Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 19 tháng 08 năm 2024,
Trong năm 2024, tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách
Nguyễn Lê - 19/08/2024 09:31
 
Đối với địa phương, mức giảm biên chế trong 2 năm vừa qua đang ở mức rất khiêm tốn, thậm chí có đến 12 tỉnh, thành phố tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn này.
.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.

Báo cáo tóm tắt, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%/chỉ tiêu 10%). Các ĐVCNSL sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) của ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý; giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.

Tuy nhiên, việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đang chậm lại trong giai đoạn 2021 – 2023.

Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao, ông Tùng cho hay.

Theo báo cáo đầy đủ, giai đoạn 2021 – 202, đối với Bộ, ngành, số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã thẩm định năm 2021 là 119.475 biên chế. Số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã thẩm định năm 2022 là 108.454 biên chế, giảm 11.021 biên chế, tương ứng giảm 9,22% so với năm 2021. Số biên chế sự nghiệp tại các Bộ, ngành được thẩm định theo nguyên tắc giảm bình quân ít nhất 2%, một số Bộ, ngành giảm nhiều hơn do đã đẩy mạnh tự chủ ĐVSNCL, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công (như Bộ Công Thương giảm 28,81%, Bộ Giao thông vận tải giảm 34,43%, Bộ Ngoại giao giảm 70,07%...).

Đối với địa phương, đoàn giám sát đánh giá, mức giảm trong 2 năm vừa qua đang ở mức rất khiêm tốn, thậm chí có đến 12 tỉnh, thành phố tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn này . Mức giảm trung bình số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở địa phương giai đoạn 2021-2023 chỉ đạt mức 1,42%, cách rất xa mục tiêu tiếp tục giảm 10% được đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Kết quả sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các ĐVSNCL mặc dù đạt mục tiêu Nghị quyết giảm 10% giai đoạn 2015 - 2021 nhưng chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu giảm biên chế do các đơn vị chuyển qua tự chủ, giảm biên chế chưa sử dụng tại các ĐVSNCL; đối tượng tinh giản biên chế chủ yếu là đối tượng nghỉ hưu, tự nguyện tinh giản; dôi dư do sắp xếp lại đơn vị; do ốm đau, bệnh tật… .

Kết quả tinh giản biên chế nhiều nơi chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức còn mang tính cơ học, đồng thời tạo thêm áp lực cho đội ngũ viên chức và ĐVSNCL trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Việc thực hiện thí điểm thi tuyển và thuê giám đốc điều hành tại các ĐVSNCL vẫn còn chậm, hiện nay mới có một số cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện thí điểm, đối với khối các Bộ, ngành hiện còn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất do phụ thuộc vào kết quả việc chuyển đổi ĐVSNCL sang mô hình doanh nghiệp.

Qua giám sát, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu, rà soát để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học để xác định rõ những cơ sở giáo dục đại học phải thành lập, được lựa chọn thành lập hoặc không thành lập hội đồng trường; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của hội đồng trường và các thiết chế liên quan trong cơ sở giáo dục đại học để khắc phục các vướng mắc, bất cập, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của mô hình hội đồng trường.

Nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Doanh nghiệp, Luật Viên chức, tạo điều kiện để viên chức tham gia quản lý doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học.

Trong các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, đoàn giám sát kiến nghị trong năm 2024, hoàn thành việc phê duyệt vị trí việc làm viên chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trên cơ sở vị trí việc làm, đạt mục tiêu đề ra, có tính đến đặc thù của ngành giáo dục và đào tạo, y tế.

Đẩy mạnh việc thực hiện cổ phần hóa các ĐVSNCL, phấn đấu bảo đảm mục tiêu đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi 100% các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần, đoàn giám sát kiến nghị. 

Kiến nghị tiếp theo là sớm hoàn thành lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định; thực hiện lộ trình cơ chế giá trị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với giá các dịch vụ sự nghiệp công quan trọng như y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp…

Đề xuất thí điểm hợp nhất nhiều cơ quan để giảm biên chế, lãnh đạo
Chính phủ đề xuất thí điểm hợp nhất 3 văn phòng (đoàn ĐBQH, HĐND và UBND) thành 1 văn phòng; Thanh tra và Kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và Nội vụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư