Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trung Quốc "xả van" trái phiếu thời Covid-19, doanh nghiệp chớp thời cơ
Lê Quân (WSJ) - 07/03/2020 09:09
 
Được bật đèn xanh phát hành trái phiếu, doanh nghiệp Trung Quốc nhanh tay chớp thời cơ huy động vốn rẻ để đối phó dịch bệnh Corona (Covid-19) và xoay sở thoát khỏi kết cục phá sản.
TIN LIÊN QUAN
Kể từ tháng 2 đến nay, hơn 150 doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động thành công hơn 237 tỷ nhân dân tệ (tương đương 34 tỷ USD) từ phát hành trái phiếu chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP
Kể từ tháng 2 đến nay, hơn 150 doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động thành công hơn 237 tỷ nhân dân tệ (tương đương 34 tỷ USD) từ phát hành trái phiếu chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Dịch Covid-19 khiến Trung Quốc xuất hiện "cơn mưa" trái phiếu khi các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu với lợi suất thấp. Kể từ tháng 2 đến nay, hơn 150 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, hàng không và bất động sản đã huy động được tổng cộng 237 tỷ nhân dân tệ (tương đương 34 tỷ USD) từ phát hành “trái phiếu chống dịch Covid-19". Một phần vốn huy động được sẽ dùng để kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan tại Trung Quốc.

Tốc độ phát hành trái phiếu đã tăng lên đáng kể và ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhận ra đây là cơ hội tốt để huy động vốn rẻ. Lãi suất coupon áp dụng cho các trái phiếu mới dao động trong khoảng 1,6-6%. Thậm chí, nhiều trái phiếu được phát hành với lãi suất coupon thấp hơn cả mức lợi suất dư nợ của chính doanh nghiệp phát hành, theo công ty phân tích dữ liệu Wind Info.

Các chuyên gia phân tích thị trường cho biết, đối tượng “tiêu thụ” nhiều trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay là các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. “Việc các ngân hàng mạnh tay tiêu thụ trái phiếu mà các nhà đầu tư khác không muốn động vào đã kéo tụt lợi suất trái phiếu”, Jason Tan, chuyên gia nghiên cứu các tổ chức tài chính Trung Quốc tại công ty nghiên cứu nợ CreditSights (Mỹ) bình luận.

Về bản chất, việc các ngân hàng Trung Quốc chấp nhận mức lợi suất trái phiếu thấp là động thái hỗ trợ doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân. Việc mạnh tay "tiêu thụ" trái phiếu cũng là biện pháp để kích thích thanh khoản của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh số nhiều công ty giảm sâu, còn chuỗi cung ứng và nhiều hoạt động khác bị gián đoạn vì dịch Covid-19.

Hầu hết vốn huy động từ phát hành trái phiếu thời Covid-19 được dùng vào thanh toán nợ hiện tại nhằm giúp doanh nghiệp tránh nguy cơ vỡ nợ.

Theo báo cáo nghiên cứu của công ty môi giới chứng khoán Hua Chuang (Trung Quốc), trái phiếu thời Covid-19 chiếm khoảng 20 - 30% tổng số vốn huy động từ trái phiếu bằng nhân dân tệ trong tháng 2.

Số liệu kinh tế Trung Quốc mới công bố cho thấy nhiều doanh nghiệp tại nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng hoặc không thể sản xuất và đẩy hàng ra thị trường do các nhà máy bị đóng cửa và hệ thống logistics mắc kẹt trước các biện pháp hạn chế di chuyển do dịch bệnh.

Ngay đầu tháng 2 - thời điểm dịch Covid-19 lan nhanh tại Trung Quốc, các cơ quan tài chính của nước này đã thông báo sẽ cứu nguy cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid bằng việc hỗ trợ và phê duyệt phát hành trái phiếu nhanh hơn.

Cùng với thương chiến Mỹ - Trung, dịch Covid-19 là đòn kép thử sức của doanh nghiệp tại Trung Quốc cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không lâu sau thông báo của các cơ quan tài chính Trung Quốc, một tổ chức giám sát thị trường trái phiếu Trung Quốc cho biết thủ tục phát hành trái phiếu của các công ty ở vùng dịch Hồ Bắc - nơi phát tán Covid-19 hoặc các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, có thể được phê duyệt nhanh chóng.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cam kết nỗ lực đối phó với dịch Covid-19 hoặc có kế hoạch sử dụng ít nhất 10% số tiền huy động từ phát hành trái phiếu chống dịch sẽ đủ điều kiện huy động.

Động thái mở đường của các cơ quan quản lý càng khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đẩy nhanh quá trình phát hành trái phiếu ngắn và dài hạn. Nhiều doanh nghiệp dùng vốn huy động từ trái phiếu cho mục đích chung hoặc trả nợ phần nào. Không ít doanh nghiệp cho biết sẽ dùng vốn huy động từ trái phiếu để tăng cường các hoạt động như sản xuất khẩu trang, mua thuốc khử trùng hoặc quyên góp cho cộng đồng gặp khó khăn do dịch bệnh.

Riêng tháng 2, Huarong Xiangjiang Bank Corp, một ngân hàng nhỏ ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã huy động 200 triệu nhân dân tệ từ phát hành trái phiếu kỳ hạn 1 năm. Ngân hàng này đã lên kế hoạch cung cấp những khoản vay nhỏ nhằm hỗ trợ các bệnh viện và công ty dược phẩm ở địa phương. Trong khi đó, Hengfeng Bank, một ngân hàng khác bị ảnh hương bởi dịch Covid-19, mới đây cũng huy động được 1 tỷ nhân dân tệ từ phát hành trái phiếu chống dịch. 

Zhang Shuncheng, chuyên gia phân tích của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tại Thượng Hải cho hay, các trái phiếu chống dịch Covid-19 có xếp hạng tín dụng nội địa mức AA+ (mức xếp hạng được xếp loại cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Trung Quốc), còn lãi suất coupon bình quân của các trái phiếu này thấp hơn 0,3% so với lợi suất dư nợ trước đó của doanh nghiệp phát hành.

Tập đoàn sản xuất màn LCD BOE Technology, một nhà cung cấp của gã khổng lồ Apple, tuần trước huy động 2 tỷ nhân dân tệ từ phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất coupon 3,64%. BOE Technology khẳng định sẽ dùng 300 triệu nhân dân tệ từ huy động trái phiếu để hỗ trợ một nhà máy tại "ổ dịch" Vũ Hán và xây dựng thêm khu sản xuất mới tại thành phố này. Số vốn huy động còn lại sẽ được chuyển cho các công ty con tại Trung Quốc.

Còn hãng hàng không Trung Quốc Shenzhen Airlines cũng huy động 2,3 tỷ nhân dân tệ từ việc phát hành trái phiếu. Nguồn tiền này được dùng để bồi thường cho hành khách bị hủy chuyến bay, mua vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 và trang trải chi phí nhiên liệu, tiền lương và các khoản bảo trì khác.

Trong khi trái phiếu chống dịch Covid-19 được phát hành rộng rãi tại Trung Quốc đại lục, các ngân hàng khác trên thế giới tuần trước cũng hỗ trợ phát hành loại trái phiếu này. Chi nhánh Macau của Ngân hàng Bank of China đã gom vốn thành công 4 tỷ đô la Hong Kong (513,2 triệu USD) từ phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm với mức lợi suất 1,95% và một khoản vốn nhỏ bằng tiền Macau. Bank of China dự kiến chi số vốn huy động được để tài trợ các dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Đài Loan.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư