Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trung Quốc: Tăng trưởng lợi nhuận sản xuất công nghiệp bị kéo giảm
Lê Quân - 27/12/2021 12:02
 
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 11/2021 chưa bằng một nửa so với mức tăng của tháng trước đó, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Một dây chuyền sản xuất máy điều hòa không khí tại TP. Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Một dây chuyền sản xuất máy điều hòa không khí tại TP. Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Cụ thể, lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 11/2021 chỉ tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước, lên 805,96 tỷ nhân dân tệ (RMB), tương đương 126,54 tỷ USD. Mức tăng này chưa bằng một nửa kết quả tăng 24,6% ghi nhận trong tháng 10.

Số liệu lợi nhuận sản xuất công nghiệp trên được đánh giá dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp quy mô lớn với doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hàng năm đạt trên 20 triệu RMB.

Xét cả giai đoạn 11 tháng năm 2021, lợi nhuận sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc tăng 38,0% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 7.980 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 42,2% trong 10 tháng đầu năm.

Zhu Hong, chuyên gia thống kê trưởng tại Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, những nỗ lực của nhà nước nhằm hạ nhiệt giá bán buôn các mặt hàng trong tháng 11/2021 đã giúp giảm áp lực lên các ngành công nghiệp hạ nguồn. Các biện pháp kiềm chế tăng giá đã làm giảm phần đóng góp của ngành khai khoáng và nguyên liệu thô vào tăng trưởng lợi nhuận sản xuất công nghiệp nói chung.

"Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với áp lực chi phí tăng cao và lợi nhuận ở các ngành công nghiệp hạ nguồn cần phải được cải thiện hơn nữa", Zhu Hong cho biết.

Sức nóng giá cả hàng hóa nhập tại cổng các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 11 đã dịu bớt, nhờ các biện pháp mà chính phủ nước này triển khai thực hiện nhằm kiềm chế sức tăng giá của các mặt hàng và khắc phục tình trạng thiếu điện trên diện rộng.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới ứng phó thành công trước cú sốc của đại dịch Covid-19. Sau thời gian phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng của Trung Quốc đã bắt đầu sụt giảm kể từ tháng 7/2021 do chi tiêu tiêu dùng nội địa giảm mạnh bởi quốc gia này theo đuổi chính sách "Zero-Covid-19" và thắt chặt các quy định pháp lý, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản.

Chính quyền Trung Quốc cũng hạn chế tung ra các gói kích thích nền kinh tế và dè dặt triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh nhiều nước đã chứng kiến lạm phát tăng cao và thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 20/12 đã hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm xuống còn 3,8%, từ mức 3,85%. Thế nhưng, lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm vẫn được giữ nguyên ở mức 4,65%.

Lần gần nhất mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm và 5 năm là tháng 4/2020, theo ghi nhận của Công ty phân tích tài chính Wind Information.

Trước đó, quyết định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc về việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính cũng đã chính thức có hiệu lực. Cụ thể, Trung Quốc cắt giảm 0,5% đối với mức dự trữ bắt buộc bình quân 8,4% của các tổ chức tài chính. Động thái này được kỳ vọng giải phóng khoảng 1.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 187,5 triệu USD) ra thị trường.

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên của chính phủ Trung Quốc diễn ra trong tháng này, lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh đến việc tập trung mạnh mẽ hơn vào ổn định tình hình trong năm 2022. Theo kết luận hội nghị, Trung Quốc xác định rằng "chính sách tiền tệ thận trọng" cần áp dụng linh hoạt và hợp lý, trong khi thanh khoản cũng cần được duy trì ở mức hợp lý.

Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản
Hôm nay 20/12, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PoBC) đã quyết định hạ lãi suất cho vay cơ bản.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư