thảo trình Quốc hội tới đây chỉ còn một phương án thôi. Nếu Chính phủ đồng ý phương án 2 thì tốt, không thì vẫn trình phương án 2 và nói rõ quan điểm của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Áp dụng phương pháp định giá đất

a) Phương pháp so sánh được áp dụng để định giá khi có tối thiểu 3 thửa đất so sánh đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;

b) Phương pháp thu nhập được áp dụng để định giá khi xác định được các khoản thu nhập và chi phí từ việc sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Phương pháp thặng dư được áp dụng để định giá đối với thửa đất, khu đất có tiềm năng phát triển do thay đổi mục đích sử dụng đất hoặc thay đổi quy hoạch khi xác định được tổng doanh thu phát triển và tổng chi phí phát triển, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;

d) Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để định giá đất trong trường hợp định giá đất cụ thể tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp khu vực thu hồi đất có nhiều thửa đất và không đủ điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh.
Tiếp tục “đại phẫu” Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Dù dự kiến được thông qua ở Kỳ họp thứ sáu này của Quốc hội, song Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) vẫn đang trong cuộc “đại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư