Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 21 tháng 10 năm 2024,
Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay cơ bản để thúc tăng trưởng
Đông Phong - 21/10/2024 11:15
 
Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản như dự đoán trong lần điều chỉnh định kỳ hàng tháng vào ngày 21/10, sau khi cắt giảm các lãi suất chính sách khác vào tháng trước trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế.
Trụ sở ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Trung Quốc đã giảm 0,25% lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm còn 3,10%, từ mức 3,35%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản 5 năm cũng được giảm cùng biên độ xuống còn 3,6%, từ mức 3,85% trước đó.

Lần gần đây nhất Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản là vào tháng 7.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Pan Gongsheng đã phát biểu tại một diễn đàn tài chính vào tuần trước rằng lãi suất cho vay sẽ giảm từ 20 - 25 điểm cơ bản vào ngày 21/10.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố cắt giảm 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng và giảm 20 điểm cơ bản lãi suất tái cấp vốn đảo ngược kỳ hạn 7 ngày vào ngày 24/9, đồng thời khởi động chương trình kích thích mạnh mẽ nhất kể từ đại dịch Covid-19 xuất hiện, bao gồm các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBOC cũng đã cắt giảm 30 điểm cơ bản lãi suất cho vay trung hạn.

Hầu hết các khoản vay mới và chưa thanh toán ở Trung Quốc đều dựa trên lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm, trong khi lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm chi phối lãi suất thế chấp.

Chỉ số chứng khoán Trung Quốc CSI300 đã phá vỡ kỷ lục về biến động hàng ngày và tăng hơn 14% kể từ khi các biện pháp kích thích kinh tế được công bố ngày 24/9. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ trong kỳ giảm 1% so với đồng đô la Mỹ.

Tuy nhiên, cổ phiếu Trung Quốc đã dao động trong các phiên gần đây khi trạng thái hưng phấn ban đầu nhường chỗ cho những lo ngại về việc liệu chính sách kích thích đó có đủ mạnh để phục hồi tăng trưởng hay không.

Quý III/2024 chứng kiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ đầu năm 2023, mặc dù số liệu về tiêu dùng và sản lượng nhà máy vượt dự báo vào tháng trước, nhưng lĩnh vực bất động sản đang lao dốc vẫn là thách thức lớn.

Dữ liệu chính thức vừa được công bố cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đạt tăng trưởng 4,6% trong quý III/2024, nhỉnh hơn mức 4,5% mà các chuyên gia kinh tế dự báo với Reuters, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 4,7% trong quý II.

Bình luận về kết quả tăng trưởng quý III của Trung Quốc, ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại JLL cho rằng: "Hiệu suất đó phù hợp với kỳ vọng của thị trường khi xét đến nhu cầu trong nước vẫn yếu, thị trường nhà ở vẫn đang gặp khó khăn và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại".

"Gói kích thích được công bố vào cuối tháng 9 sẽ cần thời gian và sự kiên nhẫn để thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều quý tiếp theo", ông Pang nói thêm.

Tại cuộc họp báo ngày 18/10, các quan chức Trung Quốc lạc quan cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm của chính phủ là khoảng 5% và báo hiệu sẽ có thêm một đợt cắt giảm nữa đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng vào cuối năm.

"Hiện vẫn còn nhiều tranh luận xoay quanh việc nới lỏng thêm sẽ ảnh hưởng ra sao đến cổ phiếu Trung Quốc và Hong Kong và CNH (đồng nhân dân tệ giao dịch ở hải ngoại), bởi các nhà giao dịch có thể cảm thấy mệt mỏi với việc nới lỏng chính sách", ông Chris Weston, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty môi giới trực tuyến Pepperstone (Australia), cho biết.

Trung Quốc ra sức gỡ khó cho bất động sản
Trung Quốc sẽ mở rộng "danh sách trắng" hỗ trợ các dự án bất động sản và đẩy nhanh giải ngân cho các dự án dang dở lên 4.000 tỷ nhân dân tệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư