Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Trump chính thức rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, điều gì chờ đợi thế giới?
Ngọc Lan Chi - 09/05/2018 07:11
 
Việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả thỏa thuận này và đương nhiên, Iran sẽ lại theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Trump ký lệnh rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống Trump ký lệnh rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể làm toàn bộ thỏa thuận này chết dần và cuối cùng dẫn đến việc Iran tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu chiều 8/5 (tức là sáng ngày 9/5 theo giờ Việt Nam), ông Trump cho rằng, kết quả đàm phán năm 2015 về thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Barack Obama nhằm ngăn ngừa nước này phát triển vũ khí hạt nhân là không thỏa đáng.

“Tôi thấy rõ ràng là, chúng ta không thể ngăn ngừa bom hạt nhân của Iran theo một cấu trúc suy tàn và thối rữa của thỏa thuận này. Thỏa thuận Iran là tệ hại ngay từ cốt lõi của nó. Nếu chúng ta không làm gì, thì chúng ta biết chính xác điều gì sẽ xảy ra”, ông Trump nói.

Ông Trump cho biết, ông muốn đàm phán lại một thỏa thuận mới với những hạn chế khắt khe hơn đối với chương trình hạt nhân của Tehran và hạn chế các khía cạnh khác của Iran, trong đó có việc phát triển tên lửa đạn đạo và việc nước nước này hậu thuẫn các nhóm khủng bố ở Trung Đông.

“Lãnh đạo Iran sẽ nói rằng, họ từ chối đàm phán một thỏa thuận mới. Tốt thôi. Có lẽ, tôi cũng nói tương tự nếu tôi ở vào vị trí của họ. Tuy nhiên, thực tế là họ sẽ muốn ký kết một thỏa thuận mới và bền vững hơn, đem lại lợi ích cho cả Iran và nhân dân Iran”, Tổng thống Donald Trump phân tích.

“Khi nào họ muốn, tôi sẵn sàng, có thiện chí và có thể làm”, Trump nói thêm.

Được biết, năm 2015, Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc đã thống nhất dỡ bỏ trừng phạt kinh tế Iran để đổi lấy việc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Nay Mỹ muốn tái áp đặt ngay các trừng phạt của mình đối với Iran. Chiều ngày 8/5, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho biết, quyết định của Tổng thống Donald Trump sẽ khôi phục các trừng phạt của Mỹ chống Iran giống như khi chưa có Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Mọi hoạt động kinh doanh với Iran sẽ phải tuân thủ các lệnh trừng phạt này.

Các công ty và ngân hàng đã làm ăn với Iran sẽ có 3 – 6 tháng để rút lui, nếu không sẽ trở thành đối tượng bị trừng phạt.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực ô tô Iran sẽ có hiệu lực trở lại trong vòng 90 ngày; các lệnh trừng phạt với khu vực dầu mỏ của nước này sẽ có hiệu lực sau 180 ngày.

Tất cả các nước, trong đó có cả các nước đồng minh tham gia Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, cần phải giảm nhập khẩu từ Iran. Nếu không, các ngân hàng của họ có thể bị Mỹ trừng phạt sau 6 tháng.

Ông Richard Nephew, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng tham gia đàm phán Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 cho rằng, các nước châu Âu sẽ tuân thủ thay đổi của Mỹ, song Nga và Trung Quốc sẽ không.

Trong số các công ty lớn bị tổn hại có các công ty dầu khí Total, cùng các công ty sản xuất ô tô Peugeot và Renault của Pháp, bởi các công ty vay tiền của ngân hàng Pháp - đối tượng có thể bị Mỹ trừng phạt nếu nước Pháp không cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo, kế hoạch bán máy bay cho Iran của Boeing trị giá 20 tỷ USD đã được hủy bỏ.

Ông Donald Trump kỳ vọng rằng, động thái mới của Mỹ là đòn chiến lược buộc Iran phải đàm phán lại với những nhân nhượng lớn hơn so với thỏa thuận đã ký năm 2015.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kỳ vọng này hầu như là không thể. Bởi các nhà lãnh đạo châu Âu và Iran đã mất nhiều năm mới có thể đạt được thỏa thuận như vậy, họ muốn tuân thủ theo cái đã ký, chứ không muốn mở lại đàm phán.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng vừa tuyên bố, ông đang cơ cấu lại các nhà ngoại giao để đàm phán với châu Âu, Nga và Trung Quốc về phần còn lại của thỏa thuận đã ký. “Từ nhiều tháng trước, chúng tôi đã biết, Tổng thống Mỹ sẽ không tuân thủ thỏa thuận này. Bộ Ngoại giao Iran sẽ tiếp tục đàm phán với các nước còn lại tham gia thỏa thuận này”, ông Hassan Rouhani nói.

Đồng thời, Tổng thống Iran cũng tuyên bố, ông đã chỉ đạo cơ quan hạt nhân “sẵn sàng bắt đầu làm giàu uranium ở mức độ công nghiệp”.

Cầu vượt cung, giá dầu mỏ thế giới sẽ tăng cao
Nếu gần 1 năm trước, các nhà sản xuất dầu mỏ thế giới lo ngại về tình trạng sản lượng khai thác quá lớn, thì nay, nỗi sợ lại là cầu sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư